Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Vượt thu 53.300 tỷ đồng, đề nghị giữ nguyên mức bội chi

Vượt thu 53.300 tỷ đồng, đề nghị giữ nguyên mức bội chi


Ngày mai (30/10), Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.


Mặc dù ngân sách năm 2014 vượt thu hơn 53.300 tỷ đồng, nhưng Bộ Tài chính vẫn đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên mức bội chi tương đương 5,3% GDP, số tiền vượt thu dành để chi cho một số lĩnh vực, khoản chi cần thiết, cấp bách.


Đồng tình với đề nghị của Bộ Tài chính, song ông Phùng Văn Hùng, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, phải rà soát chặt chẽ lại các khoản chi và chỉ chi cho những khoản cần thiết và cấp bách mà chưa có nguồn.


“Luật Ngân sách Nhà nước quy định phải dành tối thiểu 30% tiền vượt thu để giảm bội chi, nhưng trong bối cảnh ngân sách còn nợ nhiều khoản chưa chi vì chưa có nguồn, năm nay ngân sách “dư dả” đôi chút cũng nên dành một phần để thanh toán các khoản đã có chính sách, chế độ, nhưng chưa có tiền để chi, nhưng dứt khoát phải dành một phần để trả nợ vì nợ công của chúng ta đang tiến dần tới ngưỡng thiếu an toàn theo khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế”, ông Hùng đề xuất.


Theo quy định, toàn bộ phần đi vay nợ phải dành để chi đầu tư phát triển. Nhưng có nhiều đại biểu Quốc hội nghi ngờ rằng, trong số vay nợ có một phần dành để chi thường xuyên. Mặc dù không khẳng định có hay không vay nợ để chi thường xuyên, song ông Hùng vẫn kiên quyết quan điểm phải dành một phần vượt thu thích đáng để trả nợ.


“Chưa xác định có hay không việc vay nợ để chi tiêu thường xuyên, nhưng chắc chắn, nợ nần của chúng ta rất lớn, trong những năm vừa qua ngân sách không trả nợ được do nguồn thu chỉ đủ chi tiêu nên chúng ta buộc phải vay nợ mới để thanh toán nợ cũ (đảo nợ). Vấn đề đảo nợ đã bị Quốc hội “thổi còi”, yêu cầu phải giảm cơ cấu lại nợ theo cách thức này”, ông Hùng nhắc lại.


Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất, nên sử dụng một phần số tăng thu để giảm bội chi về mức 5% GDP hoặc thấp hơn, làm tiền đề để đưa bội chi về mức 4,5% vào năm 2015 theo yêu cầu của Quốc hội.


“Trong cân đối ngân sách, ai cũng muốn giảm bội chi, nhưng trong điều kiện chúng ta còn nhiều khoản đã có cơ chế, chính sách mà chưa có nguồn chi, muốn chi thì bắt buộc phải gia tăng vay nợ. Giảm được bội chi, nhưng nợ công lại tăng thì tổng cân đối ngân sách cũng không khác gì”, ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách phát biểu.


Qua làm việc tại nhiều địa phương, ông Chiểu cho rằng, số thu năm nay có khả năng cao hơn số dự kiến của Bộ Tài chính.


“Dự toán ngân sách năm nay là 782.700 tỷ đồng, Bộ Tài chính dự kiến thu đạt 801.000 tỷ đồng, sau khi cộng tất cả các khoản thu khác thì ngân sách năm nay dự kiến thu vượt dự toán 53.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi đi làm việc thực tế tại nhiều địa phương, đặc biệt là địa phương có số thu lớn như TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… tôi được biết, trong 9 tháng đầu năm số thu từ địa phương tăng rất mạnh. Đơn cử như TP.HCM, dự toán ngân sách giao thu 242.000 tỷ đồng, nhưng qua 9 tháng đầu năm đã thu được 224.000 tỷ đồng, nếu không có đột biến, thì năm nay TP.HCM sẽ vượt thu hàng chục ngàn tỷ đồng. Còn trong cả nước, số thu năm nay chắc chắn sẽ vượt 846.000 tỷ đồng”, ông Chiểu phát biểu.


“Tôi cũng muốn giảm bội chi xuống dưới 5,3% GDP, tuy nhiên, trong khi còn nhiều khoản chi đã có cơ chế, chính sách nhưng chưa chi, chi chưa đủ, nếu không thực hiện sẽ bị mất lòng tin với xã hội, vì chúng ta đã hứa chi mà không chi”, ông Chiểu nói thêm.


Ông Trần Xuân Hòa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng bày tỏ sự đồng tình với việc giữ nguyên mức bội chi, hoặc nếu có thể giảm thì giữ ở mức hợp lý.


Lập luận mà ông Hòa đưa ra để bảo vệ quan điểm của mình là, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động đang có xu hướng gia tăng là do sức cầu yếu. Vì thế, để nâng sức cầu, mọi thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là ngân sách nhà nước cần thiết phải tăng chi cho đầu tư cũng như chi tiêu cơ bản cho cuộc sống, sản xuất, kinh doanh hàng ngày.


Theo Stockbiz




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á