Cho dù môi trường kinh doanh đang hết sức khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn quyết định tăng vốn, thậm chí có doanh nghiệp tăng vốn gần 10 lần. Đây là quyết định hết sức quan trọng nhưng không phải nhà đầu tư (NĐT) nào cũng biết mục đích tăng vốn của doanh nghiệp.
Giảm áp lực nợ vay
CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA) vừa có thông báo đã chào bán thành công 19,8 triệu CP với giá 11.000 đồng/CP và thu về hơn 214 tỷ đồng. Theo AAA, số vốn thu được từ đợt phát hành này sẽ được bổ sung vào vốn lưu động và đầu tư cho dự án tại Lào. Trước đó, CTCP Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC) cũng đã công bố hoàn tất việc phát hành thêm 50 triệu CP (tương đương 500 tỷ đồng) để tăng vốn điều lệ lên thành 1.700 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, HQC sẽ dùng số vốn để đầu tư vào các dự án như: Hồ Ngọc Lãm, Hóc Môn, Bình Trưng Đông và An Phú Tây. CTCP Ligico16 (LCG) cũng đã chào bán thành công 20 triệu CP cho 10 NĐT với mức giá trung bình 7.500 đồng/CP. Theo đó vốn điều lệ của LCG tăng từ 562,5 tỷ đồng lên 762,5 tỷ đồng và được doanh nghiệp này bổ sung vào vốn lưu động, giảm phụ thuộc vào nguồn vốn vay.
Ngoài những doanh nghiệp đã phát hành CP tăng vốn thành công, còn có rất nhiều doanh nghiệp đã công bố kế hoạch tăng vốn trong thời gian sắp tới. Chẳng hạn CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (CTI) vừa có thông báo chào bán 18 triệu CP cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP.
Theo đó, CTI sẽ phát hành cho cổ đông hiện hữu 16,5 triệu CP với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP, tỷ lệ 10:11 (sở hữu 11 CP quyền mua 10 CP); phát hành CP để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu 1,5 triệu CP. Như vậy, nếu chào bán thành công vốn điều lệ của CTI sẽ tăng từ 150 tỷ đồng lên 330 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, số tiền này sẽ được CTI dùng để tái cơ cấu nguồn vốn hiện có và bổ sung vào vốn hoạt động kinh doanh. Hay như CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường bàn việc phát hành riêng lẻ CP cho đối tác chiến lược để tăng vốn, nhằm bổ sung ngành nghề kinh doanh là sản xuất linh kiện điện tử, bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử viễn thông.
Doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn khủng nhất tính đến thời điểm hiện nay là trường hợp CTCP Nông dược H.A.I (HAI). Cụ thể, trong kỳ ĐHCĐ tới đây sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thêm 1.020 tỷ đồng để bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh và giảm áp lực nợ vay.
Theo kế hoạch, HAI sẽ phát hành gần 17,4 triệu CP theo tỷ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, HAI sẽ thực hiện phát hành hơn 52,2 triệu CP mới cho cổ đông hiện hữu và chào bán riêng lẻ cho đối tác chiến lược 15 triệu CP. Tổng số vốn điều lệ mới sau các đợt phát hành này là gần 1.020 tỷ đồng trong khi vốn hiện nay của HAI chỉ có 174 tỷ đồng.
Tăng vốn để cấn nợ
Theo Nghị quyết và biên bản ĐHCĐ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản của CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG), các cổ đông đã thông qua phương án phát hành gần 150 triệu CP để cấn trừ nợ và để chuyển đổi trái phiếu. Cụ thể, QCG sẽ phát hành hơn 17 triệu CP để chuyển đổi trái phiếu cho VOF PE Holding 5 Limited (VOF) với giá chuyển đổi 8.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, cổ đông cũng đồng ý với phương án phát hành gần 133 triệu CP cho các chủ nợ của QCG để cấn trừ công nợ và giảm nợ vay với giá 10.000 đồng/CP. Dự kiến nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của QCG sẽ tăng từ hơn 1.300 tỷ lên 2.800 tỷ đồng. Được biết, tại thời điểm 30-6-2014, QCG đang có khoản nợ gần 2.000 tỷ đồng, trong đó có 295 tỷ đồng vay ngắn hạn và 1.680 tỷ đồng vay dài hạn.
Thực tế, trào lưu phát hành CP để cấn nợ được rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, vốn đang chịu rất nhiều khó khăn về hàng tồn kho và nợ, thực hiện trong thời gian gần đây. Có thể kể đến là CTCP Đầu tư địa ốc Khang An (KAC), CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC).
Ngay như HQC, song song với việc phát hành 50 triệu CP mới, doanh nghiệp này còn phát hành thêm 30 triệu CP để cấn trừ nợ cho 3 doanh nghiệp là: CTCP Tư vấn thương mại dịch vụ Hoàng Quân Mê Kông (HQM), CTCP Việt Kiến Trúc, CTCP Xây dựng và Kinh doanh nhà Bình Thuận.
Có thể nói, việc phát hành CP cấn trừ nợ nếu thành công cũng là kỳ tích của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này mang lại nhiều rủi ro cho chủ nợ và cả cổ đông hiện hữu trong tương lai nếu doanh nghiệp vẫn làm ăn không hiệu quả. Chính vì vậy, NĐT thường không mấy mặn mà với các phương án phát hành CP này. Hiện tượng này phần nào được phản ánh qua giá CP của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tăng vốn để mở rộng đầu tư được giao dịch ở mức giá rất cao, trong kinh doanh nghiệp phát hành CP để trả nợ thường chỉ được giao dịch dưới mệnh giá.
Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét