Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2014. Mảng kinh doanh chứng khoán đầu tư ghi nhận mức trích lập dự phòng lớn.
Cụ thể, SHB đã phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư tới 91,7 tỷ đồng, mức đột biến so với các kỳ công bố trước đó.
Một số thông tin trên thị trường cho rằng, kết quả trên cho thấy mảng kinh doanh chứng khoán đầu tư của SHB là “thê thảm nhất”, gắn với mức lỗ gấp cả chục lần của cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, ở đây có một điểm kỹ thuật trong hạch toán, mà thực tế SHB không lỗ lớn trực tiếp ở mảng kinh doanh chứng khoán đầu tư như vậy.
Theo các quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng sau khi bán lại nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), họ nhận về trái phiếu đặc biệt do công ty này phát hành, hạch toán vào chứng khoán đầu tư cùng yêu cầu phải thực hiện trích lập dự phòng (20% mỗi năm trong thời gian 5 năm).
Với SHB, việc hạch toán và trích lập dự phòng nói trên đã ảnh hưởng trực tiếp, làm gia tăng chi phí dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư nói trên. Cụ thể, trong quý 2/2014, SHB thực hiện trích lập 83 tỷ đồng cho trái phiếu VAMC.
Quy định trên được áp dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng đã bán lại nợ xấu cho VAMC, theo đó cũng có ảnh hưởng tương tự (theo quy mô nợ xấu bán lại) đối với mảng kinh doanh nói trên.
Về kết quả kinh doanh nói chung, trong 6 tháng đầu năm 2014, SHB là một trong những ngân hàng thương mại có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong hệ thống với 19,6%; tăng trưởng huy động vốn cũng đạt tới hơn 20%.
Cho đến nửa đầu năm nay, những khó khăn từ việc sáp nhập Habubank dường như vẫn phản ánh trong chất lượng nợ của SHB, khi tỷ lệ nợ quá hạn ở mức khá cao, theo báo cáo tài chính hợp nhất ở mức 8,17%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cụ thể vẫn ở mức 4%.
Trong quý 2/2014, SHB đạt lợi nhuận trước thuế 228,7 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 505,4 tỷ đồng, đều tăng trưởng trên 25% so với cùng kỳ năm trước.
VnEconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét