Thị trường chứng khoán ở cả 2 sàn trong những ngày qua tiếp tục trầm lắng, tính thanh khoản cũng ngày càng teo tóp.
Đã qua rồi thời người người "chơi" chứng khoán. Sau một thời gian bị chính thị trường "thanh lọc", nhà đầu tư nay đã chuyên nghiệp hơn, điều này đòi hỏi các sản phẩm cũng phải đa dạng, chất lượng hơn. Tuy nhiên trên thực tế, hàng hóa trên thị trường hiện còn nghèo nàn, cổ phiếu (CP) niêm yết trên sàn chỉ nặng về số lượng khiến tính thanh khoản của thị trường ngày càng teo tóp.
Nhà đầu tư "đu" theo ưu đãi
Chị Nguyễn Thị Bích L., nhân viên một ngân hàng thương mại tại TP HCM, thở phào sau gần 2 năm tài khoản chứng khoán của chị bị "giam" tại Công ty Chứng khoán Tràng An được "tại ngoại". Nguyên nhân do Công ty Chứng khoán Tràng An giải thể nhưng chị L. không hay biết. Phải đợi đến khi công ty này "bán" tài khoản của L. cho một công ty chứng khoán khác quản lý thì chị mới có thể bán được số CP của mình.
Tình trạng lơ là, để tiền bị "kẹt", thậm chí mất tiền như chị L., trong thời gian qua không phải ít. Cơ bản do những người này vốn không hiểu nhiều về chứng khoán, không có ý định đầu tư lâu dài nên chưa quan tâm đến thị trường, đến tài khoản giao dịch.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến hết năm 2013, cả nước có tổng cộng 1,3 triệu tài khoản, tăng hơn 50.000 so với đầu năm. Những tháng đầu năm 2014, thị trường chứng khoán ấm hơn, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cũng khá nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán SJC, thời gian gần đây, chỉ một số công ty chứng khoán uy tín, tiềm lực tài chính mạnh, có nhiều ưu đãi và phục vụ khách hàng tốt thì mới thu hút được nhà đầu tư. Song, đa số họ dịch chuyển tài khoản từ công ty chứng khoán này đến công ty chứng khoán khác chứ không phải lần đầu mở tài khoản giao dịch. Còn ở các công ty chứng khoán èo uột thì nhà đầu tư đóng tài khoản, rút tiền chuyển đi diễn ra khá nhiều.
Ông Phạm Hồng Khôi (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) vừa chính thức chuyển tài khoản của mình từ công ty chứng khoán C. sang công ty chứng khoán K. Ông Khôi giải thích do công ty K. có nhiều ưu đãi hơn về phí giao dịch, chính sách cho vay, đặc biệt là khi cần rút tiền thì đáp ứng ngay. Chuyển tài khoản là việc hết sức bình thường nhưng nó cho thấy sự cạnh tranh khá khốc liệt của các công ty chứng khoán sau thời gian mở cửa tràn lan rồi chết thảm.
Lượng nhiều, chất ít
Hiện có gần 700 mã chứng khoán niêm yết trên cả 2 sàn chính thức, chưa kể gần 150 mã trên sàn Upcom. Tuy nhiên, rất nhiều CP không giao dịch hoặc chỉ giao dịch cầm chừng vài ngàn CP mỗi phiên.
Đặc biệt trên sàn Hà Nội, tỉ lệ CP không giao dịch chiếm đến 1/3; thậm chí nhiều CP trên sàn này có cùng "dòng họ" hay có sở hữu chéo tài sản nhau nên không thu hút nhà đầu tư, như nhóm CP Sông Đà (mã chứng khoán SD)… Chưa kể, hiện giá CP của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường quá bèo bọt. Số CP có thị giá dưới 10.000 đồng chiếm đến gần 1/4 trên sàn TP HCM và 1/3 trên sàn Hà Nội.
"Những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, giá CP chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng đã đành nhưng những doanh nghiệp hoạt động có lãi, giá cũng chỉ tròm trèm mệnh giá, khác xa với trước đây" - ông Huỳnh Anh Tuấn nhận xét.
Giá CP có thể không cao nhưng số lượng CP niêm yết nhiều nên giá trị vốn hóa của thị trường khá cao. Cụ thể, trong những phiên gần đây, giá trị vốn hóa trên thị trường có lúc lên đến gần 950.000 tỉ đồng, trong khi giá trị giao dịch cả 2 sàn chưa đầy 1.000 tỉ đồng/phiên. Điều này cho thấy thanh khoản trên thị trường quá thấp so với giá trị vốn hóa. Chưa kể, nếu đem giá trị giao dịch mỗi ngày chia cho gần 700 CP đang niêm yết thì giá trị giao dịch quá thấp.
TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng chính vì thanh khoản quá kém nên không thể thu hút được các nhà đầu tư tổ chức, các công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia. Điều này tiếp tục làm cho CP chỉ có lượng mà không có chất.
Hạ thấp "đẳng cấp" doanh nghiệp
Tình trạng giá CP bèo bọt, theo TS Lê Đạt Chí, một phần do lãnh đạo nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đến "đẳng cấp" của CP. Ví dụ, thay vì chi trả bằng tiền mặt, họ lại chi trả bằng CP, phát hành CP thưởng. Chính việc chia nhỏ này khiến giá CP giảm, đồng nghĩa với việc "đẳng cấp" của doanh nghiệp cũng bị hạ. Một người chỉ cần vài triệu đồng đã có thể trở thành cổ đông của một công ty thì chỉ tạo thêm "gánh nặng" cho chính doanh nghiệp trong việc chăm sóc nhà đầu tư.
Theo ông Chí, lối thoát cho những nhà đầu tư ít tiền, thay vì đầu tư trực tiếp thì họ có thể đầu tư gián tiếp thông qua việc mua chứng chỉ quỹ.
Theo Người lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét