Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

VCB - Cổ phiếu để dành

VCB - Cổ phiếu để dành


Các chuyên gia phân tích cho rằng, VCB có thể là cổ phiếu “của để dành”, đồng thời khuyến cáo nên nắm giữ. Bởi vì, đây là loại cổ phiếu tốt nhất ngành NH đến thời điểm hiện nay. Không những thế, đây là cổ phiếu chứa đựng đầy tiềm năng mà các NĐT cần lưu ý chọn lựa.


Cho đến thời điểm này, giá cổ phiếu SHB (NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội) đã đi ngang 4 tháng, CTG (NHTMCP Công thương Việt Nam) đi ngang 6 tháng, MBB (NHTMCP Quân đội) cũng đi ngang khoảng 4 tháng… Những diễn biến này khiến cho nhiều NĐT gần như không để ý đến ngành NH. “Đa phần cổ phiếu NH diễn biến tương đối buồn ngủ, giá các cổ phiếu chủ yếu đi ngang. Kiểu diễn biến này khá giống với năm trước khi thị trường tương đối ổn định nhưng giao dịch buồn tẻ, gần như giá cả không biến động nhiều”, một chuyên gia nhận định.


Tuy nhiên trong sự ảm đạm đó, duy nhất mã VCB (NHTMCP Ngoại thương Việt Nam) từ tháng 5/2014 trở lại đây tăng giá khá tốt, từ mức khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu đến nay lên tới khoảng 27.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng hơn 35%. Đây là chuyển động khá tích cực so với nhiều cổ phiếu khác chỉ có mức tăng 10 - 20%.


Các chuyên gia phân tích cho rằng, VCB có thể là cổ phiếu “của để dành”, đồng thời khuyến cáo nên nắm giữ. Bởi vì, đây là loại cổ phiếu tốt nhất ngành NH đến thời điểm hiện nay. Không những thế, đây là cổ phiếu chứa đựng đầy tiềm năng mà các NĐT cần lưu ý chọn lựa.


Theo công bố của VCB, ước tính lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2014 của NH này ở mức 4.033 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay tăng trưởng huy động và tín dụng của VCB lần lượt đạt 17,7% và 10, cho thấy cho vay mở rộng tốt hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, VCB không tạo ra đột biến về lợi nhuận, khi NIM tiếp tục giảm xuống 2,4% so với mức 2,51% của năm 2013.


Các chuyên gia cho rằng, sự sụt giảm của NIM là dễ hiểu, khi VCB đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ưu tiên (chiếm 40% tổng dư nợ), trong khi lãi suất trần áp dụng cho các lĩnh vực này chỉ là 8%/năm. Bên cạnh đó, VCB cho vay các gói lãi suất cạnh tranh để đẩy nhanh tín dụng. Giải ngân tín dụng quý III/2014 tập trung cho khách hàng lớn trong lĩnh vực xăng dầu, dầu khí và một số khách hàng mới trong lĩnh vực bất động sản.


“Chúng tôi nhận thấy, VCB đang chấp nhận cho vay lãi suất thấp để có được khách hàng tốt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngắn hạn, nhưng giúp VCB duy trì được thị phần và chất lượng tín dụng, yếu tố đảm bảo tăng trưởng dài hạn”, một chuyên gia bình luận.


Yếu tố khác là lợi nhuận trước thuế và trước dự phòng của VCB ước đạt 7.533 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí dự phòng ước trích ở mức 3.500 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2014, tăng 15% so với cùng kỳ. Điều này khiến lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức tương đương cùng kỳ 2013. VCB tiếp tục xu hướng dùng nhiều chi phí dự phòng để xóa nợ xấu như đã làm trong giai đoạn 2011-2013, yếu tố này hứa hẹn tạo ra nguồn thu nhập bất thường khả quan trong năm 2014 và các năm tới từ việc phục hồi nợ đã xử lý.


Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh từ 3,06% cuối quý II/2014 về 2,52% cuối quý III/2014, khi VCB kiểm soát tốt nợ nhóm 2, nhóm có rủi ro cao nhất chuyển thành nợ xấu; đồng thời chọn lọc đối tượng cho vay mới. Tín dụng được đẩy nhanh cũng góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu và VCB, cùng với việc bán thêm khoảng 2.400 tỷ đồng dư nợ gốc cho VAMC trong quý III/2014.


Các chuyên gia cũng đánh giá tích cực đối với hoạt động kinh doanh của VCB trong 9 tháng năm 2014 với tăng trưởng khả quan của tín dụng và chất lượng tài sản được kiểm soát tốt. Dự báo tăng trưởng tín dụng lên mức 16-17% cho năm 2014. Nhưng, NIM sẽ thấp hơn 2,5%. Theo đó, giữ nguyên kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của năm 2014 của VCB ở mức 5.634 tỷ đồng. EPS dự phòng là 1.802 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá hiện tại, P/E là 15,1 lần. Đó cũng là lý do các chuyên gia khuyến nghị NĐT nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu này.


Theo Thoibaonganhang




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á