Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Điều chỉnh tỷ giá: Nằm trong tầm kiểm soát của NHNN

Điều chỉnh tỷ giá: Nằm trong tầm kiểm soát của NHNN

Bà Đào Thị Hường, Trưởng phòng Tài chính Tập đoàn Viettel cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN không làm DN bất ngờ, vì ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN đã công khai phát thông điệp là biên độ điều chỉnh tỷ giá trong năm nay sẽ không quá 2%. Mặt khác, theo thông lệ hàng năm, vào thời điểm trước tết hoặc giữa năm, tỷ giá thường có những thay đổi về cung cầu nên DN cũng đã tiên lượng được điều này. Hiện tại nhu cầu ngoại tệ của Viettel vẫn được các NHTM đáp ứng đầy đủ. "Thực chất mấy năm gần đây, tỷ giá ổn định hơn đã giúp DN, nhất là DN lớn đỡ vất vả trong việc lo nguồn tiền thanh toán cho đối tác", bà Hường nói thêm.


Các NHTM - đối tượng được đánh giá là chịu ảnh hưởng nhiều do họ đã bán ngoại tệ cho NHNN, thậm chí có NHTM ở trạng thái âm, cũng khẳng định hoạt động kinh doanh ngoại tệ sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá vẫn diễn ra bình thường. Tổng giám đốc OCB - ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, quyết định điều chỉnh tỷ giá vừa qua của NHNN là nằm trong kế hoạch đã được Thống đốc tuyên bố từ đầu năm, mức điều chỉnh không quá đột ngột nên các NH không bị lúng túng. Tất nhiên, những NH nào để trạng thái ngoại tệ âm sẽ lỗ một chút. "Nhưng tôi nghĩ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của NH và mức điều chỉnh 1% là chấp nhận được", ông Tùng nhận định.


Việc điều chỉnh tỷ giá thêm 1%, có thể nói, phần nào đáp ứng được kỳ vọng thị trường. Để giảm dần tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, chủ trương của NHNN không khuyến khích người dân gửi USD và NHNN sẽ điều hành theo hướng chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Theo đó, lãi suất huy động USD đã được hạ xuống mức thấp hơn tiền gửi bằng VND rất nhiều. Tuy nhiên, do USD vẫn có vị thế là ngoại tệ mạnh, khả năng thanh toán rộng nên tạo ra tâm lý kỳ vọng đồng USD sẽ luôn tăng giá.


Với các NHTW, công cụ để điều tiết cung - cầu, giải tỏa kỳ vọng tăng giá USD hoặc là điều chỉnh tỷ giá hoặc hạ lãi suất huy động VND. "Trong bối cảnh lạm phát 6 tháng qua ở mức thấp, đồng thời xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, việc NHNN Việt Nam chọn điều chỉnh tỷ giá là hoàn toàn hợp lý"- một chuyên gia bình luận.


Dù được đánh giá điều hành chính sách tiền tệ đã linh hoạt hơn, nhưng trong "Báo cáo kinh tế vĩ mô 2014", Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra đề xuất: "nới biên độ dao động tỷ giá hơn nữa". Nhưng theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế, ngân hàng chưa cần thiết để thực hiện điều này.


Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, rất ít khi các NHTM giao dịch hết biên độ +/-1%. Mặc dù trong thực tế, đúng là có thời điểm tỷ giá giao dịch kịch trần, nhưng chỉ là do yếu tố tâm lý kỳ vọng tác động khiến thị trường xáo trộn nhất thời. Nhưng chỉ sau một "khoảnh khắc" diễn biến đó, các NHTM đã trở lại giao dịch bình thường, bởi thực tế cung - cầu ngoại tệ không có đột biến hay lệch pha. Do đó, thời điểm này, NHNN tiếp tục định hướng điều hành theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ thì chưa cần thiết phải nới biên độ điều chỉnh tỷ giá.


Tín dụng ngoại tệ tăng có đáng lo?


Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính đến đầu tháng 5/2014, trong khi tăng trưởng tiền gửi ngoại tệ giảm 9,1% thì tín dụng ngoại tệ tăng 7,2% và tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) ngoại tệ tăng từ 84,3% lên 99,5%. Điều này đã dấy lên lo ngại tình trạng đô la hóa có thể quay trở lại. Nhìn nhận trên tổng thể con số tuyệt đối về quy mô tín dụng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng con số trên chưa có biểu hiện đáng phải quá lo ngại vì tín dụng bằng nội tệ vẫn gấp 8 lần ngoại tệ. Nên nếu tín dụng ngoại tệ có tăng 8 lần chỉ bằng tín dụng VND tăng 1 lần.


Sẽ không quá lo ngại nếu nắm kỹ bản chất vấn đề là quan điểm của Tổng giám đốc OCB. Bởi, theo ông Tùng, vì tín dụng ngoại tệ mới phục hồi, trong khi đó đối tượng được vay ngoại tệ vẫn được các ngân hàng kiểm soát chặt. Đơn cử, các DN nhập khẩu hàng hóa bán trong nước không được vay ngoại tệ, chỉ có DN xuất khẩu được vay ngoại tệ. Đây là những đối tượng đang cần được hỗ trợ nhiều. Mặt khác, bản thân các DN xuất khẩu đều có nguồn ngoại tệ ra - vào nên họ cân đối để trả nợ chứ không cần mua ngoại tệ của NH. Cũng có trường hợp đặc biệt, không có nguồn thu ngoại tệ cũng được NH cho vay bằng ngoại tệ, nhưng những trường hợp này các NHTM đều phải trình NHNN xem xét.


"Việc tín dụng ngoại tệ tăng còn được coi là dấu hiệu chứng minh niềm tin của DN vào khả năng NHNN sẽ đủ năng lực ổn định tỷ giá. Và dù có phải điều chỉnh thêm 1% nữa thì vẫn trong bài toán dự phòng của họ nên DN mới vay thêm", lãnh đạo một NH đưa ra quan điểm. Dẫu vậy, theo TS. Lực, dù chưa nghiêm trọng nhưng NHNN vẫn phải để mắt chấn chỉnh các NHTM kiểm soát cơ cấu tín dụng, khả năng cân đối ngoại tệ của mình. "Đúng là DN xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ trả nợ, bán lại cho NH, nhưng không ai dám chắc DN đó sẽ bán lại toàn bộ ngoại tệ cho NH đó hay phân tán ra nhiều nơi. Vì vậy, NH không nên quá mạnh tay cho vay ngoại tệ nếu không lại lấn cấn chuyển rủi ro tỷ giá hối đoái sang rủi ro thanh khoản, mất cân đối đầu vào - đầu ra", ông Lực lưu ý.


Từ nay đến cuối năm, theo như cam kết của Thống đốc NHNN thì dư địa điều chỉnh tỷ giá vẫn còn 1%. Nhận định của nhiều chuyên gia, cũng như lãnh đạo các NHTM thì cho rằng, với tình hình cung - cầu không quá đột biến, cùng nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, xu hướng dự trữ ngoại hối tăng, cán cân thanh toán thặng dư khả quan theo dự báo… việc điều chỉnh tỷ giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát của NHNN.


"Dù NHNN có sử dụng nốt của để dành thì cũng không quá bất ngờ đối với các chủ thể tham gia thị trường vì đã được vạch sẵn trong kế hoạch kinh doanh của họ ngay từ đầu năm", lãnh đạo một NHTM khẳng định.









TS. Alan Phạm - Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital:


Chưa cần thiết phải điều chỉnh biên độ dao động tỷ giá


Nếu không có vấn đề cấp thiết, NHNN nên tiếp tục giữ mức biên độ dao động tỷ giá như thời điểm hiện tại +/-1% chứ không nên thay đổi chính sách liên tục. Qua tiếp xúc với DN, tôi thấy hiện tỷ giá không phải là vấn đề các DN cảm thấy khó khăn. Chẳng hạn số lượng khách hàng vay bằng USD tăng nhanh chứng tỏ DN tin vào điều hành tỷ giá của NHNN dù có điều chỉnh thêm 1% vẫn không phải vấn đề lớn đối với họ. Theo quan sát của tôi, với các nguồn ngoại tệ như kiều hối, xuất khẩu, giải ngân FDI… vẫn khá ổn định. Trong khi nhập khẩu có tăng nhưng không có sự đột biến, thì từ nay đến cuối năm cung - cầu ngoại tệ không đến mức căng thẳng, tỷ giá tiếp tục duy trì ổn định.


TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia:


Nền tảng để điều chỉnh tỷ giá hoàn toàn tốt


Theo quan điểm cá nhân tôi, việc các NH để trạng thái âm ngoại tệ cho thấy họ hoàn toàn tin tưởng vào điều hành chính sách của NHNN không chỉ ngắn hạn mà cả trong trung hạn. Như vậy đã không có sự dịch chuyển tài sản nào từ nội tệ sang ngoại tệ trong tài khoản của các NHTM. Điều đó cho thấy nền tảng để NHNN điều chỉnh tỷ giá là hoàn toàn tốt.


Báo cáo gần đây của IMF đánh giá tỷ giá hối đoái của Việt Nam ở mức cân bằng dài hạn giữa tỷ giá thực với tỷ giá danh nghĩa rất tích cực. IMF cho rằng chính sách tỷ giá hối đoái của NHNN trong thời gian qua và trung hạn là rất thành công.


Thực tế, các chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách đã từng kiến nghị với Thủ tướng điều chỉnh tỷ giá ở mức cao hơn nữa vì cho rằng kinh tế Việt Nam đang dò đáy đi lên và cần các biện pháp kích thích mới có tác động tích cực. Trong nhiều biện pháp kích thích khu vực nông nghiệp, xây dựng, xuất khẩu… thì biện pháp linh hoạt hóa tỷ giá hối đoái, hỗ trợ xuất khẩu là biện pháp quan trọng và đúng hướng. Và tôi nhìn thấy tác động tích cực trong ngắn hạn và trung hạn.


Tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm nếu có cơ hội, điều kiện và Chính phủ cho phép, NHNN có thể điều chỉnh tỷ giá thêm 1%.


Phạm Quang Dũng - Phó tổng giám đốc Vietcombank:


Không có sức ép nào đáng kể lên tỷ giá


Việc điều chỉnh tỷ giá đã nằm trong lộ trình định hướng chính sách tiền tệ được thông báo từ đầu năm và nằm trong kế hoạch của NH. Về lo ngại điều chỉnh tỷ giá tác động đến lãi suất giữa đồng USD và VND, tôi nghĩ rằng không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất và diễn biến thị trường vẫn tiếp tục ổn định theo hướng có lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô. Lãi suất đồng VND đang ở mức thấp và là điều kiện tốt để giảm lãi suất cho vay đối với DN.


Tôi cho rằng, việc NHNN kiểm soát lãi suất ngoại tệ, đồng thời có sự điều chỉnh tỷ giá còn có tác động kép mà ít được đề cập đến. Đó là với việc khống chế lãi suất huy động, chi phí đầu vào NH giảm xuống tạo điều kiện cho họ tiết giảm lãi vay đáng kể với các đối tượng khách hàng được vay vốn ngoại tệ. Với mức lãi suất ngoại tệ thấp cùng với chính sách điều hành tỷ giá như hiện nay, có thể nói chưa bao giờ các NH Việt Nam lại có cơ hội có thể cạnh tranh một cách bình đẳng với NH nước ngoài trong việc cung ứng nguồn vốn ngoại tệ cho các DN trong nước.


Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Petrolimex:


Chúng tôi không bất ngờ


Điều chỉnh tỷ giá lần này không khiến Petrolimex bất ngờ vì đây là định hướng đã công khai của Chính phủ, NHNN. Đương nhiên đối với Petrolimex là tập đoàn lớn, chúng tôi không chỉ kinh doanh riêng lĩnh vực xăng dầu mà còn có nhiều ngành nghề khác như vận tải biển, hóa dầu, hoạt động về định chế tài chính… việc điều chỉnh này tác động trực diện vào DN chúng tôi. Nhưng tôi cho rằng điều chỉnh 1% là hợp lý, chấp nhận được. Bởi nếu cân đối chung sẽ có hiệu ứng tích cực đối với DN xuất khẩu. Mà những DN xuất khẩu cũng chính là khách hàng của những DN nhập khẩu.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á