Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

'Bốc quẻ' dòng chảy tài chính 2014

'Bốc quẻ' dòng chảy tài chính 2014


Ngân hàng trước sức ép phải bung vốn cho vay để lấy lãi, mua trái phiếu Chính phủ cũng không phải giải pháp tối ưu trong khi doanh nghiệp thì nửa muốn vay, nửa không dám vay là những “quẻ bói” của dòng chảy tài chính – tín dụng năm 2014.


Hầu hết các nhà quản lý kinh tế cũng như giới chuyên gia đều có chung nhận định, nền kinh tế năm 2013 thật sự có chuyển biến tích cực nhưng chưa vững chắc, thời gian tới vẫn tiếp tục gánh chịu những hệ lụy mà những năm trước chưa giải quyết được.


Đó là, doanh nghiệp lớn thì lối ra, cách làm, sức khỏe giảm dần; còn doanh nghiệp nhỏ thì tài chính cạn kiệt.


Đó là, vấn đề kế hoạch trung dài hạn, thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn lực trong năm 2013 giải quyết chưa được bao nhiêu. Sang năm 2014, 2015 phải tiếp tục giải quyết tích cực và quyết liệt hơn.


“Quẻ xấu” trong tiếp cận vốn


Tuy nhiên, giai đoạn lấp khoảng trống thể chế này phải chấp nhận tổn thất về mặt con người, về mặt kinh tế và về cơ sở vật chất kỹ thuật, thu chưa được mà chi phải bỏ ra nhưng phải làm, nếu không làm không tiến lên được.


Chất xúc tác giúp nền kinh tế “chạy” êm là dòng chảy tài chính – tín dụng. Tuy nhiên, ngân hàng thanh khoản đang rất tốt, huy động gấp đôi cho vay, rất thừa vốn nhưng không “bung” vốn ra được.


“Cục” tiền nằm trong hệ thống ngân hàng ứ đọng. Để giải quyết tồn đọng này ngân hàng chỉ còn giải pháp mua trái phiếu.


Như vậy, nền kinh tế lúc này chỉ có Chính phủ chi tiêu, trong khi tất cả doanh nghiệp đều thiếu vốn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khả năng tiếp cận vốn của khối doanh nghiệp này vô cùng khó khăn bởi những “anh” không đủ tiêu chuẩn vay rất nhiều.


Ông Cao Sĩ Kiêm, đại biểu Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện được vay có phần do chủ quan mỗi doanh nghiệp gây ra nhưng cũng có nguyên nhân ở chính sách điều hành kinh tế, vĩ mô gây ra.


“Gây cho người ta cái thiệt hại mà lại không cho người ta vay vốn chẳng khác nào bức tử người ta. Đây là thực trạng mâu thuẫn”, ông Cao Sĩ Kiêm nói.


Theo các chuyên gia, vấn đề trước hết nằm ở yếu tố vĩ mô, xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm hơn 140% nền kinh tế nên phụ thuộc hoàn toàn vào “sức khỏe” của kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới chấn động thì chúng ta chấn động mạnh hơn vì sức khỏe yếu hơn, như người yếu mà ra gió.


Tổng cầu và sức mua của kinh tế thế giới cũng như trong nước đang giảm mạnh ảnh hưởng đến cả sản xuất, tiêu dùng đời sống. Bên cạnh đó, giá cả vật tư thế giới tăng rất cao, khiến cho giá cả đầu vào của chúng ta tăng đột biến.


Điều này tác động tiêu cực đến sức sản xuất của doanh nghiệp, thị trường co lại, hàng hóa làm ra không bán được, tồn kho tăng rất nhanh.


“Chưa nói đến chuyện tồn kho của chúng ta chiếm tới 1/3 doanh số là tồn kho nông sản do chính chúng ta gây ra bởi yếu tố đầu cơ, kinh tế ‘ảo’”, ông Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh.


Bên cạnh đó, điều hành yếu kém, hiệu quả kinh tế thấp, tính dàn trải, lãng phí nhiều, hệ số ICOR giãn ra rất nhanh, nhất là ở một số Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; cộng thêm tính dự báo cũng như điều hành không thống nhất, nửa vời, không triệt để gây ra tác dụng trái chiều đến sản xuất, kinh doanh.


“Khắc chế” thế nào?


Đứng về phía doanh nghiệp, biểu hiện tích tụ về điều hành quản lý, về năng lượng nội sinh đến năm 2013 đọng lại làm cho số doanh nghiệp phá sản càng nhiều và nhanh. Bên cạnh số doanh nghiệp đã “chết”, hiện còn gần 1/3 ngưng sản xuất, nằm im và chờ phá sản; số còn lại lắc lư, kể cả doanh nghiệp tầm trung và lớn.


Hệ thống doanh nghiệp Việt Nam bây giờ hiệu quả sử dụng đồng vốn và khả năng rủi ro rất cao. Nợ quá hạn theo như Ngân hàng Nhà nước thông báo tính chung khoảng 8 – 10%, còn các ngân hàng thương mại báo cáo 4 – 5%.


“Đấy là tính theo tiêu chí của chúng ta. Nếu tính theo thông lệ quốc tế sẽ được áp vào tháng 6/2014 thì còn cao hơn nữa, sẽ “lòi” ra hết và không biết số nợ đọng là bao nhiêu”, ông Cao Sĩ Kiêm cảnh báo.


Chính vì vậy, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong thời gian tới được dự báo là không hề dễ dàng mặc dù rất cần, rất muốn vay. Nhưng nếu làm không hiệu quả, càng vay càng tồn kho, nợ chồng nợ, doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh nửa muốn vay, nửa không dám vay.


Trong khi đó, khả năng phục hồi của nền kinh tế chưa có đột phá gì nhiều, vẫn còn trong trạng thái trì trệ.


Thêm nữa, sự bình đẳng trong kinh doanh, cạnh tranh của các thành phần kinh tế vẫn còn khoảng cách, kể cả sử dụng vốn ODA, sử dụng vốn ưu đãi, kể cả ưu tiên về mặt bằng sản xuất. Đấy là những cái “vít” sẽ còn kẹp chặt doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.


Còn đứng về phía ngân hàng, sở dĩ có vốn mà không cho vay được là do nợ quá hạn, nợ xấu tăng nhanh, lợi nhuận suy giảm. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng trách nhiệm đặt ra ngày càng nặng nề, không phải “thích” ai thì cho người ấy vay như trước đây.


Với cách tính nợ quá hạn theo thông lệ quốc tế như đã đề cập ở trên thì nợ xấu sẽ tiếp tục “đeo bám” ngân hàng. Xử lý được cái này không phải là dễ mặc dù đã có lộ trình xử lý như tự các ngân hàng cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, lập công ty mua bán nợ. Đến thời điểm này đã xử lý được 100.000 tỷ đồng trên tổng số 300.000 tỷ nợ xấu.


“Tuy nhiên, sự thật chúng ta chỉ mới chuyển sổ sách nợ xấu từ ngân hàng thương mại sang công ty mua bán nợ, chứ cái gốc là làm thế nào để bán được số nợ này để trả lại ngân hàng thương mại thì còn ‘tắc’ kể cả thủ tục, kể cả pháp lý”, ông Cao Sĩ Kiêm cho hay.


Bên cạnh đó, “tắc” về tiêu chuẩn vay cũng là yếu tố cản trở khả năng tiếp cận vốn bởi phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả doanh nghiệp lớn đều vi phạm tiêu chuẩn vay, do nợ quá hạn, do kinh doanh lỗ, mà điều này thì gần như doanh nghiệp nào cũng vướng.


Theo các chuyên gia, phải biết được “địa chỉ” tắc để từ đó tìm giải pháp khắc phục. Vậy, giải pháp để khơi thông ách tắc này như thế nào?


Ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng, năm 2014, thứ nhất kiên quyết giải quyết tập trung sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa một cách mạnh mẽ.


Điều này giúp làm lành mạnh về tài chính, về hoạt động của các doanh nghiệp – là đối tượng vay của các ngân hàng. Nếu khơi thông được cái này thì cửa tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ được mở ra.


Thứ hai là phải giải quyết được nợ công vì nợ công vừa không đảm bảo an toàn cho nền kinh tế, vừa làm cho khả năng cân đối nguồn vốn thêm chông chênh.


Năm 2014, cơ cấu nền kinh tế phải gắn với giải quyết ngân sách, kể cả điều chỉnh lại mức thu. Phải có địa chỉ rõ hơn về nguồn thu, giảm nhanh các chi phí của Nhà nước, đặc biệt là chi phí trong nợ công.


“Việc sắp xếp lại nợ công trong năm 2014 cũng là mũi nhọn ngang với sắp xếp lại doanh nghiệp”, ông Cao Sĩ Kiêm bình luận.


Thứ ba, tất cả các giải pháp điều hành trong năm 2014 phải tiến một bước nữa theo nguyên tắc thị trường, kể cả điều hành giá, điều hành lãi suất, điều hành tỷ giá. Nguyên tắc thị trường là cái gốc để kiềm lạm phát, mà lạm phát giảm thì lãi suất mới giảm – điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.


Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến ngày 17/12/2013, tín dụng của toàn hệ thống đối với nền kinh tế đã đạt 3.375.783 tỷ đồng (tăng 9,22% so với năm 2012).


Đối với tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính đến cuối tháng 11/2013, dư nợ cho vay ước đạt 855.929 tỷ đồng (tăng 0,75% so với đầu năm).


Theo ông Minh, mặc dù các tổ chức tín dụng sẵn sàng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn nhưng do hàng hóa tồn kho ứ đọng, một số doanh nghiệp sử dụng vốn vay sai mục đích, chưa hoặc không đáp ứng các điều kiện vay nên khả năng tiếp cận vốn của đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn.


Bên cạnh đó, bản thân các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn về cân đối nguồn vốn. Nguồn vốn huy động của các tổ chức này chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn trong khi nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp lại rất lớn.




Theo Lê Nguyễn

Báo Tổ Quốc




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á