Tập đoàn Samsung tìm DN sản xuất vỏ điện thoại cho hai nhà máy lắp ráp tại Việt Nam. Tuy nhiên, không một DN Việt Nam nào đáp ứng được.
Làm cái vỏ nhựa không xong
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội DN ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Hà Nội kể, mới đây, tập đoàn Samsung đã tìm các DN Việt Nam để sản xuất linh kiện điện thoại di động cho họ. Nhưng để sản xuất được vỏ điện thoại thì DN phải đầu tư công nghệ, phần mềm có chi phí khoảng 500 triệu USD. Trước đòi hỏi vốn rất lớn nên không DN Việt Nam nào đáp ứng nổi.
Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng Giám đốc Vinaxuki cho biết, để phát triển CNHT thì phải dựa vào các DNNVV. Tuy nhiên với quy mô bình quân DN nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay khoảng 10 tỷ đồng, số lao động từ 10-15 người thì không thể làm được CNHT.
Ông Huyên cho biết, trong ngành ô tô để sản xuất bộ phanh, DN cũng phải đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Đây là số vốn quá lớn đối, rất ít DN có thể đáp ứng được. Cũng không thể nói tận dụng máy móc thiết bị cũ để sản xuất linh kiện ô tô được. Muốn sản xuất linh kiện ô tô cung cấp cho các DN lắp ráp hoặc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì phải có máy móc hiện đại, công nghệ cao ngay từ đầu.
Đây là điển hình cho thực tế, DN Việt Nam nhỏ bé, thiếu vốn, thiếu công nghệ... Trong khi để phát triển Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cần rất nhiều vốn, lãi suất thấp, thời gian vay dài.
|
Tập đoàn Samsung tìm DN sản xuất vỏ điện thoại cho hai nhà máy lắp ráp tại Việt Nam nhưng không một DN Việt Nam nào đáp ứng được
Trao đổi tại Hội thảo "Giải pháp tài chính và hạ tầng phát triển ngành CNHT" ngày 28/8/2014, ông Nguyễn Hoàng cho biết, nhu cầu vốn DN làm CNHT rất lớn, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp chỉ 3%/năm và thời gian vay kéo dài từ 8-12 năm.
Tuy nhiên, với đòi hỏi này, các NH thương mại không thể đáp ứng được. DN chỉ có thể trông chờ vốn từ Chính phủ. Nếu không có vốn thì không thể đầu tư cho dây chuyền thiết bị sản xuất hiện đại, không nhận được chuyển giao công nghệ, không đào tạo được nguồn nhân lực, chắc chắn CNHT sẽ không thể phát triển.
Số liệu điều tra từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho thấy, DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm 96% tổng số DN cả nước. Việt Nam đang thiếu một khu vực DN cỡ vừa đủ năng lực tiếp cận với công nghệ mới, trở thành đối tác của các tập đoàn xuyên quốc gia. Không những thế xu hướng nhỏ đi của DN đang tăng lên. Các DN cỡ vừa và lớn ngày càng thu nhỏ lại thì khoảng trống nói trên ngày càng lớn sẽ gây khó khăn phát triển CNHT.
Ông Huyên cho biết, ở một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... Chính phủ cho vay vốn với các dự án CNHT từ 0-3% và tùy từng lĩnh vực ưu tiên. Sản xuất ô tô được vay lên tới 100 triệu USD với thời gian 20 năm.
"Ngân sách của ta hiện nay đang khó khăn, nếu làm như vậy thì lấy tiền đâu ra?', ông Huyên nói.
DN nản lòng
Bà Đào Dung Anh, Phó tổng giám đốc VDB cho biết, tuy vốn điều lệ của VDB chỉ có 10.000 tỷ đồng, nhưng có thể huy động nguồn vốn lớn từ xã hội thông qua phát hành trái phiếu.
|
Theo các DN, muốn phát triển công nghiệp lớn mạnh thì nền tảng CNHT phải vững chắc
Trước đây có một số chương trình của Chính phủ cho vay ưu đãi như Chương trình cơ khí trọng điểm cho vay 70% vốn các dự án với lãi suất chỉ 3%/năm tối đa 12 năm...có thể đáp ứng được yêu cầu của DN. Tuy nhiên, để CNHT được vay vốn ưu đãi như vậy, cần có các chính sách cụ thể từ Chính phủ.
Bên cạnh đó, ông Huyên, thủ tục cho vay vốn ưu đãi hiện rất rườm rà, phức tạp.
Ông lấy ví dụ Dự án đầu tư sản xuất ô tô của Vinaxuki thuộc Chương trình cơ khí trọng điểm, được Chính phủ đồng ý cho vay vốn 250 tỷ đồng với lãi suất 3% nhưng từ 2009 đến nay chưa vay được đồng nào. Theo đó, VDB đã đồng ý cho vay nhưng đến nay vẫn vướng bởi Hội đồng xét duyệt có tới 26 vị, thuộc 7-8 bộ ngành khác nhau mà chưa lần nào triệu tập đủ.
Ông Huyên cho biết, Chương trình cơ khí trọng điểm có từ hơn 8 năm qua nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 6 DN vay được vốn vậy phát triển thế nào. Thủ tục rườm rà, nhiêu khê như vậy thì DN đầu tư cho CNHT sẽ nản lòng.
Theo các DN, muốn phát triển công nghiệp lớn mạnh thì nền tảng CNHT phải vững chắc. Thiếu CNHT, nền công nghiệp Việt Nam hoàn toàn không được nuôi dưỡng. CNHT của Thái Lan được như hôm nay là do chính sách hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan rất tốt.
Các DN cảnh báo, công nghiệp hỗ trợ yếu kém sẽ là thách thức lớn với Việt Nam. Đến 2015 Hiệp định AFTA có hiệu lực và đến 2018 các sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan, khi đó DN sẽ tự do hơn về biên giới, về giao dịch kinh tế, họ sẽ cân nhắc xem tìm nơi đầu tư có môi trường thuận lợi để đầu tư và tất nhiên những nơi có công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh như Thái Lan, Indonesia... sẽ được ưu tiên, còn Việt Nam sẽ bị bỏ rơi.
Cũng tương tự như vậy, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn khi gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) khi CNHT yếu kém.
Trần Thủy - Theo VEF
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét