Trong bối cảnh HAGL đang thu hẹp nhiều lĩnh vực kinh doanh trong nước, thì cơ cấu tài sản của tập đoàn này đang dịch chuyển dần sang nước ngoài.
Mới đây, đích thân Chủ tịch Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) dẫn đầu chuyến tham quan thực tế các dự án của HAGL tại Lào với hơn 100 thành viên đại diện cho các tổ chức quỹ đầu tư, các cổ đông chiến lược, một số cơ quan báo chí...
Theo tường thuật của HAGL, đoàn đã được tận mắt chứng kiến “cánh rừng cao ru bạt ngàn, những nông trường mía đường và cọ dầu xanh ngát kéo dài hàng chục cây số...” tại Attapeu, Lào.
Đây là hoạt động mà HAGL đã tổ chức nhiều lần cho các nhà đầu tư, cơ quan báo chí tham quan các dự án ở nước ngoài, không chỉ ở Lào, mà Campuchia, Myanmar.
Trong bối cảnh HAGL đang thu hẹp nhiều lĩnh vực kinh doanh trong nước, thì cơ cấu tài sản của tập đoàn này đang dịch chuyển dần ở nước ngoài.
“Chia tay” dần lĩnh vực chủ lực trong nước
HAGL đang đi đến những bước cuối cùng để bán cổ phần Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản An Phú, cũng là bước đi trong hoạt động tái cấu trúc mà tập đoàn đề ra trước đó: thu hẹp bất động sản trong nước và dồn lực cho dự án bất động sản hàng trăm triệu USD tại Myanmar.
Khi bán cổ phần Bất động sản An Phú thành công, HAGL sẽ giảm được 1.761 tỷ đồng nợ vay trong cơ cấu tổng tài sản hơn 32.202 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9 năm nay.
Quyết định tái cấu trúc tập đoàn công bố hồi cuối tháng 8 năm nay có thể được xem là một trong những quyết định quan trọng bậc nhất năm 2013 của HAGL bởi cho đến năm 2012, bất động sản là lĩnh vực chủ lực của tập đoàn này.
Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, báo giới... để công bố quyết định tái cấu trúc cuối tháng 8 năm nay, ông Đức cho rằng, tái cấu trúc lần này như “rứt những đứa con thân thiết của mình ra đi”.
Trước khi công bố quyết định trên, HAGL đã bán 6 dự án thủy điện tại Việt Nam thu về gần 2.100 tỷ đồng. Tập đoàn này cũng đã hoàn tất việc bán một vài dự án bất động sản trong nước.
Việc tái cơ cấu mảng bất động sản được coi là một quyết định khiến nhiều đại gia địa ốc trong nước giật mình, bởi bầu Đức luôn là một nhân vật ít nhiều có sức ảnh hưởng tới thị trường bất động sản TP.HCM.
Thậm chí, quyết định tái cơ cấu mảng bất động sản của HAGL được coi là khá sốc khi vào giữa tháng 4 năm nay, trong thông điệp báo cáo thường niên, ông Đoàn Nguyên Đức vẫn nhìn nhận: “Tập đoàn sẽ giãn tiến độ đầu tư vào các dự án tại Việt Nam để chờ thị trường hồi phục và chờ dòng tiền từ ngành trồng cây công nghiệp và thủy điện”.
“Lợi thế cạnh tranh của HAGL vẫn là quỹ đất lớn với chi phí thấp, có các công ty xây dựng, có nguồn nguyên liệu xây dựng là gỗ, đá với giá thành thấp. Quy trình xây dựng và kinh doanh khép kín làm cho giá thành của HAGL thấp hơn nhiều so với mặt bằng của ngành. Yếu tố này đã giúp cho sản phẩm của HAGL cạnh tranh tốt tại Việt Nam và điều đó sẽ tiếp tục tại Myanmar”, thông điệp của ông Đức tới cổ đông, nhà đầu tư trong báo cáo thường niên công bố ngày 16/4/2013 có đoạn.
Nói về động thái HAGL dần rút khỏi bất động sản trong nước, trao đổi với báo giới, chuyên gia kinh tế Alan Phan, cho rằng, “quyết định của cá nhân ông Đức và Hoàng Anh Gia Lai cũng chỉ là một phần trong tổng thể. Tất nhiên, vì ông ấy làm về bất động sản thì có thể sẽ hiểu biết hơn nhiều người khác. Nhưng, chúng ta đều phải xem kỹ mục đích đằng sau những phát ngôn, tuyên bố đó. Và quan trọng hơn là phải nhìn vào những việc người ta làm”.
Dịch chuyển tài sản
Trong một quyết định công bố cách đây ít ngày, HAGL cho biết đã trồng xong 48.400 ha cao su và cọ dầu (trong đó có 4.000 ha cọ dầu). Nhà máy chế biến mủ tại Lào của tập đoàn vận hành tốt. Tập đoàn cũng đã trồng 10.000 ha cây mía, cùng với nhà máy đường tại Attapeu, Lào.
Với ngành thủ điện, HAGL hiện chỉ còn giữ lại các dự án tại Lào. Riêng dự án Nậm Kông 2 tại Lào đang xây dựng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014.
Với ngành bất động sản tại nước ngoài, HAGL cho biết, dự án bất động sản văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao quy mô 440 triệu USD tại Myanmar đang xây tầng hầm.
Có thể thấy, các định hướng kinh doanh chính của HAGL công bố trong quyết định trên phần lớn là hoạt động tại nước ngoài.
Theo báo cáo tài chính quý 3 năm nay, HAGL nắm nhiều công ty con ở Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia, như: Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai Bangkok, Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai Myanmar, Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu, Công ty TNHH Điện Nậm Công 3 - Attapeu, Lào, Công ty Phát triển nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu, Công ty TNHH Hoàng Anh Đông Meas - Rattanakiri, Campuchia... (xem chi tiết bảng dưới)
Với những dự án ở nước ngoài, tính đến 30/9/2013, HAGL đã đọng một lượng vốn đầu tư lớn, trong đó riêng chi phí xây dựng cơ bản dở dang trồng cây cao su lên tới 5.751 tỷ đồng (phần lớn ở Lào), dự án trung tâm phức hợp Myanmar có chi phí dở dang hơn 1.223 tỷ đồng....
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của HAGL đến 30/9/2013 phần lớn đọng ở nước ngoài. (nguồn: báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2013 của HAGL).
Tính đến 30/9/2013, theo báo cáo tài chính hợp nhất, tổng tài sản của HAGL đạt hơn 32.202 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là hơn 18.456 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 12.909 tỷ đồng và lợi ích của cổ đông thiểu số là hơn 836 tỷ đồng.
Trong cơ cấu vay nợ, tính đến 30/9/2013, nợ ngắn hạn của HAGL là hơn 7.245 tỷ đồng. Trong khoản mục vay và nợ ngắn hạn 3.426,6 tỷ đồng, HAGL vay ngân hàng hơn 1.517 tỷ đồng, nợ trái chủ qua trái phiếu chuyển đổi cho Northbrooks Investment (Mauritius) Pte Ltd trị giá 1.100 tỷ đồng và vay các tổ chức cá nhân khác gần 38 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ dài hạn của HAGL là hơn 11.211 tỷ đồng. Trong khoản mục này, vay và nợ dài hạn của HAGL đến 30/9/2013 là hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng hơn 4.167 tỷ đồng, nợ trái chủ qua trái phiếu thường trong nước hơn 4.496 tỷ đồng, nợ trái chủ trái phiếu kèm chứng quyền ngành cao su là 2.000 tỷ đồng, nợ trái chủ qua trái phiếu hoán đổi cho Northbrooks Investment (Mauritius) Pte Ltd trị giá 1.130 tỷ đồng...
Như vậy, trong bối cảnh HAGL đa phần vay nợ các tổ chức ở trong nước, thì cơ cấu tài sản, vốn đầu tư đang dần dịch chuyển sang nước ngoài. Hiện bầu Đức, doanh nhân đầu tiên mua máy bay riêng, đang nắm hơn 43% cổ phần HAGL, với giá trị thị trường tính đến ngày 31/12/2013 đạt gần 6.400 tỷ đồng.
Danh sách công ty con của Hoàng Anh Gia Lai ở nước ngoài.
Theo Xuân Dung
Bizlive
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét