Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Nợ xấu tăng hơn tốc độ xử lý

Nợ xấu tăng hơn tốc độ xử lý


Xử lý nợ xấu là một trong những vấn đề trọng tâm của ngành NH. Nhưng theo NHNN chi nhánh TPHCM, nợ xấu những tháng qua trên địa bàn tăng nhanh, nếu như đầu năm 2014 là 44.700 tỷ đồng, chiếm 4,69% tổng dư nợ, đến cuối tháng 8 tăng lên 50.900 tỷ đồng, chiếm 6,1%. Như vậy, chỉ trong 8 tháng nợ xấu đã tăng 16.200 tỷ đồng với tỷ lệ tăng 1,4%.


Vướng ở khâu thi hành án


Tính theo cơ cấu các TCTD, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính có nợ xấu từ 21-37%, còn tỷ lệ nợ xấu trong các NHTM dao động từ 2-8%. Nếu cơ cấu theo lĩnh vực cho vay, nợ xấu trong lĩnh vực sản xuất chiếm 74,25% tổng dư nợ, lĩnh vực phi sản xuất 25,75%.


Nguyên nhân nợ xấu tăng nhanh do từ 1-6-2014 các NHTM phải thực hiện Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, chỉ riêng tháng 6 tăng 13.800 tỷ đồng, bằng 85% mức tăng nợ xấu 8 tháng.









Một vấn đề gây ra nhiều bức xúc cho các NH là đến nay việc xử lý nợ xấu chủ yếu xuất phát từ sự nỗ lực của ngành NH, trong khi nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu được giao trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương. Do quá đơn độc nên việc xử lý nợ xấu của NH vốn đã khó lại càng khó hơn.



Nợ xấu được đưa ra mổ xẻ từ lâu, nhưng gần đây các chuyên gia lại liên tục bày tỏ lo ngại bởi tốc độ tăng nợ xấu nhanh hơn tốc độ xử lý nợ xấu. 7 tháng đầu năm ngành NH chỉ xử lý được khoảng 40.800 tỷ đồng nhưng rất nhiêu khê.


Để xử lý nợ xấu, NHNN đã đưa ra 5 nhóm giải pháp: Thứ nhất, về cơ chế chính sách dành cho các TCTD như ban hành quy trình, quy chế xử lý tài sản thế chấp, xử lý dự phòng rủi ro; thứ hai, đối với khách hàng dựa vào xếp hạng tín dụng, thẩm định, cơ cấu nợ; thứ ba, cơ cấu nợ, kết nối doanh nghiệp - NH; thứ tư, đối với NHNN như thanh tra, giám sát, phối hợp với các sở ban ngành tập trung xử lý nợ xấu; thứ năm, bán nợ xấu cho VAMC. Tuy nhiên, thực tế hiệu quả của các giải pháp vẫn còn hạn chế.


Còn nhớ trước đây không lâu, các NH rất e ngại khi nhắc đến chuyện nợ xấu, nhưng hiện nay NH bắt đầu cởi mở hơn trong việc công khai nợ xấu và tích cực xử lý. Song khi bắt tay vào xử lý, các NH làm chỗ nào cũng vướng, chẳng hạn như vấn đề xử lý tài sản thế chấp.


Đại diện ACB đã từng kiến nghị về thủ tục xử lý tài sản đảm bảo đối với các khoản nợ xấu, nhất là khâu thi hành án khiến cho nhiều hồ sơ kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được.


Trong cuộc họp mới đây, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, tiếp tục kiến nghị việc xử lý nợ vẫn khó ở khâu thi hành án khiến NH thiếu chủ động, đe dọa đến khả năng tăng trưởng tín dụng. Đây không chỉ là vấn đề bức xúc riêng của ACB mà là điều hầu như NH nào cũng nhắc đến khi báo cáo về tình hình xử lý nợ xấu. Việc nợ quá hạn xử lý chậm và mỗi ngày mỗi tăng kéo dài tạo nên tâm lý “ức chế” đối với khách hàng mới, các NH khi thiết lập quan hệ khách hàng mới thận trọng hơn.


Một chuyên gia kinh tế cho rằng, thủ tục thanh lý, xử lý tài sản đảm bảo liên quan đến luật dân sự, vì vậy muốn giải quyết phải có Nghị quyết của Quốc hội, nếu không sẽ khó gỡ vì bán tài sản thế chấp trải qua quá trình rất phức tạp, con nợ không hợp tác càng phức tạp hơn. Cụ thể trong 40.800 tỷ đồng nợ xấu được xử lý trong tháng 7, bán phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ chỉ đạt 1.560 tỷ đồng.


Hướng đi đã mở nhưng chưa thông


Giải pháp bán nợ xấu cho VAMC có lẽ được kỳ vọng lớn nhất, nhưng đến nay chưa đáp ứng được mong mỏi của NH. Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, một trong những mục đích thành lập VAMC (chưa nói đến việc mua bán nợ) là để giải phóng nợ xấu cho khách hàng để họ vay.


Nhưng thực tế, tài sản thế chấp cho NH đã bán rồi, doanh nghiệp không còn tài sản để thế chấp cũng không vay được. Nhiều NH được hỏi về việc cho vay lại đối với những doanh nghiệp có nợ xấu đã bán cho VAMC đều khẳng định sẽ xem xét tùy theo trường hợp, nhưng NH cũng thừa nhận cho đến thời điểm này vẫn chưa có trường hợp nào được vay lại.


Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Sacombank, cho biết đúng theo quy định sau khi bán nợ, NH phải trích lập dự phòng. Những khoản nợ VAMC mua là những khoản nợ có tài sản đảm bảo và đã được chủ động trích lập dự phòng rủi ro trước đó, nếu bán cho VAMC NH lại trích dự phòng tiếp với mức 20%, điều này giống như việc trích lập 2 lần cho một khoản nợ, gây khó khăn cho các NHTM.


Vị lãnh đạo Sacombank cho rằng, với mức trích lập dự phòng 20% nếu trong tình trạng NH ổn định có thể đáp ứng được, nhưng nếu sắp tới các TCTD có biến động hoặc nợ xấu cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng, vì vậy nên chăng cơ quan quản lý xem xét tỷ lệ trích dự phòng 10% thay vì 20% để các NH có thể cân đối tài chính.


Bởi sau 5 năm nếu khoản nợ xấu đó VAMC không bán được, các TCTD cũng phải tích cực xử lý vì nếu không NH vẫn phải bỏ tiền túi trích lập dự phòng tiếp. Do quá trình xử lý nợ xấu khó khăn, cho đến nay một số NH thừa nhận chưa dám “khui” hết nợ xấu ra để giảm bớt trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến lợi nhuận NH, tâm lý cổ đông.


Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xử lý nợ xấu đang đi đúng hướng, tuy nhiên hướng đi đã mở nhưng lối đi vẫn chưa thông, tức giải pháp đã có nhưng không thể tận dụng được do vướng mắc cách thức thực hiện. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải sớm đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp đối với những giải pháp đang được thực hiện, tạo điều kiện cho NH giải quyết bớt phần nào cục nợ xấu đang tồn đọng.


Phía NHNN cũng cần sớm xem xét đề nghị của các NH, trả lời cụ thể các yêu cầu, đề xuất của NHTM để các NH có định hướng trong việc xử lý nợ xấu. Thí dụ như đề xuất trích lập dự phòng 10% khi bán nợ cho VAMC trước đó mà Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đề xuất nhưng đến nay NHNN vẫn đang nghiên cứu và chưa có câu trả lời.


Theo Saigondautu




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á