Những chuyển biến của ngành bất động sản được thể hiện rõ nét hơn trong những tháng cuối năm, kéo theo triển vọng kết quả kinh doanh của ngành này trong quý cuối năm khá sáng sủa. Ngoài phân khúc trung bình thấp, các căn hộ phân khúc cao cấp khu vực nội thành, đặc biệt tại trung tâm Hà Nội, được giao dịch khá nhộn nhịp.
Xu hướng giảm mặt bằng lãi suất cũng có tác động tích cực, giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng lãi vay và khách hàng mạnh dạn hơn trong việc vay vốn ngân hàng mua nhà. Thông thường, các CP được NĐT chú ý nhiều nhất là của những doanh nghiệp có hoạt động ổn định với EPS cao, cổ tức hấp dẫn và dự báo tăng trưởng khả quan trong năm 2015.
Đặc biệt các doanh nghiệp đang trải qua quá trình tái cơ cấu, tài sản rẻ. Mặc dù vậy, kế hoạch và lộ trình phát hành tăng vốn điều lệ có phần “gấp gáp” của các doanh nghiệp bất động sản có thể sẽ ảnh hưởng đến đà tăng của nhóm CP này trong thời gian tới.
Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), ngành thép có thể sẽ thu hút dòng tiền trong thời gian tới. Số liệu thống kê cho thấy trong 9 tháng, các công ty ngành thép (ngoại trừ HPG được xếp vào đầu tư đa ngành) đang là một trong những ngành có diễn biến về giá CP kém tích cực nhất kể từ đầu năm 2014 đến nay.
Điều này một phần xuất phát từ diễn biến giá nguyên liệu đầu vào không thuận lợi đã khiến các công ty có tính đầu cơ nguyên liệu cao chịu tổn thất. Bên cạnh đó, bối cảnh cạnh tranh của thị trường thép trong nước cũng khiến đầu ra của các công ty gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, BVSC vẫn đánh giá cao các doanh nghiệp trong ngành đã thực hiện tái cơ cấu, giảm thiểu tính đầu cơ nguyên liệu, tập trung nâng cao năng lực sản xuất và đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ qua kênh xuất khẩu.
Con số tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu kết hợp với yếu tố điều chỉnh tỷ giá giúp triển vọng của một số ngành có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu lớn tăng trưởng trong nửa cuối năm 2014. Trong đó, có thể kể đến dệt may hay nông, thủy sản. Bên cạnh đó, các thông tin về tiến trình đàm phán FTA sẽ là yếu tố hỗ trợ, thu hút dòng tiền đầu tư vào ngành này.
Đây được xem là các ngành đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam trong các năm tới. Sau giai đoạn tăng trưởng khá ấn tượng về giá và nhịp CP điều chỉnh ngắn hạn trong cuối quý III và quý IV, những nhóm CP này vẫn được xem là cơ hội tích lũy cho NĐT.
Sau thời gian khó khăn vì sự sụt giảm doanh thu từ hệ điều trị (ETC) do ảnh hưởng của quy định đấu thầu mới, các doanh nghiệp dược sẽ lấy lại những gì đã mất ở những tháng cuối năm khi thị trường thuốc chuyển sang mùa cao điểm của thị trường OTC (thuốc không cần kê toa).
Thêm vào đó, trên cơ sở việc mở rộng OTC tiếp tục phát huy hiệu quả, giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng kết quả kinh doanh của các công ty dược niêm yết, đặc biệt là các công ty lớn sẽ cải thiện tích cực trong 2 quý cuối năm. Và ngành hưởng lợi trực tiếp từ diễn biến tích cực của TTCK chính là chứng khoán. Được hỗ trợ từ sự ổn định và đà hồi phục của kinh tế vĩ mô thể hiện qua tăng trưởng GDP, chỉ số PMI, chỉ số sản xuất công nghiệp...
TTCK đang và được dự báo sẽ tiếp tục đà hồi phục cả về điểm số lẫn thanh khoản, tạo đà tăng trưởng mạnh cho các CTCK. Các CTCK top đầu thị phần môi giới và có danh mục tự doanh hiệu quả sẽ có nhiều triển vọng tăng trưởng trong cả năm 2014 và dự báo sẽ tạo nhiều đợt sóng nhất từ nay đến hết năm 2014.
Theo Sài Gòn Đầu Tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét