Theo tính toán của CTCK Tp.HCM (HSC), từ báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của nhiều ngân hàng cho thấy đa số là tỷ lệ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động (tỷ lệ NIM) tăng nhẹ khoảng 0,02 - 0,07%. Ví như, tỷ lệ NIM của BIDV ở mức 2,9%, tăng 0,04% so với cùng kỳ năm 2013; Vietcombank là 2,46%, giảm 0,18%; Eximbank là 2,24%, tăng 0,05% so với năm 2013; ACB là 3,17%, tăng 0,07% so với năm 2013; Vietinbank là 3,24%, giảm 0,46%;...
Tỷ lệ NIM vẫn tăng
Theo HSC, tỷ lệ NIM của BIDV tăng là nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh 15,9%, trong đó, tài sản sinh lãi tăng 7% từ đầu năm đến cuối tháng 6 nhờ ngân hàng tăng đầu tư vào cả TPCP và DN (tăng 27% từ đầu năm đến cuối tháng 6, chiếm 16% tổng tài sản sinh lãi, tăng so với mức tỷ trọng tương đương năm 2013 là 14%).
Còn với Eximbank, tỷ lệ NIM tăng nhờ cơ cấu tài sản sinh lãi được cải thiện với cho vay liên ngân hàng (có lãi suất cho vay thấp) giảm mạnh tới 61% so với đầu năm tính tại thời điểm cuối tháng 6.
Với ACB, HSC cho rằng một trong những nhân tố góp phần tăng tỷ lệ NIM đó là khi ngân hàng đẩy mạnh xử lý lãi dự thu quá hạn (lãi dự thu quá hạn khi được xử lý được coi là chi phí lãi và làm giảm tỷ lệ NIM).
"Theo đó, tỷ lệ NIM từ nợ hiện tại (nhóm 1) tăng đáng kể và bù đắp cho phần giảm đi do các nhân tố bất lợi gây ra (làm giảm tỷ lệ NIM) và dẫn đến tỷ lệ NIM tính toán trên đây được cải thiện. Chúng tôi ước tính việc xử lý lãi dự thu quá hạn khiến tỷ lệ NIM giảm 0,5% trong 6 tháng đầu năm 2014", ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành - Phụ trách Nghiên cứu, HSC bình luận.
Do vậy, HSC cho rằng triển vọng của ACB trong năm 2014 phụ thuộc vào tỷ lệ NIM. Tỷ lệ NIM của ACB phụ thuộc vào cơ cấu các khoản cho vay mới và tốc độ xử lý các khoản nợ quá hạn (nợ nhóm 2 - 5) và tốc độ thoái thu lãi dự thu quá hạn. Nếu ngân hàng đẩy nhanh việc giải quyết nợ xấu và thoái thu lãi dự thu quá hạn, tỷ lệ NIM sẽ giảm. Tuy nhiên, để bù đắp ACB đang có kế hoạch đẩy mạnh tín dụng bán lẻ và tín dụng tiêu dùng để thu được tỷ lệ NIM cao hơn.
Sacombank cũng là một ngân hàng có tỷ lệ NIM cao với khoảng 4,1% trong 6 tháng đầu năm. "Sacombank đã tận dụng tốt lợi thế bán lẻ để thúc đẩy cho vay đối với phân khúc khách hàng cá nhân. Đây cũng là phân khúc cho vay có mặt bằng lãi suất cao hơn trung bình. Theo đó, thu nhập lãi nhiều khả năng được cải thiện so với cùng kì và đóng góp lớn vào kết quả lợi nhuận", CTCK Vietcombank (VCBS) bình luận.
Theo một chuyên gia ngân hàng, mặc dù vẫn tung ra những gói tín dụng với lãi suất ưu đãi nhưng chỉ là ưu đãi thời gian đầu, còn sau đó là lãi suất thả nổi. Do vậy, việc giảm lãi suất này không tác động nhiều để tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng, tỷ lệ NIM vẫn ở mức 3 - 4%.
Nên giảm tiếp lãi suất cho vay?
Cùng với đó, mặc dù lãi suất giảm đối với cả tiền gửi và cho vay. Tuy nhiên, theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Tính đến tháng 7/2014, lãi suất tiền gửi VND bình quân là 5,53%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với tháng 12/2013; trong khi lãi suất cho vay bình quân là 10,08%/năm, giảm 0,25 điểm phần trăm so với tháng 12/2013.
Với thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên điều tiết để giảm lãi suất thêm nữa nhằm hỗ trợ DN tiết giảm chi phí. Tuy nhiên giảm lãi suất cho vay bằng cách nào cũng đang là bài toán khó với NHNN.
Về lý thuyết, để giảm lãi suất cho vay thì NHNN sẽ phải điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào, tức là trần lãi suất huy động. Hiện, trần lãi suất huy động là 5,5%, nếu giảm tiếp liệu các ngân hàng có thể huy động được vốn từ thị trường 1 hay không? Nói cách khác là dư địa giảm lãi suất không còn. Vấn đề này cũng được nhiều chuyên gia thừa nhận, rất khó để giảm thêm lãi suất huy động, song có thể giảm được lãi suất cho vay.
Theo NHNN, mặt bằng lãi suất đã giảm 0,5 - 1,5% kể từ đầu năm. Mặt bằng lãi suất này đã ngang bằng với giai đoạn trước khi kinh tế bước vào khó khăn, và hiện nay, chính các ngân hàng cũng đang gặp khó. Do vậy, việc can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính đối với lãi suất lúc này là không còn phù hợp. Thực tế, đã có những DN được vay với lãi suất 5 - 6%/năm.
Nhiều ngân hàng cũng khẳng định với xu hướng cạnh tranh tín dụng hiện nay thì việc giảm lãi suất là bình thường, những DN tốt có thể được vay với lãi suất 5%/năm, kể cả với kỳ trung và dài hạn.
Đúng là nhiều ngân hàng đang cho vay với lãi suất thấp, 5% cũng có, nhưng chỉ là hạn hữu, có thể đếm được. Vậy còn những DN đang phải vay với lãi suất cao kia thì sao? Có ngân hàng nào đếm được không? Vẫn biết lãi suất cho vay là do thị trường quyết định, đắt hay rẻ là do mức tín nhiệm của mỗi DN mà ra. Nhưng thiết nghĩ, với điều kiện kinh tế khó khăn, DN sống thì ngân hàng khỏe, tại sao các ngân hàng không ăn bớt lãi một chút để cùng vực dậy nền kinh tế?
Ông cha ta có câu "tham bát bỏ mâm" rất có lý, nợ xấu mà hệ thống ngân hàng đang phải gánh cũng chỉ vì tham ít lãi mà gây quá sức với DN, dẫn đến đổ vỡ và hệ lụy nợ xấu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét