Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam do HSBC và Markit Economics khảo sát đạt 52.5 trong tháng 5, giảm nhẹ so với mức 53,1 điểm của tháng trước - ảnh hưởng bởi quy định kiểm soát tải trọng xe.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng HSBC, nhìn chung, điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 5 tiếp tục mạnh lên trong khi lực cầu tiếp tục được cải thiện.
Tổng sản lượng công nghiệp tăng tháng thứ 8 liên tiếp trong khi số lượng doanh nghiệp mới cũng gia tăng. Ngoài ra, việc kiểm soát tải trọng xe cũng đã ảnh hưởng đến ngành giao thông, với việc thời gian giao hàng bị kéo dài trong khi giá cả đầu vào tăng mạnh.
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam do HSBC và Markit Economics khảo sát đạt 52.5 điểm trong tháng 5. Mặc dù kết quả này thấp hơn so mức kỷ lục 53.1 trong tháng 4 nhưng kết quả này vẫn cho thấy sự cải thiện trong điều kiện hoạt động tại các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.
Theo đó, số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng này tiếp tục tăng trưởng tháng thứ 6 liên tiếp. Theo các chuyên gia HSBC, chính các điều kiện kinh tế đang được cải thiện đã đóng góp rất lớn vào việc hỗ trợ tăng lực cầu. Ngoài ra, nguyên liệu dồi dào cũng giúp các doanh nghiệp có thể tăng sản sản lượng một cách dễ dàng. Số lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài cũng tăng nhẹ.
Theo đánh giá của HSBC, việc Bộ Giao thông Vận tải quyết định triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ đã ảnh hưởng khá lớn đến ngành sản xuất trong tháng 5 này. Theo đó, thời gian giao hàng của nhà phân phối bị kéo dài nhất kể từ khi HSBC bắt đầu khảo sát chỉ số PMI tại Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa nhà phân phối cần nhiều thời gian hơn để giao cùng một lượng hàng như thời gian trước. Ngoài ra, quyết định này cũng ảnh hưởng rất lớn đến giá cả giao hàng, đưa lạm phát chi phí đẩy lên cao tháng thứ 2 liên tiếp.
Mặc dù chi phí đầu vào tăng mạnh, các nhà sản xuất vẫn giữ nguyên giá bán trong tháng qua. Đây là nỗ lực nhằm kích cầu của nhà sản xuất.
Nhận định về PMI tháng 5 của Việt Nam, Chuyên viên kinh tế phụ trách khu vực châu Á của HSBC, Trinh Nguyễn cho biết: "Chỉ số PMI tháng 5 cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam đang ngày càng có tính cạnh tranh cao, các hoạt động ngành tiếp tục được mở rộng mặc dù vẫn còn khá chậm.
Vấn đề cần quan tâm hiện nay chính là nhà sản xuất đang phải chịu chi phí gia tăng trong khi họ đã phải chịu chi phí logistic cao. Tỷ suất lợi nhuận đang bị thu hẹp do nhu cầu nội địa còn ở mức yếu khiến các nhà sản xuất rất khó để tăng giá thành sản phẩm mặc dù chi phí sản xuất thì ngày càng tăng cao. Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ lãi suất ổn định để hỗ trợ nhu cầu trong nước".
Trần Thúy - NDH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét