Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Chứng khoán Việt Nam nửa đầu 2014: Xanh vỏ, đỏ lòng

Chứng khoán Việt Nam nửa đầu 2014: Xanh vỏ, đỏ lòng


Giải quyết tình trạng “chết lâm sàng” của các công ty chứng khoán hiện nay là điều tuy không thể thực hiện một sớm một chiều, nhưng lại mang tính cấp bách.


Những năm gần đây, khi thị trường chứng khoán Việt Nam ở giai đoạn khủng hoảng, đa số các chuyên gia cũng như nhà quản lý đã tư duy chủ quan cho là theo cơ chế thị trường, các công ty chứng khoán yếu kém sẽ hợp nhất hoặc được sáp nhập nhằm cấu trúc lại ngành chứng khoán cho hiệu quả hơn. Tuy nhiên, từ khi đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thông qua cách đây hai năm, rất hiếm có sự hợp nhất giữa các công ty chứng khoán. Trong năm 2013, chỉ có Chứng khoán VIT hợp nhất với Chứng khoán MBS. Tiếp đến là Chứng khoán Đại Tây Dương (OSC) và Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISe).


Mặc dù thị trường trong nửa đầu năm 2014 có những chuyển biến tích cực nhưng kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán cho thấy hy vọng trở lại “giai đoạn hoàng kim” trong quá khứ là khá viển vông với nhiều công ty.


Kết thúc quí 2-2014, ngành chứng khoán đạt tổng lợi nhuận là 636 tỉ đồng, giảm còn bằng một nửa so với quí 1-2014 (1.200 tỉ đồng). Trong số 85 công ty đã công bố báo cáo tài chính, có 53 công ty báo lãi, chỉ 32 công ty báo lỗ. Thoạt nhìn thì đây là một dấu hiệu tích cực nhưng khi nhìn vào tổng lợi nhuận của 10 công ty đạt lợi nhuận cao nhất (564 tỉ đồng) thì thực trạng của ngành chứng khoán không tích cực như hình dung. Bởi lẽ, toàn bộ thị phần đã thuộc về một nhóm nhỏ các công ty chứng khoán và các sản phẩm chứng khoán phái sinh chưa đa dạng, quá nửa các công ty chứng khoán ở trạng thái hoạt động cầm chừng và thua lỗ triền miên.


Là công ty thua lỗ nặng nề nhất trong quí 2, doanh thu của Chứng khoán Agribank (HOSE: AGR) liên tục sụt giảm từ đầu năm đến nay, chỉ đạt 180 tỉ đồng, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2013.


Trong quí 1, nhờ cắt giảm được 102 tỉ đồng chi phí hoạt động kinh doanh qua hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán mà công ty có lãi. Tuy nhiên, chi phí trích lập dự phòng của quí 2 tăng đột biến và đẩy chi phí hoạt động kinh doanh trong kỳ lên tới trên 136 tỉ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ 2013. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm không đáng kể, dẫn tới lợi nhuận thuần quí 2 âm gần 45 tỉ đồng. Các công ty khác báo lỗ đều ở mức thấp hơn nhiều, như Chứng khoán phố Wall (HNX: WSS) lỗ 11,4 tỉ đồng, Chứng khoán Techcombank (TCBS) lỗ 9,1 tỉ đồng, Artex lỗ 6,2 tỉ đồng...


Trong khi doanh thu về môi giới rất hạn chế, thì tư vấn phát hành trái phiếu là hoạt động chính đem lại doanh thu cho Chứng khoán Techcombank từ trước đến nay. Kết thúc sáu tháng đầu năm 2014, công ty thu về gần 230 tỉ đồng doanh thu từ hoạt động này, chiếm 88% tổng doanh thu. Nguyên nhân khoản lỗ 9,1 tỉ đồng ở trên là do quí 2 vừa rồi công ty phải chịu khoản lỗ trên 52 tỉ đồng từ hoạt động bán chứng khoán khiến chi phí hoạt động kinh doanh lên tới 120 tỉ đồng, tăng gấp 100 lần so với 1,1 tỉ đồng chi phí hoạt động kinh doanh quí 2-2013. Tuy nằm trong số những công ty thua lỗ nặng nề nhất quí 2 vừa rồi, nhưng kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2014 của Chứng khoán Agribank và Chứng khoán Techcombank vẫn rất khả quan khi lợi nhuận lũy kế sáu tháng đầu năm đều đạt lần lượt là 23,5 tỉ đồng và 64,9 tỉ đồng. Với những ưu thế nhất định về thị phần cũng như nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, chỗ đứng của hai công ty này trên thị trường vẫn khá ổn định.


Trong khi đó, đối với chứng khoán Artex, đây là kỳ kế toán thứ tư liên tiếp công ty báo lỗ. Kết thúc sáu tháng đầu năm, công ty lỗ 7,8 tỉ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên trên 62 tỉ đồng, chiếm 46% vốn điều lệ.

Chứng khoán Saigonbank Berjaya liên tiếp thua lỗ từ năm 2012 đến nay, lỗ lũy kế sáu tháng đầu năm nay là gần 3 tỉ đồng.


Chứng khoán Tầm Nhìn cũng chưa biết tới lời lãi là gì từ năm 2011 đến nay và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty đã ở con số âm 64 tỉ đồng, bằng 85% vốn điều lệ.


Đặc điểm chung của những công ty này là những khoản lỗ không cao, hàng quí chỉ lỗ từ vài trăm triệu lên tới một vài tỉ đồng, thậm chí có quí còn lãi nhẹ. Nguyên nhân cơ bản là do không có thị phần khiến doanh thu môi giới thấp hoặc không đáng kể. Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh mang nhiều rủi ro bởi sự thiếu ổn định của thị trường. Doanh thu hoặc lợi nhuận nếu có đều nhờ vào hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán. Qua nhiều năm gánh chịu thua lỗ triền miên, những khoản lỗ này đã ăn dần vào vốn chủ sở hữu của không ít công ty. Nghiêm trọng thì những khoản lỗ lũy kế này đã lên tới gần bằng hoặc quá vốn điều lệ. Đó là trường hợp của Chứng khoán Phương Đông (HNX: ORS) với tổng lỗ lũy kế tại thời điểm 30-6-2014 lên tới 210 tỉ đồng, chiếm 87,6% vốn điều lệ; Chứng khoán Vina (VNSC) lỗ 163,5 tỉ đồng, chiếm 88,4% vốn điều lệ; Chứng khoán Hồng Bàng lỗ 24,6 tỉ đồng, chiếm 49% vốn điều lệ; Chứng khoán Đại Việt lỗ 175 tỉ đồng, 70% vốn điều lệ.


Chứng khoán Sacombank (SBS) luôn đạt kết quả kinh doanh khả quan trong vòng một năm trở lại đây, công ty cũng báo lãi liên tiếp hai quí đầu năm 2014 với lợi nhuận lũy kế 22,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty này không tới từ doanh thu. Trên thực tế, doanh thu của SBS khá nghèo nàn. Đơn cử, trong quí 2, môi giới chỉ thu về 3,8 tỉ đồng, hoạt động lưu ký chỉ đạt 600 triệu đồng, tự doanh thì lỗ gần 500 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu giúp công ty đạt lợi nhuận trong một năm trở lại đây là từ những khoản hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi hay dự phòng giảm giá chứng khoán hoặc từ thu nhập khác. Do vậy mà khoản lỗ lũy kế 1.300 tỉ đồng (vượt vốn điều lệ 34 tỉ đồng) của SBS sẽ không thể giải quyết được dễ dàng nếu công ty không sớm gây dựng lại thị phần và có doanh thu ổn định từ hoạt động kinh doanh chứng khoán.


Ngoài ra, còn hàng loạt công ty chứng khoán khác đang hoạt động một cách cầm chừng như Chứng khoán Sen Vàng, Chứng khoán Á Âu, Chứng khoán Châu Á, Chứng khoán Hồng Bàng... mà khuôn khổ bài viết không thể liệt kê hết. Những công ty này khiến cho cơ cấu của ngành chứng khoán Việt Nam cồng kềnh và thiếu hiệu quả. Niềm tin của nhà đầu tư càng ngày càng sụt giảm khi đa số các công ty chứng khoán liên tục có kết quả kinh doanh nghèo nàn mà vẫn tồn tại.


Theo TBKD




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á