Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Vốn ngoại tăng mạnh: Niềm tin của Marc Faber

Vốn ngoại tăng mạnh: Niềm tin của Marc Faber


Mới đây, trong Diễn đàn Đầu tư Việt Nam (VIF) diễn ra ngày 19/6 tại TP.HCM, nhiều chuyên gia đã cùng chung nhận định, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn và sẽ hướng chú ý đến Việt Nam. Cụ thể, TS. Marc Faber, diễn giả chính của diễn đàn đánh giá, cơ hội và tiềm năng đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) vẫn rất tốt, dù những căng thẳng trên Biển Đông đang diễn ra.


"TTCK Việt Nam đã tăng 22% trong năm 2013 và tăng thêm 15% đến cuối tháng 4/2014 dù gần đây đã có chút điều chỉnh giảm. Tôi đã đầu tư và sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam", ông Marc Faber chia sẻ.


Theo ông Marc Faber, giá cổ phiếu tại Việt Nam đang rẻ, dễ dàng cho nhà đầu tư kiếm tiền từ đầu tư cổ phiếu. Vì thế, ông Marc Faber tin tưởng, các nhà đầu tư sẽ không quan ngại đến căng thẳng trên Biển Đông để tiếp tục xem Việt Nam là một thị trường tiềm năng để tìm cơ hội đầu tư. Trong trường hợp TTCK Việt Nam nếu có đi xuống thì mức độ cũng ít hơn các thị trường khác.Thực tế cho thấy, kể từ sau suy thoái kinh tế (năm 2007) đến nay, so với các quốc gia mới nổi, Việt Nam là nước có kết quả xuất khẩu tốt nhất, với mức tăng tỷ trọng xuất khẩu gấp đôi các thị trường mới nổi khác. Ngoài ra, lợi tức khi đầu tư vào Việt Nam khá hấp dẫn.


Marc Faber là nhà đầu tư nổi tiếng thế giới, với quan điểm đầu tư rất thận trọng. Rất hiếm khi ông đưa ra nhận định lạc quan về các thị trường mới nổi. Bởi vậy, khi Marc Faber đưa ra những nhận định tích cực về TTCK Việt Nam, giới chuyên gia cho rằng sẽ có tác động và thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư toàn cầu.


Ở góc độ khác, ông Thomas Hugger, Tổng giám đốc AFC nhấn mạnh, Việt Nam đang là nơi phân bổ vốn cao nhất của các quỹ thuộc AFC. Theo ông Hugger, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tốt hơn, thể hiện qua những nỗ lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; các chính sách trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi như lãi suất cho vay thấp, giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp, các gói hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực khác nhau và tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước.









Trong khi đó, với tư cách người đứng đầu công ty quản lý quỹ đã gắn bó lâu năm tại Việt Nam, ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital, xác nhận,Việt Nam vẫn là điểm đến của dòng vốn ngoại. Theo ông Don Lam, những căng thẳng chỉ là nhất thời. Bằng chứng là tại thời điểm mà nhà đầu tư trong nước lo ngại về tình hình Biển Đông sẽ ảnh hưởng tới thị trường, thì khối ngoại vẫn tích cực mua ròng.

Động thái này cho thấy niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Thực tế, Việt Nam đang nhận được cam kết đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) cao nhất trong khối ASEAN và chỉ sau Trung Quốc ở châu Á. Việt Nam đã thu hút được những nhà đầu tư nước ngoài lớn như Intel và Samsung...


Điều này hứa hẹn sẽ đóng góp vào GDP của Việt Nam và hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu. Đó là chưa kể, một khi Việt Nam tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 và tham gia vào các hiệp định thương mại, đây sẽ là những cú hích cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, những yếu tố như dự trữ ngoại hối đã tăng, đồng tiền ổn định và nợ đang giảm đều có giá trị khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam.


Xét riêng về chứng khoán, ông Don Lam đánh giá, cổ phiếu trên TTCK Việt Nam đã tăng nhưng vẫn thấp hơn so với các thị trường khác trong khu vực. Cụ thể, P/E của Việt Nam hiện nay khoảng 13,2 lần, rất hấp dẫn so với mức trung bình 19 lần của khu vực.


Đặc biệt, với chương trình cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (Dung Quất), Công ty Phân bón - Dầu khí Cà Mau và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Don Lam tin tưởng, cơ hội đầu tư đang mở rộng.


Trong đó, những lĩnh vực có tính phòng vệ như thực phẩm, nông nghiệp, giáo dục và dược phẩm... luôn hấp dẫn và rất được giới đầu tư quan tâm.


Nhìn vào diễn biến trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư cũng thấy được mức độ sôi động của dòng vốn ngoại. Tuần từ 16-20/6, riêng sàn TP.HCM, khối ngoại mua ròng liên tiếp 5 phiên. Tính chung cả tuần, khối này mua ròng 27,89 triệu đơn vị, tương ứng 625,46 tỷ đồng, tăng 183,43% về lượng và hơn 469% về giá trị so với tuần trước.


Tương tự, trên sàn Hà Nội, khối ngoại cũng có 5 phiên mua ròng. Một trong những nguyên nhân quan trọng của sự sôi động này là các quỹ ETF đang tái cơ cấu danh mục. Các quỹ ETF vẫn thành công trong huy động vốn ngoại để chờ cơ hội tăng giải ngân vào thị trường Việt Nam. Với kịch bản lạc quan, Công ty Chứng khoán Bảo Việt kỳ vọng, lượng vốn ngoại vào ròng trong năm nay có thể đạt 500 - 600 triệu USD.


Trong tương lai, để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài hơn nữa, các chuyên gia cho rằng, TTCK Việt Nam cần giải quyết một số vấn đề quan trọng như đẩy nhanh hơn nữa quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xác định cụ thể giá trị doanh nghiệp, minh bạch thông tin doanh nghiệp. Đặc biệt, khối ngoại rất mong chờ tỷ lệ cổ phần đưa ra trong các đợt IPO tối thiểu là 30%, lý tưởng nhất là 49 - 51%, chứ chỉ ở mức 5 - 10% như hiện nay sẽ khó cho việc thu hút đầu tư.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á