Tính đến hết tháng 6/2014, CTCK ACB (ACBS) có lượng cho vay giao dịch ký quỹ (margin) lớn nhất thị trường với 1.467 tỷ đồng. Các CTCK khác có tín dụng margin trên 1.000 tỷ đồng gồm CTCK Sài Gòn (SSI), CTCK TP. HCM (HSC), CTCK MB (MBS).
Hiện tại, dư địa dành cho hoạt động margin của các CTCK vẫn còn rất lớn. Mặc dù mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng các CTCK có sự thận trọng nhất định, không “bung” hết ngân sách cho margin.
Ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc ACBS cho biết, mức margin tại ACBS dao động từ 1.300 - 1.400 tỷ đồng. Nghiệp vụ này đang đóng góp khoảng 30% trong tổng lợi nhuận của Công ty. Dư địa cho hoạt động margin tại ACBS còn nhiều, nhưng Công ty sẽ giữ ở mức như hiện tại.
Tại CTCK SSI, lượng margin hiện dao động từ 1.200 - 1.300 tỷ đồng, trong khi tại thời điểm cuối tháng 3/2014 là trên 1.500 tỷ đồng. CTCK FPTS cho hay, tổng giá trị margin tại Công ty hiện khoảng 600 tỷ đồng, giảm khá mạnh so với thời điểm cuối tháng 3 là hơn 900 tỷ đồng. Tại CTCK MBS, thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4/2014, lượng margin thường xuyên đạt trên 1.500 tỷ đồng, nhưng hiện nay, con số này dao động quanh mức 1.200 tỷ đồng.
So với thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4/2014, lượng margin hiện tại trên toàn thị trường ước đạt 60 - 70% và có dấu hiệu tăng nhẹ từ cuối tháng 7/2014.
Cuối tháng 6/2014, lượng tiền margin tại HSC là 1.166 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm cuối quý I, nhưng tăng nhẹ trong hơn 1 tháng qua. Đại diện HSC chia sẻ, ngân sách dành cho margin có thể tăng 2,3 lần so với hiện tại, nhưng Công ty chỉ giữ ở mức hợp lý và nằm trong tầm kiểm soát. HSC đang hỗ trợ margin cho khách hàng với tỷ lệ dao động từ 20 - 50%. Đây là mức cho vay ban đầu, tỷ lệ duy trì có thể lên đến tối đa 70% theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ngoài diễn biến của TTCK và nhu cầu margin của khách hàng, hàng tháng, các CTCK sẽ có những đánh giá tổng thể để loại hoặc thêm bớt các mã trong rổ cổ phiếu được phép sử dụng margin, hoặc thay đổi về tỷ lệ cho vay. Chính vì vậy, lượng tiền margin thường xuyên biến động.
Đại diện CTCK Maritimebank (MSBS) cho rằng, ngay cả khi thị trường không trong giai đoạn tăng trưởng nóng thì nhiều nhà đầu tư vẫn sử dụng margin. Đa số CTCK có các chính sách cạnh tranh nhất định liên quan đến sản phẩm cho vay margin và việc tỷ lệ margin đôi lúc ở mức cao dù thị trường giao dịch cầm chừng, chưa bùng nổ là diễn biến bình thường. Rủi ro tác động đến thị trường từ việc đẩy mạnh các hoạt động cho vay margin tại các CTCK đang ở mức trung bình.
Trong bối cảnh TTCK đi ngang hiện tại và có triển vọng trong trung và dài hạn, nguồn vốn tại nhiều ngân hàng và CTCK dư thừa, lãi suất ở mức thấp, nên lượng margin trên thị trường ở mức cao, nhưng rủi ro được đánh giá là không cao. Tất nhiên, rủi ro với từng cổ phiếu và với từng nhà đầu tư vẫn hiện diện nếu thị trường đột ngột đảo chiều hoặc việc lựa chọn cổ phiếu cũng như quan điểm đầu tư không phù hợp.
Trước đây, thị trường biến động mạnh, không ít CTCK “vung tay” với hoạt động margin và gánh chịu nhiều rủi ro. Hiện tại, hoạt động margin tuy lớn, nhưng vẫn ở trong tầm kiểm soát của các CTCK, đặc biệt là những công ty lớn.
Theo các CTCK, rủi ro trong giai đoạn hiện nay giảm mạnh so với giai đoạn tháng 3/2014, bởi thị trường đã trải qua giai đoạn “xả lũ” vào đầu tháng 5 khi có “sự kiện Biển Đông” nên áp lực cung từ lượng chứng khoán mua vào ở đỉnh cũ hầu như không còn. Ngoài tiền margin, dòng tiền thật vẫn đều đặn được chuyển vào kênh chứng khoán, giúp tỷ lệ vay nợ trên tổng tài sản ở mức thấp.
Ở một khía cạnh khác, lượng margin tại CTCK đang nhích lên so với thời điểm cuối quý II/2014 cho thấy, mức độ lạc quan của nhiều nhà đầu tư tăng lên.
Hải Vân
Theo Tinnhanhchungkhoan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét