Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Đội tàu mất lái

Đội tàu mất lái


Việc bán tàu của các DN nhằm giảm chi phí, cắt lỗ có thể coi là giải pháp tình thế lúc này. Rất nhiều ý kiến quan ngại, các công ty này sẽ tiếp tục hoạt động ra sao một khi bán đi tài sản quan trọng cho hoạt động kinh doanh chính của mình?


80% lượng hàng hóa xuất khẩu của cả nước đang vận chuyển bằng đường thủy, lẽ ra ngành vận tải biển phải phát triển, nhưng trên thực tế lại ngược lại. Nhìn trong danh sách các DN vận tải biển niêm yết trên sàn chứng khoán hiện nay, đa số các công ty thua lỗ triền miên. Năm nay, những gì có thể chuyển hóa được thành tiền để có thêm nguồn trang trải nợ nần và chi phí đều được các công ty vận dụng.


Trường hợp cổ phiếu VOS, một trong những ông lớn của ngành vận tải biển là một ví dụ. Lỗ 2 năm liên tiếp, VOS chọn phương án bán tàu. Sau khi bán 4 tàu vào năm 2013, VOS dự kiến bán tiếp 3 tàu trong năm nay và xem xét đến việc chuyển nhượng một số BĐS. Cũng chọn phương án bán tài sản, VST đưa ra kế hoạch chuyển chủ 2 tàu để giảm bớt áp lực tài chính. Trước đó, DDM, SSG cũng đã tiến hành bán một số tài sản, nhưng không thay đổi được tình hình tài chính bao nhiêu.


Việc bán tàu của các DN nhằm giảm chi phí, cắt lỗ có thể coi là giải pháp tình thế lúc này. Rất nhiều ý kiến quan ngại, các công ty này sẽ tiếp tục hoạt động ra sao một khi bán đi tài sản quan trọng cho hoạt động kinh doanh chính của mình? Hơn nữa, khi mà cả ngành đang gặp khó khăn thì ai sẽ mua tàu? Giả sử nếu có người mua thì chắc chắn giá sẽ rất thấp. Bởi đa phần tàu bán đi đều là những tài sản đã hết hạn khấu hao, chuẩn bị lên đà sửa chữa lớn. Đây cũng là những tàu có mức tiêu thụ nhiên liệu cao và gặp hạn chế trong khai thác. Bán đi các tàu này có thể giúp DN “nhẹ gánh” và thoát lỗ sớm hơn không?


Bởi theo đánh giá của Phòng Vận tải và dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam), các công ty vận tải biển kinh doanh kém hiệu quả còn vì cơ cấu đội tàu không phù hợp, tình trạng kỹ thuật yếu kém, tàu bị lưu giữ nhiều ở nước ngoài; việc tổ chức quản lý, cung ứng dịch vụ yếu, thiếu sự liên kết giữa các hãng tàu - chủ hàng - thương mại - bảo hiểm; tình hình tài chính yếu kém…


Chính sự loay hoay bế tắc trong kinh doanh của các DN vận tải biển khiến giá trị cổ phiếu của họ rớt xuống mức thấp hơn nhiều so với tổng giá trị tài sản, chỉ dao động ở mức 2-3 nghìn đồng/cổ phiếu. Ví dụ, VST có giá trị sổ sách lên gần 20.000 đồng/cổ phiếu, gấp khoảng 8 lần so với mức giá 2.400 đồng/cổ phiếu. Thông thường, NĐT sẽ mua vào những cổ phiếu rẻ này để kỳ vọng dài hạn, khi nền kinh tế hồi phục ít nhất giá cổ phiếu cũng phải tăng gấp 2-3 lần so với hiện tại. Nhưng trong trường hợp này, giới đầu tư khẳng định, chưa hẳn bỏ ra 2.400 đồng mua cổ phiếu VST mà đã có thể bán 10.000 đồng/cổ phiếu.


Lý do, nợ phải trả của các DN này rất cao. Chẳng hạn, theo báo cáo tài chính đã được soát xét năm 2013, nợ phải trả của VST chiếm 88,64% tổng tài sản và cao hơn rất nhiều lần so với vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, mức lãi vay mà các công ty vận tải biển phải chịu hiện khoảng 13-15%/năm, cao hơn con số 8-9%/năm đang áp dụng cho những ngành nghề khác. Theo giám đốc một công ty vận tải biển, do các khoản nợ này là nợ vay từ trước, ở diện nợ quá hạn, nợ xấu nên các ngân hàng vẫn neo mức lãi suất cao. Nói cách khác, nợ được xác định nhưng giá trị tài sản của DN có thể rất ảo...


Hay như giá trị vốn hóa của VOS, một trong những công ty vận tải biển lớn nhất trong ngành, giờ chỉ còn khoảng 380-400 tỷ đồng. Dù đặt mục tiêu bán tàu vượt khó nhưng không phải lúc nào DN cũng có thể thực hiện. Trong khi, ngành vận tải biển dù có những nét tích cực cũng không thể xoay chiều 180 độ từ khó khăn sang thuận lợi nhanh chóng. Vậy nên, khả năng VOS có thể san bằng thua lỗ trong năm 2014 là không đơn giản.


Như vậy, yếu tố giá rẻ của cổ phiếu vẫn còn đó, nhưng nếu vẫn tiếp tục thua lỗ, làm ăn bết bát thì sẽ khó lòng xem cổ phiếu ngành này là rẻ. Mua một cổ phiếu rẻ, nhưng giá trị tài sản cứ giảm dần thì sẽ hết rẻ. Đó là chưa kể những cổ phiếu này đã lỗ 2 năm liên tiếp (đều đang nằm trong diện cảnh báo) và người thận trọng trong đầu tư phần lớn đều loại bỏ những cổ phiếu này ra khỏi danh mục.


Nói như một chuyên gia, trên thị trường vẫn có một số ít NĐT “chơi liều” bằng cách mua vào những mã cổ phiếu có giá rẻ để “đánh ngắn”, ăn theo thị trường. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, thời gian tới, nền kinh tế có thể chuyển biến tích cực và ngành vận tải biển sẽ khởi sắc theo, nhưng cổ phiếu ngành này chưa chắc cải thiện ngay. Bởi lẽ, gánh nặng nợ vay như trên không dễ gì xử lý xong trong một sớm một chiều.


Theo Thời Báo Ngân Hàng




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á