Hàng loạt ông lớn Nhà nước lắm tài nguyên và lợi thế đang "trông chờ" vào những đồng tiền từ các đại gia tư nhân để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa cũng như thoái vốn ngoài ngành.
Tư nhân vào cuộc
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho thấy, đã có tới 90% cổ phần phiên đấu giá phát hành ra công chúng lần đầu (IPO) của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) được bán thành công.
Không có diễn biến bất ngờ tại phiên đấu giá này, bởi số cổ phần bán thành công cũng chính bằng số cổ phần được đăng ký mua và giá đấu bằng giá khởi điểm: 11.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, xem xét kỹ có thể thấy, Vinatex đã "ế" hơn 11 triệu cổ phiếu (trong tổng cộng gần 122 triệu cổ phần được đưa ra đấu giá) cho dù có tới 30 NĐT nước ngoài tham gia mua trọn hơn 55 triệu cổ phiếu và 3 CTCK đặt mua với khối lượng lớn. Số cổ phần ế có thể sẽ lớn hơn nhiều nếu trước đó, Vinatex không "gặp" được 2 NĐT chiến lược trong nước.
Hai đại gia tư nhân là "ông lớn" BĐS Vingroup và VID Group đã quyết định mua toàn bộ 120 triệu cổ phần - toàn bộ số lượng cổ phần Vinatex dành cho cổ đông chiến lược. Trong đó, Vingroup (VIC) mua 50 triệu cổ phần (tương ứng 10% vốn) và VID mua 70 triệu cổ phần tương đương 14% vốn.
Kết quả IPO Vinatex cho thấy thực tế: Việc thoái vốn ở các DNNN không hề dễ dàng, bất chấp Vinatex là một DN hàng đầu ngành dệt may.
Gần đây, Tổng Công ty Dầu Thực vật Việt Nam (Vocarimex) cũng đã bán gần 80 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá và bán cho NĐT chiến lược. Tuy nhiên, IPO cũng không gây được tiếng vang dù Vocarimex đang sở hữu những thương hiệu dầu ăn khá nổi tiếng và chiếm khoảng 20-25% thị phần cả nước. Tập đoàn Kinh Đô (KDC) và CTCK VPBank (VPBS) được chọn là đối tác chiến lược, mua lần lượt 24% và 8% cổ phần.
Hồi giữa tháng 9, Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) cũng đã có một phiên IPO thành công. 31 triệu cổ phần (tương đương 23,65%) có giá gần gấp đôi so với giá khởi điểm, trong đó một NĐT đặt mua tới 99% số lượng cổ phần chào bán. SASCO cũng bán 23,6% cho 3 NĐT chiến lược thuộc Tập đoàn Imex Pan Pacific của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là IPP (16% vốn), Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh DAFC (5% vốn) và Thời trang Mỹ phẩm châu Âu ACFC (2,6% vốn).
Nhiều tập đoàn nhà nước thoái vốn tại các ngân hàng, như SHB hay ABBank... đều nhắm tới đối tượng người mua chính là các đại gia đang là cổ đông của chính các nhà băng này.
Trong nửa đầu năm 2014, Cienco 8 cũng đã tìm được 3 đối tác chiến lược trong nước là Cầu đường Long Biên, PV và Chứng khoán VCBS. Tuy nhiên, DN này có thể sẽ mời gọi các NĐT chiến lược tiếp tục mua số cổ phần bị ế.
Đại gia nội thống trị IPO khủng
Có thể thấy, thời gian gần đây, đại gia nội đang là cứu cánh trong rất nhiều vụ cổ phần hóa hay thoái vốn ngoài ngành của các DNNN. Nhiều "ông lớn" nội đã ồ ạt tung tiền mua cổ phần chiến lược hoặc chi phối các vụ IPO.
Vợ chồng doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn. |
Vấn đề đặt ra là: tại sao các NĐT nội sẵn sàng bỏ tiền để mua cổ phần của các ông lớn Nhà nước làm ăn không mấy hiệu quả, trong khi khối NĐT nước ngoài gần đây tỏ ra rất dè dặt? Các đại gia nội xoay xở đâu ra tiền để liên tục chi cho các thương vụ mua bán như vậy?
Với trường hợp Vinatex, tập đoàn có các công ty con thuộc tốp 10 DN xuất khẩu lớn nhất Việt Nam như Việt Tiến, May 10, Đức Giang, Phong Phú... , có hệ bán hàng rộng lớn khắp cả nước. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của Vinatex lại rất thấp, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 5-6%.
SASCO, trong khi đó, gần như độc chiếm các dịch vụ ở sân bay Tân Sơn Nhất và đang sở hữu một quỹ đất có quy mô rất lớn nhưng tỷ suất sinh lời cũng thấp, quanh mức 10% và tốc độ tăng lợi nhuận cũng chỉ 5%. Tình trạng này cũng diễn ra ở khối các ngân hàng, các DN BĐS và xây dựng trong vài năm gần đây.
Như vậy, việc các đại gia đổ tiền vào "ông lớn" Nhà nước kém hiệu quả hẳn phải có lý do khác.
Với đại gia Jonathan Hạnh Nguyễn việc thâu tóm SASCO có lẽ là điều dễ hiểu. |
Với đại gia Jonathan Hạnh Nguyễn - bố chồng của nữ diễn viên Tăng Thành Hà, việc thâu tóm SASCO có lẽ là điều dễ hiểu. Ông trùm trong lĩnh vực hàng hiệu này chắc chắn thấy được tiềm năng của việc kinh doanh cửa hàng miễn thuế tại sân bay - vốn tạo ra nguồn thu quan trong cho SASCO nhiều năm qua.
Vinatex, thì mang lại giá trị to lớn cho lĩnh vực thời trang và thương mại điện tử mà Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang dày công xây dựng.
Điều quan trọng mà nhiều NĐT trong nước quan tâm: các DNNN như SASCO hay Vinatex... đều sở hữu những giá trị thương hiệu vô hình và quỹ đất rất lớn, một nguồn lực lớn nhiều khi không được tính toán hết được giá trị thực tế. Nhất là khi, các tổ chức tài chính đánh giá DN chủ yếu dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh. Hiện tại, Vinatex có quỹ đất lên tới hơn nửa triệu mét vuông.
Bên cạnh đó, khi trở thành NĐT chiến lược, các đại gia thường đàm phán để có thêm những lợi ích khác trong quá trình điều hành DN. Các điều khoản về giá cả, quyền lợi, trách nhiệm... thông thường không được công bố. Đó là sự thỏa thuận giữa đại diện các DN bán và các đại gia bên mua.
Sự dư thừa đồng tiền giá rẻ trong hệ thống ngân hàng cũng có thể là lý do diễn ra làn sóng các đại gia nội tung tiền khủng mua cổ phần DNNN. Việc nới lỏng các điều kiện thoái vốn theo Quyết định 51/2014 cũng có thể giúp quá trình cổ phần hóa và thoái vốn diễn ra nhanh hơn. Các tập đoàn sẽ không phải chịu áp lực thoái vốn có lời, thoái vốn tối thiểu bằng mệnh giá...
Theo Vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét