Mục tiêu của quy hoạch là phấn đấu trở thành vùng kinh tế trọng điểm tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có môi trường đầu tư thuận lợi, chất lượng đô thị - nông thôn cao, là vùng phát triển tổng hợp, toàn diện và năng động…
Vềdự kiến đến năm 2030, vùng đô thị Quảng Ninh sẽ có tới 16 đô thị lớn và 76 điểm dân cư nông thôn. Trong đó, có 5 thành phố trực thuộc tỉnh gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái và Quảng Yên.
Xây dựng mạng lưới đô thị biên giới tại khu vực các cửa khẩu để thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Xây dựng các đô thị ngoài hải đảo để phát triển du lịch nghỉ dưỡng tại Cô Tô, Vân Đồn. Phát triển các đô thị thông minh gắn với khu công nghệ cao thân thiện với môi trường tại Uông Bí, Quảng Yên (khu đô thị công nghiệp AMATA).
Đặc biệt, sau năm 2050, Quảng Ninh sẽ xây dựng các đô thị quy mô lớn, các khu phức hợp trên mặt nước tạo nên các chuỗi đô thị hiện đại và độc đáo tại các khu vực ngoài vùng bảo vệ di sản, không ảnh hưởng tới cảnh quan và môi trường khu vực.
Dự kiến đến năm 2030, chỉ tiêu nhà ở của Quảng Ninh sẽ ở mức khá cao với 35m2/người đối với khu vực đô thị và 29m2/người ở khu vực nông thôn.
Về tổ chức không gian vùng theo hướng, phát triển vùng đô thị trung tâm Hạ Long (Hạ Long, Cẩm Phả, Hoành Bồ) gắn kết với 4 tiểu vùng đô thị vệ tinh (khu kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc, Vân Đồn và Cô Tô, tiểu vùng phía Tây và tiểu vùng phía Bắc).
Trong đó, đáng chú ý là tiểu vùng KKT Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô, sẽ phát triển thành khu hành chính kinh tế đặc biệt, trung tâm du lịch biển đảo, giải trí cao cấp vùng Bắc Bộ; cửa ngõ giao thương quan trọng của vùng Đông Bắc Việt nam...
Đồng thời, Quảng Ninh cũng sẽ tập trung phát triển 2 vành đai xuyên suốt là vành đai phát triển công nghiệp đô thị và vành đai cảnh quan, du lịch biển. Bên cạnh đó là việc phát triển 2 phân khu rừng và phân khu biển đảo.
Dự kiến đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ có 14 khu công nghiệp (KCN) và 21 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích khoảng 14,7 nghìn ha. Trong đó, ưu tiên phát triển 9.200ha và dự trữ phát triển 5.500ha.
Về thương mại, dịch vụ, sẽ xây dựng 1 trung tâm dịch vụ thương mại cấp quốc gia và hướng tới cấp quốc tế tại KKT cửa khẩu Móng Cái với tổng diện tích khoảng 500ha.
Bên cạnh đó, sẽ xây dựng các khu tương tự cấp tỉnh tại 5 khu vực Hạ Long, Vân Đồn, Hải Hà, Bình Liêu và Quảng Yên...
Về du lịch, Quảng Ninh sẽ xây dựng, phát triển các Khu du lịch - dịch vụ quy mô lớn trong đô thị như: Móng cái, khu phức hợp có casino tại Vân Đồn...
Phát triển các Công viên chủ đề, xây dựng các tuyến du lịch sinh thái, biển đảo gắn liền với du lịch tâm linh. Tăng cường số lượng khách sạn 3 - 5 sao, các công trình lưu trú quy mô lớn, tiện ích quốc tế...
Quảng Ninh là một cực tăng trưởng quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, khu vực động lực trong vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, đầu mối quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế thuộc khu vực hợp tác kinh tế Việt - Trung.
Đặc biệt, trong xu thế hội nhập quốc tế, ở điểm đầu khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung, trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc... Những lợi thế đó tạo cho Quảng Ninh là cầu nối giữa Việt Nam với các nước ASEAN và khu vực Đông Bắc Á.
Theo đó, Quảng Ninh đặt ra các chỉ tiêu kinh tế cụ thể trong giai đoạn đến năm 2020, bao gồm: Tăng trưởng GDP 12-13%/năm; giai đoạn 2020-2030 đạt khoảng 6-7%/năm.
Cơ cấu GDP sẽ chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp; trong đó, dịch vụ chiếm từ 51-52%, công nghiệp và xây dựng chiếm 45-46% và nông nghiệp sẽ chỉ từ 3-4%.
GDP bình quân đầu người sẽ đạt 8.000-8.500 USD vào năm 2020 và đạt 20.000 USD vào 2030. Quy mô dân số khoảng 1,67 triệu người vào năm 2020 và 1,99 triệu người vào năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 77%.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét