Khủng hoảng kinh tế vĩ mô và tài chính sẽ có những tác động khác nhau. Có nhiều nghiên cứu cho thấy, đôi khi có những tác động do được thổi phồng lên. Nếu chúng ta có “vùng đệm” tốt bằng phòng ngừa rủi ro, bằng chính sách an toàn vĩ mô thì sẽ giảm suy thoái kinh tế.
Lạm phát thấp: cơ hội và thách thức
Tại buổi tọa đàm “Chính sách an toàn vĩ mô và ổn định tài chính” do Vụ Ổn định tiền tệ tài chính (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 14/10, tại Hà Nội, một lần nữa, các chuyên gia đã khuyến nghị cơ quan quản lý và hoạch định chính sách cần phải phòng ngừa rủi ro, ổn định tài chính và an toàn vĩ mô (ATVM) ngay cả khi “sóng yên, biển lặng”.
Ông Mangal Goswani – Phó giám đốc Học viện Đào tạo IMF khu vực Singapore cho biết, chính sách ổn định tài chính và ATVM đã được những nước châu Á sử dụng đầu tiên, trước khi nhiều nước khác ứng dụng. Thậm chí, Chính phủ một số nước đã luật hóa, hoặc ban hành nghị định để thể chế hóa và có đơn vị phụ trách về ổn định tài chính. Và sau mỗi lần khủng hoảng tài chính toàn cầu, các quốc gia này đều nhìn nhận, đánh giá lại về khuôn khổ chính sách của mình.
Trên thực tế, các NHTW bao giờ cũng tập trung trước hết vào những chính sách ổn định tài chính. Ở nhiều quốc gia, chỉ số CPI là cách tư duy về ổn định giá và cơ sở để xác định nền kinh tế đã ổn định hay không, bởi nếu lạm phát cứ tăng thì ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. Chính vì vậy, khi các nước châu Mỹ La Tinh ở thời kỳ lạm phát cao, họ đã phải đấu tranh, đưa ra mức lạm phát mục tiêu và các nhà hoạch định kinh tế phải thực hiện được mục tiêu này.
Có thể thấy, từ năm 2000 - 2006, các NHTW cảm thấy hài lòng với tỷ lệ lạm phát, song có những yếu tố rủi ro khác họ lại chưa quan sát được. “Chẳng hạn, chúng ta từng được chứng kiến bài học khi tỷ lệ lạm phát được kiềm chế thì lãi suất sẽ xuống thấp và mọi người đi vay ngân hàng nhiều hơn. Và đến khi thị trường tín dụng phát triển quá nóng cũng sẽ là thời điểm cho sự bất ổn tài chính hình thành” - ông Mangal Goswani dẫn chứng và cảnh báo: Trong tình hình ở Việt Nam hiện còn tập trung quá mức vào kiềm chế lạm phát, nếu quá cứng nhắc sẽ không tạo được sự linh hoạt trong điều hành chính sách.
Khi lãi suất hấp dẫn và tỷ lệ lạm phát tăng thấp thì có thể là cơ hội thu hút đầu tư và tín dụng tăng trưởng nhanh. Nhưng, NHTW không thể phớt lờ bong bóng tài sản đang hình thành trong giai đoạn này. Cần có công cụ chính sách mục tiêu hơn, trong đó có chính sách ATVM. Đây là mảng vấn đề chính mà NHTW phải quan tâm.
Bảo đảm ATVM: Không thể thiếu vai trò NHTW
Tại sao phải quan tâm tới chính sách ATVM? Ông Mangal Goswani cho rằng, khủng hoảng tài chính xảy ra bao giờ cũng tác động sang kinh tế vĩ mô. Chẳng hạn năm 2008 ở Mỹ, khi nhiều người dân mua nhà, lãi suất tăng lên, khả năng trả nợ khó khăn, nguy cơ mất việc làm tăng, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô.
Khủng hoảng kinh tế vĩ mô và tài chính sẽ có những tác động khác nhau. Có nhiều nghiên cứu cho thấy, đôi khi có những tác động do được thổi phồng lên. Nếu chúng ta có “vùng đệm” tốt bằng phòng ngừa rủi ro, bằng chính sách ATVM thì sẽ giảm suy thoái kinh tế.
Chuyên gia của IMF cũng đưa ra các cấu trúc thể chế hiện hành của chính sách ATVM với 3 mô hình. Mô hình thứ nhất được áp dụng tại Singapore, Cộng hòa Séc, chức năng nhiệm vụ ATVM được giao cho NHTW, quyết định về ATVM do hội đồng ngân hàng quyết định. Mô hình thứ hai được áp dụng ở Anh, chức năng nhiệm vụ ATVM được giao cho một đơn vị thuộc NHTW. Ở mô hình thứ ba, chức năng nhiệm vụ ATVM được giao cho một cơ quan ngoài NHTW, ngân hàng có đại diện tham gia vào ủy ban ATVM. Mô hình này đang được áp dụng ở Pháp, Mỹ, Úc.
Tại Malaysia, luật giao quyền lực rộng cho NHTW để đảm bảo ổn định tài chính. Bao gồm các quyền lực rộng trong việc thu thập thông tin phục vụ đánh giá rủi ro cho mục tiêu ổn định tài chính. Luật này cũng cho phép NHTW Malaysia phối hợp hiệu quả với các cơ quan quản lý liên quan. Quyền lực được giao cho ủy ban ổn định tài chính do thống đốc làm chủ tịch, thành viên gồm phó thống đốc và 3 - 5 thành viên đại diện của Bộ Tài chính.
Hay như mô hình thể chế ổn định vĩ mô của Hàn Quốc, với ủy ban tài chính và kinh tế vĩ mô được thành lập vào tháng 7/2012. Ủy ban bao gồm đại diện của Bộ Chiến lược và Tài chính, NHTW, Ủy ban dịch vụ tài chính và cơ quan giám sát dịch vụ tài chính.
Theo ông Mangal Goswani, các rủi ro đối với ổn định tài chính ở các thị trường đang phát triển có thể xảy ra khi thắt chặt đột ngột hoặc mạnh hơn dự kiến của điều kiện tài chính toàn cầu là một rủi ro chính. Bên cạnh đó, căng thẳng tài chính ở khu vực DN sẽ ảnh hưởng đến khu vực NH do việc rút tiền gửi cho nhu cầu vốn của DN tăng mạnh. Và trong nội tại một quốc gia tăng trưởng tín dụng cao, định giá sai rủi ro tín dụng và mức đòn bẩy cao là nguy cơ rủi ro khi điều kiện toàn cầu thay đổi.
Theo Thời báo Ngân hàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét