Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Điều hành của NHNN đã có tính thị trường

Điều hành của NHNN đã có tính thị trường


Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, hiện nay, trong điều hành của NHNN đang hướng theo kinh tế thị trường và do cung cầu trên thị trường tín dụng quyết định. Nếu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, có nhu cầu về tín dụng thì có thể các NHTM tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.


Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ nên nới mức lạm phát một chút để hỗ trợ tăng trưởng. Ông có đồng tình với ý kiến này?


Thực ra, về mặt lý thuyết, trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô bao giờ nhà quản lý cũng mong muốn lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế thì mới tạo được sự tăng trưởng thực sự. Chúng ta là một nước đang phát triển và đến bây giờ, nền kinh tế vẫn chủ yếu phải “sống” bằng đầu tư.


Khi mà tăng trưởng dựa trên đầu tư thì phải đẩy vốn ra và dẫn tới tăng lạm phát. Tuy nhiên, theo tôi ở thời điểm này cũng nên quan tâm tới sự hài hòa giữa tăng trưởng và lạm phát. Ví dụ như năm 2012, lạm phát là 6,04% nhưng nếu trừ đi giá từ điều chỉnh giá dịch vụ, y tế, giáo dục khoảng 3% thì lạm phát thực chỉ còn hơn 3%.


Tôi phân tích như vậy để thấy rằng, nếu lạm phát ở mức thấp mà kéo dài như hiện nay thì động lực cho nền kinh tế, hay nói cách khác nền kinh tế “du di” về tăng trưởng sẽ khó hơn. Vì vậy, chúng ta cần chọn thời điểm nào đó để cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát, đảm bảo đời sống xã hội.


Nhiều doanh nghiệp (DN) muốn Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn bằng miễn, giảm thuế có nên không thưa ông?


Thời gian vừa qua Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách thuế hỗ trợ DN. Theo tôi, chúng ta đã làm khá tốt ở mặt quản lý Nhà nước. Còn lại một số việc cần hỗ trợ DN trong thời gian tới là đẩy mạnh cải cách trong bộ máy Nhà nước để bộ máy hành chính công phục vụ tốt hơn cho DN và người dân, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh tốt hơn. Bởi theo như báo cáo về tình hình ngân sách của Chính phủ thì ngân sách của chúng ta còn nhiều lĩnh vực phải sử dụng đến, nên tiếp tục kêu gọi miễn, giảm thuế cho DN nữa sẽ rất khó khăn cho việc bảo đảm hiệu lực quản lý Nhà nước, cũng như trách nhiệm phát triển chung cho cả nền kinh tế của Chính phủ.




Hạ trần lãi suất huy động phải hài hòa với CSTT


Vậy, nhìn nhận của ông về việc DN đề nghị NH tiếp tục điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay?


Các NH đã, đang tự điều tiết, cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí huy động để giảm lãi suất cho vay. DN đòi hỏi tiếp tục giảm lãi suất thì áp lực này liên quan đến cả quản lý Nhà nước và quản trị DN. Về quản lý Nhà nước, nếu NHNN tiếp tục hạ trần lãi suất huy động xuống thì phải cân đối hài hòa trong điều hành chính sách tiền tệ. Với lạm phát như hiện nay, nếu NHTM tiếp tục giảm lãi suất huy động xuống thấp nữa thì liệu có huy động được tiền gửi tiết kiệm không? Nếu không tính toán cẩn trọng người dân không gửi tiền ngân hàng mà quay sang các phương thức dự trữ nào khác thì lại đẩy khó khăn cho chính sách tiền tệ. Vì vậy, theo tôi NHNN cũng sẽ vẫn phải lắng nghe thị trường.


Hiện nay, trong điều hành của NHNN đang hướng theo kinh tế thị trường và do cung cầu trên thị trường tín dụng quyết định. Nếu các DN sản xuất kinh doanh hiệu quả, có nhu cầu về tín dụng thì có thể các NHTM tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.


Xin cảm ơn ông!


Theo Thời báo Ngân hàng




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á