Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Hà Nội 'ngắc ngoải' với những trung tâm thương mại nửa vời

Hà Nội 'ngắc ngoải' với những trung tâm thương mại nửa vời


Vốn là những khu chợ đông đúc sầm uất nhưng từ khi lột xác thành TTTM khang trang, đẹp đẽ thì hàng hóa lại trở nên ế ẩm, vắng khách.


Cách đây một vài năm, TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng, cải tạo một số khu chợ xập xệ trong nội thành, thành những trung tâm thương mại (TTTM) mới, hiện đại; trong đó dành phần diện tích đáng kể cho chợ dân sinh hoạt động, phục vụ nhu cầu mua sắm mặt hàng thiết yếu của người dân, đồng thời tạo điều kiện cho các tiểu thương tiếp tục kinh doanh hiệu quả hơn.


Nhưng sau một thời gian hoạt động, mô hình kinh doanh này không đạt hiệu quả như mong muốn. Tình trạng vắng khách kéo dài khiến hàng loạt tiểu thương trong chợ phải nghỉ kinh doanh, hoặc tìm cách chuyển nhượng chỗ bán hàng.


Trung tâm thương mại Hàng Da


TTTM Hàng Da (chợ Hàng Da) là mô hình kết hợp chợ truyền thống với TTTM hiện đại, đạt tiêu chuẩn chợ loại 1, tổng mức đầu tư là 250 tỷ đồng, được đưa vào hoạt động từ tháng 10-2010, với 544 tiểu thương đăng ký kinh doanh.


Diện tích cho chợ dân sinh được ưu ái hơn bởi được dành hẳn hai tầng: tầng hầm là khu thực phẩm, đồ gia dụng; tầng một bán quần áo, rượu. Từ tầng hai trở lên là TTTM với sự quy tụ của các nhãn hiệu thời trang cao cấp. Tuy nhiên, từng ấy sự ưu ái cũng không thể lôi kéo được tiểu thương và người dân tới đây bởi sự bất tiện.


Tại khu vực chợ dân sinh được bố trí tại tầng hầm và tầng một của tòa nhà, chị Nguyễn Thị Lan cho biết, đã bán hàng rau - củ - quả ở chợ Hàng Da từ hơn chục năm trước. Từ ngày có chợ mới, đường đi lối lại phong quang sạch đẹp, không lo mưa nắng, rau quả được bảo quản trong môi trường có máy điều hòa nhiệt độ, tiền thuê ki ốt cũng hợp lý, bà con tiểu thương đều chấp nhận được. Tuy nhiên, do lối lên xuống tầng hầm không thuận tiện, cả tòa nhà chỉ có hai cửa chính ra vào nên lượng khách hàng sụt giảm đáng kể.


Theo ông Vũ Danh Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Hàng Da, sau khi xây dựng, công ty đã bố trí ki ốt bán hàng cho tất cả 544 tiểu thương kinh doanh ở chợ cũ. Hiện có hơn 400 hộ đang kinh doanh tại đây, số còn lại đóng cửa ki ốt hoặc bán hàng ngoài mặt phố, sử dụng gian hàng trong chợ làm kho chứa đồ.


Do việc kinh doanh ế ẩm, chủ đầu tư đã quyết định đổi tên TTTM Hàng Da thành Hà Nội square và miễn phí thuê mặt bằng trong 5 tháng, từ đầu năm 2014 tới, với hi vọng sẽ tạo ra diện mạo mới cho TTTM này.


Chợ Cửa Nam


Chợ Cửa Nam được xây dựng trên diện tích 900m2, với tổng vốn đầu tư lên tới 280 tỷ đồng, quy mô gồm 13 tầng nổi, bốn tầng hầm với diện tích sử dụng hơn 10 nghìn m2, khánh thành tháng 7-2010.



Chợ Cửa Nam


Tuy nhiên chợ Cửa Nam hiện nay không diễn ra hoạt động mua bán náo nhiệt như những chợ khác, không có sự mặc cả qua lại giữa người bán và người mua. Nơi đây chỉ có bên bán niêm yết giá và bên mua chọn từng túi rau hay túi thịt được cân sẵn bỏ vào giỏ rồi mang ra quầy thu ngân thanh toán. Tưởng rằng vào ngày thường nên vắng khách, nhưng ngay cả vào thứ 7, chủ nhật Chợ Cửa Nam cũng vắng khách như “chùa bà Đanh”.


Nguyên nhân do mang tiếng là chợ nhưng chỗ mua, bán hàng hóa lại không thuận tiện khi khách đến chợ phải mang xe xuống gửi ở tầng hầm rồi lại đi bộ ngược lên chỉ để mua mớ rau nên theo nhiều người “thà mua ngay ven đường rồi về nhà còn tiện hơn”.


TTTM Ô Chợ Dừa


Tuy không lớn về diện tích, TTTM được xây dựng trên nền chợ Ô Chợ Dừa cũ có vị trí rất đẹp, tọa lạc ngay tại ngã năm Ô Chợ Dừa, trung tâm quận Đống Đa, Hà Nội. Thế nhưng đã qua vài năm đưa vào sử dụng, người dân thật khó tìm lại được không khí buôn bán tấp nập, nhộn nhịp của khu chợ dân sinh cũ.


Đứng ngay ngoài cũng đủ thấy một không khí ảm đạm với nhiều ki-ốt đóng cửa hoặc treo biển cho thuê lại. Phần chợ cũ được bố trí ở tầng hầm vừa vắng vừa khó tìm. Một số hộ kinh doanh rau, thịt… chiếm vỉa hè ngay trước TTTM kinh doanh, hình thành chợ cóc nho nhỏ.


Hầu hết các tiểu thương lẫn khách hàng vào khu TTTM này đều khẳng định “đây không phải là mô hình chợ, trung tâm thương mại hoàn chỉnh cũng không phải. Đã là chợ phải có các sạp hàng, có rau, có thịt, cá… những hàng hóa thiết yếu”.


Chính vì vậy, dù được xây dựng tới 7 tầng nhưng chỉ có tầng 1 và 2 của tòa nhà được thuê bán hàng và làm dịch vụ hay văn phòng. Tất cả các tầng còn lại đều trống trơn. Ngay cả ở hai tầng dưới, có đến 80% quầy hàng đóng cửa.


Trung tâm thương mại Thanh Trì


Cùng chung cảnh ngộ, Trung tâm Thương mại Thanh Trì (thị trấn Văn Điển) khá ảm đạm. Khối nhà 9 tầng trên tổng diện tích 7.906m2 này từng là "điểm nhấn" tại cửa ngõ phía nam Thủ đô. Thế nhưng, theo thông tin từ Xí nghiệp Khai thác và Phát triển Trung tâm Dịch vụ thương mại Thanh Trì, thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác quản lý dịch vụ đô thị và thương mại, đến tháng 6-2012 chỉ có 158 hộ vào kinh doanh trên tổng số 268 hợp đồng mua ki ốt.


Đến cuối tháng 7, lại có thêm 3 hộ đóng cửa quầy. Cả dãy ki ốt trước nhà làm việc của văn phòng xí nghiệp đóng cửa treo biển cho thuê hoặc bán lại gian hàng, có biển còn ghi rõ giá cho thuê chỉ là 500.000 đồng/tháng, cho dù tiền mua thuê ki ốt trong 30 năm là 100 triệu đồng/ki ốt.


Chợ rau xanh và thực phẩm tươi sống ở tầng hầm cũng vắng vẻ, tối om, bốc mùi ẩm mốc, chứ tầng 3 và tầng 4 từ lâu đã biến thành lớp học và văn phòng làm việc của Đại học Mở Hà Nội. Tầng 6 mới có một doanh nghiệp bất động sản tìm đến thuê một phần để mở văn phòng, còn lại tất cả vẫn chỉ là mặt bằng thô. Không khó để nhận ra hàng nghìn mét vuông nhà kiên cố ở Trung tâm Thương mại Thanh Trì đang để cho… bụi phủ!


Từ khi lột xác thành TTTM, nhiều khu chợ sầm uất khi xưa bỗng trở nên èo uột, vắng khách, nhiều gian hàng phải đóng cửa.


Theo báo cáo của Sở công thương Hà Nội, tại chợ Cửa Nam có đến 62/62 hộ đã nghỉ kinh doanh hoặc sang nhượng cho chủ khác, tại chợ Ô Chợ Dừa có 100/100 hộ lâm vào hoàn cảnh tương tự. Tại chợ Hàng Da có 200/636 hộ nghỉ kinh doanh hoặc chuyển nhượng cửa hàng.


Lối ra nào cho các TTTM nửa vời?


Việc xây dựng các TTTM theo đánh giá của nhiều chuyên gia và Lãnh đạo Hà Nội là mô hình và là xu hướng văn minh hơn các chợ truyền thống trước đây của Thủ đô.


Tuy nhiên, vì sao mô hình mới này lại trở nên “ế” ẩm, bất cập, gây sự phản đối không chỉ với các tiểu thương, hộ kinh doanh mà ngay cả đối với những người dân.


Trước hết, đây là những dự án xã hội hoá, vốn do các doanh nghiệp nhà đầu tư bỏ ra nên tất yếu họ phải thu vốn về, khác hẳn với các chợ trước đây do nhà nước quản lý. Do đó, các chi phí đối với các hộ kinh doanh, khách hàng khi vào các trung tâm này đương nhiên sẽ cao hơn các chợ kiểu cũ.


Bên cạnh đó, do thói quen của người dân theo kiểu tiện đâu mua đấy, giờ phải vào các trung tâm thương mại, phải gửi xe, leo cầu thang…sẽ khiến họ không mấy thoải mái. Hơn nữa, trong vài năm trở lại đây, do suy giảm kinh tế, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nên nhu cầu mua sắm cũng giảm rõ rệt. Kết quả là các khu chợ kiểu mới trên địa bàn như: Hàng Da, Cửa Nam, Ô chợ Dừa…đều vắng hoe khách, các tiểu thương đòi trả lại mặt bằng.


Việc xây dựng các trung tâm thương mại kết hợp chợ không hiệu quả đã quá rõ ràng, điều này đặt ra vấn đề UBND Thành phố cần quyết liệt hơn nữa trong việc quy hoạch, quản lý, chuyển đổi các TTTM trên cơ sở các chợ dân sinh cũ để không xảy ra tình trạng "vắng tanh vắng ngắt" như hiện nay.


Soha




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á