Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

IPO DNNN: Đừng để cổ phiếu mang đến lại mang về

IPO DNNN: Đừng để cổ phiếu mang đến lại mang về


Đối với tiến trình cổ phần hóa, Nghị quyết 15/2014/NQ-CP ngày 6/3/2014 chưa giải quyết được mối quan tâm của phần lớn NĐT, đặc biệt là các NĐT nước ngoài. Nếu cổ đông nước ngoài vẫn nắm quyền chi phối thì khả năng chuyển đổi mô hình quản trị sẽ gặp khó khăn và không thực hiện được mục tiêu cao nhất đã đề ra.


Từ đầu năm đến nay, nhiều DNNN tiến hành cổ phần hóa nhưng không phải DN nào cũng đấu giá thành công. Phải chăng, nguyên do các cổ phiếu đó định giá khởi điểm không đúng với thực tế nên không hấp dẫn NĐT?


NĐT chọn lựa giữa cũ và mới


Tính đến 23/5, có 31 DN bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) trên sàn Hà Nội và 4 DN trên sàn TP. Hồ Chí Minh, trong đó chỉ có 14 DN đạt tỷ lệ bán hết 100%. Tổng giá trị cổ phần bán được trên cả hai sàn là 1.740 tỷ đồng. Nhìn lại số liệu, Bộ Giao thông - Vận tải có số lượng DN cổ phần hoá nhiều nhất với 9 DN, tiếp đó là 4 Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng.


DN có vốn điều lệ lớn nhất là Công ty TNHH MTV cảng Hải Phòng, vốn điều lệ 3.270 tỷ đồng, tỷ lệ trúng đấu giá 46,95%; đứng thứ hai là Tổng công ty Viglacera, vốn điều lệ 3.070 tỷ đồng, tỷ lệ trúng đấu giá 25,31%. Duy nhất chỉ có Viglacera bán được 10.100.000 cổ phần cho NĐT nước ngoài, chiếm 52% số cổ phần bán được.


Ngoại trừ những điểm sáng đó, còn lại khá nhiều công ty đại chúng có kết quả IPO được coi là không thành công. Có người cho rằng, những công ty đấu giá không thành công có thể là giá khởi điểm chưa hợp lý, hoặc có thể bản cáo bạch chưa rõ ràng… Hay nói cách khác là chưa làm cho NĐT tin tưởng.


Theo đánh giá của ông Oh Kyung Hee, Tổng giám đốc CTCK KIS Việt Nam, những DN có tỷ lệ đấu giá thành công cao là các DN có tình hình tài chính lành mạnh, thông tin minh bạch rõ ràng, hoạt động trong các ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng. Trong khi đó, những DN có tỷ lệ đấu giá thành công thấp, cho dù là các công ty có mức vốn điều lệ lớn, có tên tuổi, nhưng yếu tố nội tại của DN không xuất sắc nên không thu hút được sự quan tâm của NĐT.


Ngoài ra, cũng có thể công ty tư vấn chưa có uy tín hay chưa có đơn vị bảo lãnh phát hành. Thực tế khi cổ phiếu IPO nếu được một CTCK có tầm cỡ bảo lãnh thì NĐT tin tưởng đăng ký mua. Bởi, nếu NĐT mua không hết thì được đơn vị bảo lãnh bỏ tiền ra mua hết và cuộc đấu giá sẽ thành công. Còn các cổ phiếu IPO nếu không bắt buộc phải có công ty kiểm toán chứng thực bản cáo bạch của đơn vị phát hành thì NĐT kém tin tưởng.


Ví dụ, trong cùng một thời điểm, số cổ phiếu bán được qua đấu giá của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5) đạt 13,47% lượng cổ phiếu tung ra đấu giá, với giá đấu thành công bình quân 10.025 đồng/cổ phần. Một mức giá không cao, gần với giá khởi điểm nhưng NĐT mua hy vọng sẽ tăng giá trong nay mai.


Trong khi đó, cũng cùng ngành nghề, nhưng vì không có NĐT tổ chức nào đăng ký mua trong phiên đấu giá 49.742.300 cổ phần tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội với giá khởi điểm là 10.200 đồng/cổ phần, nhưng số lượng cổ phần được mua chỉ chiếm hơn 3% so với tổng khối lượng chào bán. Mức giá đặt mua cao nhất cổ phiếu này nhỉnh hơn giá khởi điểm không bao nhiêu, chỉ 10.800 đồng/cổ phần.


Nhìn sơ qua thì NĐT không có thời gian để tìm hiểu kỹ về Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, nhưng họ có phương pháp so sánh và đối chiếu. NĐT thấy cổ phiếu của Cienco5 được định giá rẻ hơn mà cũng không bán hết 100%, nên cổ phiếu của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội lại định giá khởi điểm cao thì làm sao họ dám bỏ tiền ra mua?


Có điều lạ là những người trong nội bộ của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội biết rõ tình hình kinh doanh, tiềm năng của cổ phiếu này cũng không mạnh dạn đăng ký mua cổ phần. Như vậy, thực chất của vấn đề là định giá không hợp lý, chứ không phải NĐT chán không mua cổ phiếu IPO.


Rõ ràng, nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả IPO những tháng đầu năm không cao là do NĐT đã biết lựa chọn lợi thế giữa chào bán IPO và DN đã niêm yết.


Bên cạnh đó, tiến trình cổ phần hóa dù đang được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa thực sự tạo ra cú đột phá là do vướng mắc trong khâu định giá DN, đặc biệt là đối với các DN quy mô lớn, cơ cấu hoạt động phức tạp và một số DN chưa muốn cổ phần hóa hoặc niêm yết cổ phiếu bởi ý chí chủ quan của ban lãnh đạo DN.


Chia nhóm DN cho hấp dẫn


Trong tình hình NĐT rất dè dặt mua cổ phiếu niêm yết trên sàn, quyết định mua cổ phiếu IPO càng được cân nhắc hơn nữa. Trước đây, khi mua cổ phiếu IPO, NĐT chờ cổ phiếu lên sàn để hưởng chênh lệch giá nên ào ào mua cổ phiếu không cần cân nhắc. Còn trong giai đoạn này, NĐT đòi hỏi nhiều hơn ở DN về cả năng lực lẫn khả năng hoạt động.


Như vậy, thời gian tới, còn rất nhiều DNNN tiến hành cổ phần hóa như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), MobiFone…


Nếu muốn đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, cần xác định mục tiêu cao nhất của cổ phần hóa là tạo ra sức ép, buộc các DN phải chuyển đổi mô hình quản trị, nâng cao tính minh bạch và hoạt động hiệu quả, từ đó tạo động lực thay đổi cho cả hệ thống DN vốn duy trì nhiều bất cập trong thời gian dài như hiện nay.


Bên cạnh đó, theo một chuyên gia của CTCK Rồng Việt, cần có các biện pháp bổ sung như đẩy mạnh công tác truyền thông và gắn liền việc IPO với niêm yết nhằm tạo thanh khoản cho thị trường. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15/2014/NQ-CP ngày 6/3/2014 mở ra hướng đi mới cho việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN.


Tuy nhiên, đối với tiến trình cổ phần hóa, Nghị quyết này chưa giải quyết được mối quan tâm của phần lớn NĐT, đặc biệt là các NĐT nước ngoài khi tỷ lệ cổ phần mà Nhà nước nắm giữ vẫn được các DN quyết định dù quy định không quá 65%. Nếu cổ đông nước ngoài vẫn nắm quyền chi phối thì khả năng chuyển đổi mô hình quản trị sẽ gặp khó khăn và không thực hiện được mục tiêu cao nhất đã đề ra.


Do đó, nên chăng, cần phân chia các DNNN cần cổ phần hóa thành hai nhóm đối tượng: nhóm Nhà nước cần thiết phải nắm quyền kiểm soát và nhóm không cần nắm quyền kiểm soát để có phương án cổ phần hóa thích hợp, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thu hút thêm nguồn vốn đầu tư tư nhân lẫn NĐT nước ngoài…


Quỳnh Vũ


Theo Thời Báo Ngân Hàng




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á