Gần đây, giới ngân hàng (NH) tại Đà Nẵng rộ lên thông tin về mức lãi suất cho vay (LSCV) ưu đãi từ 6,7 - 8%/năm, ngang bằng lãi suất huy động trả lãi sau 12 tháng của một số ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn.
Thậm chí nhiều điểm giao dịch mời chào LSCV cố định thấp hơn cả mức lãi suất tiết kiệm. Điều gì đã xảy ra trên thị trường tiền tệ trong lúc các nhà băng đang lúng túng với các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng?
Chiêu "mồi" lãi suất thời ế vốn
Trước sức ép về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (TD), các nhà băng chạy quanh tìm khách hàng (KH) để “đẩy” vốn ra. Khi hỏi về tình hình kinh doanh, một vài giám đốc NH ngao ngán trả lời, nghề NH bây giờ khó khăn thật sự, dư nợ giảm dần, nợ xấu dâng cao, lãi không thu được do KH chây ì, phá sản, lại thêm trích dự phòng rủi ro khiến cho lợi nhuận ngày càng teo tóp, thu nhập không đủ trả lương cho nhân viên.
Trước tình thế đó, các ông chủ nhà băng buộc phải đưa ra những chương trình bán lẻ qua hình thức cho vay tiêu dùng (CVTD) với kỳ vọng “tích tiểu thành đa”, đẩy mạnh hoạt động TD. Và để kích thích người có nhu cầu vay vốn, họ đã không ngần ngại treo băng rôn, nhắn tin qua điện thoại di động kiểu “cho vay lãi suất cố định ưu đãi 8%/năm”.
Một Chi nhánh của NH Quân đội (MB) có trụ sở tại đường 2-9 – Đà Nẵng đang quảng bá Chương trình cho vay ưu đãi dành cho KH cá nhân chỉ từ 8%/ năm. Được biết, “gói” TD này lên đến 5.000 tỷ đồng nhằm phục vụ cho các nhu cầu tiêu dùng. NH Quốc Tế cho KH cá nhân vay mua ô-tô du lịch (hoặc thương mại) với LSCV 7,99%/năm, chương trình có hiệu lực đến ngày 28-2-2015 hoặc đến khi hết gói giải ngân.
NH Đầu tư & Phát triển (BIDV) triển khai gói 1.000 tỷ đồng CVTD bảo đảm bằng bất động sản với LS từ 7,8%/năm từ ngày 1-8-2014 đến hết ngày 30-9-2014.
Chương trình TD 5.000 tỷ đồng siêu ưu đãi LS tại HDBank đã được triển khai từ nay đến 31-12-2014. Theo đó, 2 gói TD được thiết kế phù hợp với nhu cầu vay và mục đích sản xuất kinh doanh KH là doanh nghiệp (DN). Gói TD ngắn hạn với tổng hạn mức 3.000 tỷ đồng, LSCV chỉ từ 6,7%/năm dành cho KHDN có nhu cầu vay bổ sung vốn ngắn hạn. Gói TD trung, dài hạn với tổng hạn mức 2.000 tỷ đồng, LS cho vay cố định 12 tháng đầu chỉ từ 9,79%/năm dành cho KHDN có nhu cầu vay vốn trung, dài hạn.
Vì sao, trong lúc LS huy động tiết kiệm 12 tháng (trả lãi sau) từ 7,5 -8%/năm, LSCV của các NH này lại ngang ngửa, thậm chí thấp hơn? Nếu thế, hiệu quả kinh doanh của các chương trình TD ưu đãi này đến đâu khi LS “đầu ra” thấp hơn “đầu vào”? Giá thành của nguồn vốn huy động là bao nhiêu (sau khi trừ dự trữ bắt buộc & thanh toán theo quy định) để các NH thoải mái quảng cáo các mức LS hấp dẫn như vậy?
Lãi suất sẽ không được như kỳ vọng
Thật ra, không có NH nào đủ “can đảm” áp dụng LS ưu đãi này trong suốt một thời gian dài. Nếu tinh ý, đọc kỹ các hợp đồng tín dụng (HĐTD), khách hàng sẽ thấy ngay, LS thả nổi (floatding) bao giờ cũng được các NH áp dụng nghiêm túc để phòng chống rủi ro trong kinh doanh tiền tệ.
Cụ thể, một chi nhánh của MB trên đường 2-9 vừa triển khai chương trình TD ưu đãi số 3 (5.000 tỷ đồng) cho KH cá nhân. Với gói vay ngắn hạn (thời gian vay vốn dưới 1 năm), KH sẽ được hưởng lãi suất từ 8%/ năm trong 1/3 thời gian vay vốn, các tháng còn lại của khoản vay, LS được tính bằng LS huy động VND kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ tối thiểu 3,8%/ năm, hiện nay tương đương 11,3%/năm (7,3%/năm + 4%/năm).
Với gói vay trung hạn (thời gian vay vốn từ 1 năm đến dưới 2 năm), KH sẽ được ưu đãi LS từ 8%/ năm trong 1/3 thời gian vay vốn, các tháng còn lại, LS được tính bằng LS huy động VND kỳ hạn 24 tháng cộng biên độ tối thiểu 4%/ năm, tức là 11,5%/năm (7,5%/năm + 4%/năm). Đối với nhu cầu vay vốn dài hạn (thời gian vay vốn từ 2 năm trở lên, KH sẽ được ưu đãi LS từ 8%/ năm trong 6 hoặc 12 tháng đầu, các tháng còn lại LS được tính bằng LS huy động VND 24 tháng cộng biên độ tối thiểu 4,5%/ năm, tức là 12%/năm (7,5%/năm + 4,5%/năm).
Như vậy, hết thời gian ưu đãi, KH vẫn phải chịu một LS “ngất ngưởng” từ 11,3% - 12% (chưa kể LS tiết kiệm tăng đột ngột) chứ không còn mức LS thấp như ban đầu là 8%/năm. Đó là chưa nói đến phí trả trước từ 1-2% trên số tiền trả nợ trước hạn theo quy định.
Tương tự, khi quảng bá LS cố định 7,8%/năm trong thời gian 12 tháng, BIDV chưa hề nói đến mức LS thả nổi sau đó. Trao đổi với một cán bộ tại Phòng giao dịch BIDV trên đường Hùng Vương (Đà Nẵng), họ cho biết, điều khoản áp dụng LS thả nổi sau thời gian ưu đãi chưa thể ghi cụ thể vào HĐTD.
Hay nói một cách khác, KH vay vốn sẽ bị động, không lường trước những gì sẽ xảy ra đối với LS họ phải gánh chịu trong tương lai? Ngoài ra, NH này sẽ áp dụng mức phí trả trước 0,03% trên số tiền và thời gian trả trước hạn, đồng thời sẽ áp dụng ngay mức LS 12,5% nếu KH vi phạm quy định về lịch trả nợ đã cam kết trong HĐTD.
Khi giải thích về mức LS “siêu ưu đãi” cho DN, một cán bộ tác nghiệp tại Chi nhánh HDBank trên đường Núi Thành (Đà Nẵng) cho biết, LS cho vay 6,7%/năm chỉ áp dụng trong 3 tháng đầu (đối với ngắn hạn), mức 9,79%/năm trong 12 tháng đầu (đối với trung, dài hạn).
Những tháng tiếp theo LS thả nổi có thể lên đến 11,8% (LS huy động tiết kiệm 13 tháng hiện nay 7,8%/năm + 4%/năm). Tương tự như vậy, sau mức LS 7,99%/năm, LS thả nổi của một Chi nhánh VIB trên đường Hùng Vương (Đà Nẵng) bằng LS huy động tiết kiệm 13 tháng + 3,5%/năm, tương đương mức 11,75%/năm.
Mức LS hấp dẫn được các NH chào mời từ các gói ưu đãi, thật ra chỉ là “củ cà rốt” ở thì hiện tại. Trong tương lai, những “cái gậy” LS thả nổi sẽ khiến cho KH phải chịu mức LS cao “ngất ngưởng” trong suốt thời gian vay vốn còn lại, thậm chí kéo dài đến 20 năm sau. Để tránh những hối tiếc muộn màng, KH có nhu cầu vay vốn nên cẩn trọng với các mức LS quảng bá ban đầu.
Người đi vay nên đọc kỹ HĐTD, công thức tính toán, phí trả nợ trước hạn, đặc biệt là LS thực sau thời gian ưu đãi để hoạch định cho mình một phương án tài chính an toàn, đảm bảo khả năng trả nợ. Nói cho cùng, những “cám dỗ” ban đầu về LS vay vốn ưu đãi chỉ là một trong những sản phẩm tiếp thị thời hệ thống NH đang thừa vốn.
Theo Báo Công An Đà Nẵng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét