Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Quản trị rủi ro: 'mất bò mới lo làm chuồng'

Quản trị rủi ro: 'mất bò mới lo làm chuồng'


Tổng giám đốc một CTCK nọ chia sẻ, ngoài công tác điều hành chung các mặt hoạt động thì ông phụ trách riêng mảng quản trị rủi ro của Công ty. Ông nói: “Khi mọi người ai cũng lo kiếm tiền thì công tác quản trị rủi ro có vai trò đặc biệt quan trọng, vì nó giúp giữ được những đồng tiền mà mọi người kiếm được”. Rất tiếc, những doanh nghiệp đề cao vai trò quản trị rủi ro như CTCK nọ chưa nhiều.


Doanh nghiệp chỉ mải kiếm tiền


Báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, bản cáo bạch… của các doanh nghiệp đều có phần đánh giá các nhân tố rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro. Đọc những báo cáo này dễ có cảm giác công tác quản trị rủi ro của các doanh nghiệp được tiến hành một cách khá bài bản. Vậy nhưng, thực tế là những phần này thường do các đơn vị tư vấn như công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, thay vì chính doanh nghiệp thực hiện.


Kết quả khảo sát của Ernst & Young (EY) về tình hình quản trị rủi ro ở các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam năm 2013 công bố gần đây cho thấy, công tác quản trị rủi ro của các doanh nghiệp đã có một số tiến bộ nhất định, nhưng mới chỉ dừng ở mức độ nhận thức về vai trò của quản trị rủi ro hoặc “có định hướng sẽ hoàn thiện hế thống chính sách về quản trị rủi ro”.


Cụ thể, các doanh nghiệp chỉ mới xây dựng được những khái niệm ban đầu về rủi ro và mức độ chấp nhận rủi ro, cũng như chỉ mới sử dụng một số chỉ tiêu phân tích độ nhạy cơ bản để xác định mức độ chấp nhận rủi ro. Đồng thời, các thông số đo lường rủi ro dù đã được xây dựng, nhưng chưa gắn liền với mục tiêu và chiến lược của doanh nghiệp, các hoạt động phát hiện và đánh giá rủi ro chỉ được thực hiện riêng lẻ và trong phạm vi hẹp.


EY đã gửi bản khảo sát cho 400 doanh nghiệp niêm yết, nhưng chỉ nhận được phản hồi từ 156 doanh nghiệp. Đa phần các doanh nghiệp được khảo sát cho biết có định hướng chú trọng đến việc hoàn thiện hệ thống chính sách về quản trị rủi ro, cải thiện tính liên kết giữa phương pháp tiếp cận quản trị rủi ro với chiến lược và mục tiêu kinh doanh.


Tuy nhiên, công tác đầu tư vào các chức năng quản trị rủi ro, thể hiện qua ngân sách hoạt động hàng năm cho các bộ phận này vẫn còn khá khiêm tốn. Theo kết quả khảo sát, phần lớn doanh nghiệp mới dành ngân sách cho các bộ phận chức năng quản trị rủi ro chưa đến 1% tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, trong đó, thậm chí đến 25% doanh nghiệp phản hồi rằng họ không có ngân sách hoạt động cho các chức năng quản trị rủi ro.


Có đến 66% các doanh nghiệp được khảo sát cho biết, HĐQT chỉ tham gia một cách tương đối hoặc không đáng kể vào công tác quản trị rủi ro trong tổ chức của họ. Tỷ lệ này thậm chí cao hơn số liệu khảo sát của EY năm 2012, với lý do chủ yếu là “doanh nghiệp đang tập trung mối quan tâm chính vào việc phục hồi hoạt động kinh doanh”.


Nhiều ý kiến cho rằng, HĐQT chỉ cần định hướng về mặt chiến lược, không cần quan tâm sâu vào công tác quản trị rủi ro vì đó là công việc của các cấp điều hành. Điều này cũng thể hiện qua tỷ lệ đào tạo về quản trị rủi ro định kỳ của cấp HĐQT sụt giảm từ 16% của năm 2012 xuống 11% trong năm 2013.


Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”


Theo EY, các doanh nghiệp chưa đầu tư đúng mức cho công tác quản trị rủi ro là do chưa nhìn nhận được lợi ích của quản trị rủi ro trong việc giảm thiểu chi phí, tăng hiệu suất quy trình và bảo vệ giá trị của doanh nghiệp.


EY nhận xét: “Nhìn chung, các doanh nghiệp đang đi đúng hướng trên con đường hoàn thiện và phát triển cơ cấu quản trị rủi ro. Với việc bắt đầu từ định hướng chiến lược về quản trị doanh nghiệp, rủi ro và tuân thủ, tiếp đến là hình thành nhận thức về rủi ro và văn hóa về quản trị rủi ro thống nhất cho toàn bộ tổ chức, doanh nghiệp đang hình thành một nền tảng vững chắc cho các hoạt động quản trị rủi ro trong tương lai”.


Các bước tiếp theo là doanh nghiệp cần kiện toàn các chức năng quản trị rủi ro, tăng cường năng lực chuyên môn của đội ngũ quản trị rủi ro và bổ sung công cụ hỗ trợ cho công tác quản trị rủi ro như quy trình, biểu mẫu, hệ thống…


Đối với quan điểm cho rằng, HĐQT đang tập trung vào nhiệm vụ phục hồi hoạt động kinh doanh và cũng không cần thiết phải quan tâm sâu vào công tác quản trị rủi ro, EY phản biện rằng, một hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả cần được tổ chức thành nhiều lớp phòng vệ, trong đó, hàng phòng vệ thứ nhất là các phòng ban hoạt động kinh doanh hàng ngày, hàng phòng vệ thứ hai là bộ phận chức năng quản trị rủi ro và hàng phòng vệ thứ ba chính là HĐQT.


“Nói cách khác, HĐQT chính là nền tảng của cơ cấu quản trị rủi ro doanh nghiệp, với nhiệm vụ thiết lập một cơ cấu kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả, giúp đánh giá và quản lý rủi ro. HĐQT cần tăng cường thời gian và chủ động tham gia vào các hoạt động đào tạo cũng như định hướng về quản trị rủi ro trong doanh nghiệp”, EY cho biết.


Đức Luận - ĐTCK




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á