Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Căng thẳng biển Đông, 'biến số khó lường' với lạm phát

Căng thẳng biển Đông, 'biến số khó lường' với lạm phát

Theo dự báo của những người thực hiện báo cáo này, CPI của Việt Nam có thể sẽ kết thúc giai đoạn tăng chậm, khi sự điều chỉnh giá cả các mặt hàng cơ bản như y tế, giáo dục và tác động của sự kiện biển Đông dần dần được phản ánh vào giá cả các hàng hóa trong trung hạn.


Nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng thế nào bởi căng thẳng biển Đông là câu hỏi đã được đại biểu Quốc hội "đòi" Chính phủ dự báo tại kỳ họp thứ 7 vừa qua.

Câu trả lời đơn lẻ trong từng hoàn cảnh cụ thể ít nhiều đã có, song một dự báo có hệ thống vẫn đang là khoảng trống.


Ở vị trí độc lập với cơ quan hành pháp, mới đây Trung tâm Nghiên cứu kinh tế thuộc Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam đã đưa ra một số phân tích đáng chú ý về tác động từ căng thẳng biển Đông đối với nền kinh tế Việt Nam, tại một báo cáo về triển vọng kinh tế.


Các chuyên gia của trung tâm này nhận định, trước mắt nền kinh tế chưa phải chịu "cú sốc" lớn nào từ căng thẳng biển Đông, song ảnh hưởng trong dài hạn từ vấn đề này là cần được tính đến, khi nguồn lực của đất nước phải tiêu tốn vào các hoạt động nhằm đối phó với những rủi ro mới đang thường trực.


Bên cạnh đó, áp lực cải tổ nền kinh tế theo hướng giảm bớt sự lệ thuộc trực tiếp vào Trung Quốc đang được hết sức quan tâm, khi vẫn tiềm ẩn sự gia tăng căng thẳng quan hệ trong tương lai.


Căng thẳng tại biển Đông chưa gây ra cú sốc cung trong ngắn hạn, song vẫn là biến số khó lường đối với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), báo cáo nhìn nhận.


Theo dự báo của những người thực hiện báo cáo này, CPI của Việt Nam có thể sẽ kết thúc giai đoạn tăng chậm, khi sự điều chỉnh giá cả các mặt hàng cơ bản như y tế, giáo dục và tác động của sự kiện biển Đông dần dần được phản ánh vào giá cả các hàng hóa trong trung hạn.


Một số mặt hàng nông sản đã có mức giảm giá khá mạnh trong tháng 6 khi không tìm được đường xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó, với tỷ trọng nhập siêu lớn từ Trung Quốc và các mặt hàng chủ yếu là máy móc, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, nguy cơ tăng giá thành phẩm là rất lớn, báo cáo viết.


Phân tích cụ thể hơn, báo cáo nêu rằng Trung Quốc đang cung cấp khoảng 50% tất cả các nguyên liệu vải sợi cho Việt Nam. Các nguyên liệu ngành vải sợi như bông, xơ sợi, vải, nút, vật liệu may… hầu hết phải nhập khẩu. Trừ bông, được nhập khẩu từ Úc, Ấn Độ và Hoa Kỳ, hầu hết các nguyên phụ liệu ngành may mặc được nhập khẩu từ Trung Quốc.


Vì vậy, chỉ cần có sự không ổn định trong cung cấp các đơn hàng từ phía Trung Quốc cũng có thể gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp ngành vải sợi và dệt may, một trong những ngành xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.


Nhận định này cũng được một số doanh nhân chia sẻ, khi không ít doanh nghiệp đã tính đến việc lập văn phòng ở nước thứ ba để nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc.


Chuyển sang lĩnh vực khác, bản báo cáo cho rằng các biện pháp nhằm giảm bớt sự lệ thuộc trực tiếp vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an toàn kinh tế cho sản xuất.


Với ngân hàng, nhận định được đưa ra là vẫn tồn tại áp lực giảm đối với lãi suất huy động. Tuy nhiên, rủi ro từ biển Đông sẽ là nhân tố khó lường gây ảnh hưởng tới tình hình kinh tế nói chung cũng như hoạt động của hệ thống ngân hàng. Cùng với đó, động thái điều chỉnh tỷ giá vừa qua lại tạo sức ép duy trì lãi suất VND cao để hạn chế đô la hóa.


Giá vàng trong nước tăng được báo cáo nhận định là do nhu cầu mua vàng tránh rủi ro của người dân.


Cho tới thời điểm này, thị trường vàng trong nước vẫn tự điều tiết cung cầu, vì vậy việc can thiệp của Ngân hàng Nhà nước bằng cách đấu thầu vàng là chưa cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan này luôn tỏ ý sẵn sàng và đủ nguồn lực để can thiệp bình ổn thị trường nếu thị trường có diễn biến biến phức tạp hơn, báo cáo cho biết.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á