Lãnh đạo Viện CIEM cho rằng, kinh tế vĩ mô đang có tín hiệu cải thiện, đặc biệt lạm phát vẫn trong xu hướng duy trì tăng ở mức thấp so với cùng kỳ… Đây là điều kiện cơ bản để các NH hạ LSHĐ. Tuy nhiên, theo vị này, dư địa để các NH hạ lãi suất không quá nhiều chỉ khoảng 0,5%/năm.
Vì sao LSHĐ giảm?
Trước tình hình chỉ số CPI tháng 8/2014 tăng 0,22% so với tháng 7/2014, tăng 4,31% so với một năm trước (tháng 8/2013), còn so với tháng 12/2013 thì tăng 1,84% và vẫn tiếp tục xu hướng biến động thấp; mặt khác, huy động vốn tăng trưởng khá…, một số NHTMCP lớn đã chủ động hạ lãi suất huy động (LSHĐ).
Lãi suất đã được điều chỉnh theo quy luật cung – cầu của thị trường
Trên thực tế, gần một tuần nay, theo tìm hiểu của phóng viên không ít các nhân viên giao dịch NH đã chủ động gọi điện cho các khách hàng “giục” đổi sổ kéo dài kỳ hạn gửi tiết kiệm vì dự báo có thể xuất hiện làn sóng giảm LSHĐ trong thời gian tới. Việc các NH lớn đi tiên phong giảm lãi suất trong mấy ngày nay được giới đầu tư nhận định chủ động đón đầu xu hướng lãi suất mới, vì rất có thể trong vài ngày tới cơ quan quản lý sẽ giảm các mức lãi suất điều hành.
Liệu đây có phải lý do chính các NH hạ lãi suất? Lãnh đạo Viện CIEM cho rằng, kinh tế vĩ mô đang có tín hiệu cải thiện, đặc biệt lạm phát vẫn trong xu hướng duy trì tăng ở mức thấp so với cùng kỳ… Đây là điều kiện cơ bản để các NH hạ LSHĐ. Tuy nhiên, theo vị này, dư địa để các NH hạ lãi suất không quá nhiều chỉ khoảng 0,5%/năm. Một lý do nữa khiến cho các NH tự tin giảm LSHĐ mà không lo mất khách được vị chuyên gia NH khác nhận định là thị trường tiền tệ đã thiết lập trật tự khá tốt. Không còn hiện tượng chạy đua lãi suất bằng mọi giá để giành giật khách hàng.
Còn người trong cuộc lý giải, từ lâu nay, lãi suất đã được điều chỉnh theo quy luật cung – cầu của thị trường. Hơn ai hết, nếu nhìn vào con số tăng trưởng huy động và cho vay của các TCTD thời gian qua có thể thấy rõ độ vênh giữa cung và cầu vốn.
Theo số liệu của NHNN, trong 7 tháng đầu năm, các NH huy động vốn tăng 6,98% so với cuối năm 2013, trong đó huy động bằng VND tăng 7,92%, huy động bằng ngoại tệ tăng 1,31%. Trong khi đó, tính đến 31/7, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế chỉ tăng 3,68% so với cuối năm 2013. Như vậy, tỷ lệ sử dụng vốn cho vay trên huy động – LDR chỉ còn hơn 80%. Tiền huy động tạm dư thừa trong hệ thống NH đang khá nhiều, trong khi nợ xấu tăng nên nhiều NH buộc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, càng tăng áp lực về chi phí hoạt động.
Vì lẽ đó, hạ LSHĐ là một giải pháp giúp các NH phần nào giảm được chi phí hoạt động. Chỉ còn gần 1 tháng nữa hết quý III/2014, đầu ra chưa cải thiện nhiều, khoản đầu tư vào TPCP chỉ là dự trữ thanh khoản, mà mục tiêu của NH vẫn phải đảm bảo lợi nhuận còn dễ ăn dễ nói với các cổ đông.
“Do đó, khi có điều kiện cho phép là các NH tự động cắt giảm chứ không cần phải có sự can thiệp của cơ quan quản lý”, Tổng giám đốc một NHTMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói thêm. Điều đó cho thấy, sau một thời gian tương đối dài lãi suất được điều chỉnh theo mệnh lệnh hành chính thì nay đang được điều chỉnh theo quy luật của thị trường. Đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế.
Các nhân viên giao dịch tại một số NH cho phóng viên TBNH biết, mấy ngày nay khách hàng cũ đến đổi sổ mới với kỳ hạn gửi tiền dài hơn, nhất là khách hàng là cán bộ hưu trí thường gửi kỳ hạn một năm trở lên. Bác Vũ Văn Bình ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: “Nếu lãi suất thêm 0,5%/năm thì khoản tiền 500 triệu đồng đang gửi cũng giảm đi vài trăm nghìn. Nhưng, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay thì không thể đòi hỏi cao được. Nhất là đối với cán bộ hưu trí như chúng tôi gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn”.
Chị Ngọc Bích - làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam cho biết, nếu lãi suất có giảm thêm thì khoản tiền dành dụm tiết kiệm 100 triệu đồng của gia đình vẫn gửi tại NH. “Đúng là kênh đầu tư khác như chứng khoán đang có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa bền vững, vì tăng trưởng chỉ tập trung một, hai nhóm CP nên với những người không có kinh nghiệm và kiến thức thì không dễ để đánh giá đúng sức khỏe DN mình đầu tư”, chị Bích giải thích về quyết định gửi tiền của gia đình vào “kênh tiết kiệm” được cho là hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay.
Tìm điểm cân bằng lãi suất
Một số chuyên gia NH cho rằng, về lý thuyết khi NH giảm LSHĐ là điều kiện để họ giảm lãi suất cho vay. Nhưng thực tế, không phải NH nào cũng thực hiện như vậy. Chính vì thế, hiện có không ít ý kiến dò xét về khả năng các NH điều chỉnh lãi suất cho vay theo đà giảm của LSHĐ.
Về vấn đề này, Phó tổng giám đốc BIDV Quách Hùng Hiệp bày tỏ quan điểm: thực tế lãi suất các NH muôn hình vạn trạng, tùy theo từng NH cũng như cân đối tài sản nợ - có của họ. Đối với mỗi NH, dù là chính sách huy động hay cho vay, ngoài điều chỉnh hoạt động theo chủ trương, định hướng chính sách của NHNN, mức lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào bảng cân đối tài sản nợ - có chứ không phải căn cứ vào ý chí của lãnh đạo NH muốn giảm bao nhiêu % lãi suất và để dòng tiền chạy ra khỏi NH một cách dễ dàng. Bởi, NH nào cũng có hội đồng quản trị (hoặc Hội đồng thành viên) xem xét hiệu quả dòng tiền cho vay.
Vì vậy, quyết định tăng hay giảm đều được hội đồng này đánh giá một cách thận trọng trên cơ sở phân loại nghiên cứu từng hồ sơ tín dụng nên không có chuyện cứ giảm lãi suất là NH lo mất khách. Còn vấn đề NH giảm lãi suất cho vay thêm bao nhiêu %, nhiều hay ít thì phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của các khách hàng.
Theo nhận định của các chuyên gia NH, danh sách các NH giảm LSHĐ có thể kéo dài thêm trong những ngày tới. Và có thể việc các NH lớn giảm lãi suất sẽ khiến một lượng tiền chảy sang NH có quy mô nhỏ hơn. Nếu điều đó xảy ra cũng sẽ không nhiều vì những năm gần đây người gửi tiền không chỉ nhìn vào biểu lãi suất mà còn nhìn vào thương hiệu của NH để “chọn mặt” gửi tiền. Hơn nữa, với NH nhỏ nếu họ không cho vay ra được thì cũng sẽ chẳng dại mà ôm quá nhiều vốn với LSHĐ cao. Xét cho cùng NH nào cũng phải cân đối tài sản nợ - có; rủi ro - lợi nhuận để đưa ra mức lãi suất phù hợp nhằm đạt mục đích cuối cùng là phải đảm bảo giải quyết tốt bài toán hiệu quả sử dụng vốn để thu lợi nhuận cho NH.
Hiện LSHĐ tiền đồng của Vietcombank kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 4,8%/năm giảm 0,2%/năm so với cuối tuần trước. Tại BIDV mức LSHĐ bằng VND kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 4,5%/năm. Các NHTMCP cỡ vừa cũng rục rịch giảm LSHĐ như ACB cũng đã giảm mức LSHĐ tiền đồng xuống 5,3%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng; Sacombank áp dụng lãi suất cho khách hàng gửi từ 50 triệu đồng trở xuống tại kỳ hạn 1 tháng chỉ là 5%/năm. |
Huyền Thanh
Theo Thoibaonganhang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét