Luật NSNN hiện hành quy định bội chi NSNN là bội chi ngân sách trung ương (NSTW) và được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và ngoài nước. Chi NSNN bao gồm chi trả nợ gốc và lãi các khoản tiền do Chính phủ vay, bội chi NSNN bao gồm toàn bộ các khoản vay để bù đắp chênh lệch thu, chi NSNN.
Như vậy, phần vay được phản ánh 2 lần trong chi ngân sách: Lần thứ nhất sử dụng nguồn vay để chi, lần thứ hai chi trả nợ gốc khi đến hạn. Do đó, mức bội chi NSNN của Việt Nam thường cao hơn so với phương pháp tính bội chi ngân sách theo thông lệ quốc tế.
Để phản ánh đúng bản chất các khoản vay, phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường tính minh bạch, tạo điều kiện hội nhập tốt hơn cũng như tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước, dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) quy định: Bội chi NSNN là bội chi NSTW, được xác định bằng chênh lệnh giữa tổng chi NSTW và tổng thu NSTW, chi NSTW chỉ bao gồm chi trả nợ lãi.
Đồng thời, để đảm bảo nguyên tắc cân đối ngân sách lành mạnh và phản ánh đầy đủ bội chi ngân sách, dự thảo Luật NSNN (khoản 3 Điều 7) quy định: Bội chi NSTW được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và ngoài nước (phần chênh lệch giữa số vay trừ đi chi trả nợ gốc) và quy định rõ bội chi NSTW được xác định trên cơ sở chi NSTW, bao gồm chi đầu tư từ nguồn công trái, trái phiếu Chính phủ cho lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, thuỷ lợi...
Đối với khoản vay về cho vay lại tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành (không tính vào bội chi ngân sách) vì đây là khoản vay đã xác định được nguồn để trả nợ, đối tượng nhận vay chủ yếu là các doanh nghiệp.
Với điều chỉnh phạm vi tính như trên, bội chi NSNN năm 2014 ở mức 6,3% GDP, cao hơn 1% so với số bội chi đã trình ra Quốc hội trong dự toán NSNN năm 2013. Song theo Bộ Tài chính, đây chỉ là vấn đề phương pháp tính toán (đưa thêm trái phiếu Chính phủ hiện nay đang để ngoài theo dõi riêng không tính vào bội chi NSNN), nên không thay đổi về mức dư nợ Chính phủ và ảnh hưởng đến an ninh tài chính.
Với quy định này, việc vay nợ sẽ được quản lý, giám sát chặt chẽ, bội chi NSNN trong những năm tới sẽ phấn đấu giảm dần, đảm bảo các mức dư nợ Chính phủ, dư nợ quốc gia, dư nợ công trong giới hạn an toàn cho phép.
Bội chi sẽ tăng, sau đó giảm dần
Cho ý kiến về quy định này, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật) cho biết, trong Thường trực Ủy ban hiện vẫn có hai loại ý kiến.
Đa số ý kiến thống nhất với phương án Chính phủ trình, có nghĩa bội chi NSNN là bội chi NSTW. Theo đó, sẽ chỉ tập trung vào việc theo dõi, quản lý, giám sát việc hụt thu NSTW hàng năm để có giải pháp điều hành ngân sách các năm tiếp theo. Đồng thời, nhất trí bỏ khoản chi trả nợ gốc các khoản vay của Chính phủ khi tính bội chi NSNN để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, còn có ý kiến cho rằng, việc quy định ngân sách địa phương (NSĐP) không được phép bội chi, nhưng ngân sách cấp tỉnh lại được phép vay, huy động vốn trong nước để đầu tư, về mặt bản chất kinh tế, đây là bội chi của NSĐP. Do vậy, đề nghị cân nhắc quy định về bội chi NSĐP để thực hiện hạch toán đúng khoản vay này của chính quyền địa phương. Mức bội chi NSĐP do Hội đồng nhân dân quyết định nhưng không vượt quá mức dư nợ các khoản vay của chính quyền địa phương theo quy định.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến quy định mới này sẽ tác động đến bội chi NSNN như sau: Năm 2013, bội chi NSNN tăng từ mức 5,45% GDP tính theo quy định của Luật NSNN hiện hành, lên mức 5,7% GDP (tăng 0,25% GDP) nếu tính theo quy định của Luật NSNN (sửa đổi).
Tương tự năm 2014 bội chi NSNN tăng lên ở mức 6,9% GDP (tăng thêm 1,6% GDP), chủ yếu do năm 2014 thực hiện phát hành trái phiếu chính phủ ở mức cao; năm 2015- 2016 dự kiến bội chi NSNN tính theo quy định của Luật NSNN (sửa đổi) sẽ ở mức 5,4% GDP và 4,2% GDP.
Theo Vfpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét