Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 28/10 của các công ty chứng khoán.
NBS: Khuyến nghị mua vào
CTCP APEC (APS)
Chúng tôi định giá mỗi cổ phiếu của NBS ở mức 48,500 đồng. Giá hiện tại của NBS trên sàn giao dịch là 17,300 đồng do đó chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư mua cổ phiếu này với tầm nhìn đầu tư 2 năm.
* Điểm nổi bật:
NBS có vị thế độc quyền kinh doanh bến xe tại tỉnh Nghệ An. Hiện Công ty đang quản lý và khai thác 14 trong tổng số 15 bến xe trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Công ty còn kinh doanh cho thuê khách sạn, nhà nghỉ, văn phòng, kiốt và dịch vụ ăn uống tại các bến xe do mình quản lý. Sự độc quyền này đảm bảo cho NBS lợi nhuận bền vững trong rất nhiều năm tới.
NBS có tiềm năng phát triển nhanh, ổn định và an toàn. Công ty có tốc độ tăng trưởng ít nhất là tương đương với ngành dịch vụ vận tải hành khách tuyến cố định. Với
điều kiện kinh tế xã hội và cớ sở hạ tầng tại Việt Nam, hình thức vận tải này đã phát triển rất nhanh trong những năm qua và sẽ tiếp tục mở rộng ở tốc độ cao trong nhiều năm tới.
NBS có tình hình tài chính rất an toàn và ổn định. Công ty không dựa vào vốn vay ngân hàng do đó đã tạo ra cơ cấu tài chính vững chắc và dòng tiền ổn định. Với việc lãi suất ngân hàng hạ thấp, Công ty sẽ được hưởng lợi khi sử dụng nguồn vốn vay để tài trợ cho các dự án đầu tư mở rộng của mình.
* Điểm hạn chế:
Hiện nay, cổ phiếu NBS có tính thanh khoản rất thấp và gần như không có giao dịch. Do đó không dễ để mua được cổ phiếu này. Tuy nhiên với việc cổ đông lớn là SCIC sắp thoái vốn, vấn đề này sẽ được giải quyết.
LCG: Khuyến nghị mua với tầm nhìn đầu tư 1 năm
CTCP APEC (APS)
Khuyến nghị: Chúng tôi tiếp tục đưa ra khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu LCG với mức giá mục tiêu 15,000 đồng, tương đương mức lợi nhuận 67% với tầm nhìn đầu tư 1 năm.
* Điểm nhấn đầu tư:
Chịu ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết ở các khu vực thi công, trong quý 3 năm 2014, doanh thu dịch vụ xây dựng, mảng kinh doanh mang lại phần lớn doanh thu và lợi nhuận cho LCG không đạt kết quả như mong đợi. Chỉ ghi nhận khoảng 300 tỉ đồng doanh thu và hơn 3 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý này, LCG đạt doanh thu 736.2 tỉ
đồng và lợi nhuận sau thuế 13.7 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm. Ngoài hiệu quả hoạt động, yếu tố quan trọng đóng góp vào sự cải thiện về lợi nhuận của LCG trong kì là việc giảm gánh nặng từ khoản trích lập dự phòng ở dự án nhà máy nhiên liệu sinh học. Chúng tôi cho rằng, mặc dù khó hoàn thành mục tiêu về doanh thu trong năm 2014, đây cũng là một kết quả khá tích cực đối với LCG. Năm 2016 được coi là điểm đột biến trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
LCG đang thực hiện tái cấu trúc các khoản mục đầu tư. Song song với việc thoái vốn ở các công ty con, công ty liên kết, công ty cũng đang chuyển nhượng các dự án bất động sản chậm mang lại dòng tiền, chuyển đổi hình thức đầu tư (từ xây dựng sang bán đất nền) ở một số dự án khác. Dòng tiền từ các hoạt động trên được LCG dùng tài trợ cho các dự án trọng điểm trong năm (dự án Formosa) và các năm tới (dự án BOT-Quốc lộ 38).
Quý 3 năm 2014, LCG đã thực hiện thành công việc phát hành 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Với 150 tỉ đồng thu được chủ yếu từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, LCG sẽ bổ sung vốn lưu động (80 tỉ đồng) và tài trợ cho dự án Khu dân cư Hiệp Thành (70 tỉ đồng). Mặc dù chịu hiệu ứng pha loãng cổ phiếu, công ty vẫn phát hành thành công chứng tỏ các nhà đầu tư đánh giá cao khả năng phục hồi của LCG.
VTH: Khuyến nghị mua vào
CTCK FPT (FPTS)
VTH đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn so các doanh nghiệp cùng ngành, với mức ROE và ROA trung bình trong 3 năm qua lần lượt là 16,1% và 14,6%. Ngoài ra, Việt Thái cũng không có nợ vay và các chi phí quản lý doanh nghiệp và bán hàng cũng được kiểm soát tốt nên tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu của VTH ở mức 3,35% cao hơn mức trung bình ngành 2,4%.
Do hoạt động hiện tại của VITHACO đang trong giai đoạn ổn định và kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm, tôi ước tính lợi nhuận sau thuế 2014 sẽ đạt 16,5 tỷ tăng 18,7% so với cùng kỳ và hoàn thành 102% kế hoạch, tương đương với EPS 2014 (E) là 3.300 VNĐ/cp. Sử dụng phương pháp P/E để định giá VTH với mức P/E trung bình ngành là 6.1x, mức giá hợp lý cho VTH là 20.100 VNĐ/cp tăng 48,9% so với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên (29/10/2014) 13.500 VNĐ/cp. Do vậy, tôi khuyến nghị MUA VTH trong ngắn hạn.
Kết quả kinh doanh năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014: trong năm 2013 doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Việt Thái lần lượt đạt 418 tỷ (+10% so với cùng kỳ năm ngoái) và 13.9 tỷ (+9,88% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong 6 tháng đầu năm 2014, VTH cũng đạt kết kinh doanh khả quan với doanh thu đạt 256,6 tỷ (+48% so với cùng kỳ năm ngoái, 58,7% kế hoạch 2014) và lợi nhuận sau thuế đạt 8,5 tỷ (+10% so với cùng kỳ năm ngoái, 52,5% kế hoạch 2014).
Dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực cung cấp dây nhôm Þ 9,5mm, với công suất hiện tại 10.000 tấn nhôm dây hằng năm. Với đầu ra đảm bảo từ CADIVI, tỷ trọng doanh thu mảng nhôm dây tăng mạnh từ 53,0% trong năm 2012 lên 80,1% trong 6 tháng đầu 2014.
Thương hiệu dây và cáp VITHACO dần có chỗ đứng trên thị trường: tuy thương hiệu dây và cáp điện Việt Thái vẫn còn mới trên thị trường, nhưng với chất lượng đảm bảo và nỗ lực của BLĐ, sản phẩm của VITHACO ngày càng được nhiều người biết đến. Doanh thu dây và cáp năm 2013 đạt 46,2 tỷ (+ 57,8% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận gộp đạt 4.1 tỷ chiếm tỷ trọng 18,3%.
Hiệu quả kinh doanh cao hơn so với các doanh nghiệp trong ngành: VTH có mức ROA và ROE trong năm 2013 đạt lần lượt 17,1% và 15,6% cao hơn mức trung bình ngành là 13,6% và 6,8%. Ngoài ra, do không phải chịu ảnh hưởng từ chi phí lãi vay, nên VTH có tỷ suất lợi nhuận sau thuế 3,4% trong năm 2013, cao hơn so với các công ty cùng ngành.
Chúng tôi sử dụng phương pháp P/E để ước tính giá trị của Việt Thái trên cơ sở so sánh với các công ty cùng ngành có quy mô và hiệu quả kinh doanh tương đương tại các thị trường mới nổi trên thế giới.
Sau khi điều chỉnh P/E dựa vào rủi ro tương quan giữa thị trường Việt Nam và thị trường quốc gia của các công ty được xét, giá trị P/E trung bình ngành là 6.1 lần. Cùng với lợi nhuận sau thuế 2014 dự phóng 16,5 tỷ, tương đương với EPS 2014 (E) 3.300 VNĐ/cp, giá trị hợp lý của VTH theo phương pháp P/E là 20.100 VNĐ/cp tăng 48,9%, so với giá tham chiếu ngày đầu tiên niêm yết, 13.500 VNĐ/cp. Do đó, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu VTH trong ngắn hạn.
SRC: Lợi nhuận cả năm dự phóng 80 tỷ đồng
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi vừa có một chuyến thăm doanh nghiệp đến Công ty SRC. Đại diện của Công ty cho biết, hoạt động kinh doanh của SRC trong 9 tháng đầu năm 2014 tương đối khả quan. Lợi nhuận trước thuế ước tính 9 tháng đầu năm 2014 đạt mức trên 76 tỷ VNĐ.
Tình hình tiêu thụ sản phẩm và thị phần của Công ty trong 9 tháng đầu năm vẫn khá ổn định. Giá cao su tự nhiên (nguyên liệu đầu vào chính của Công ty) suy giảm mạnh kể từ đầu năm tạo điều kiện cho Công ty cải thiện biên lợi nhuận.
Về thông tin VHG có ý định mua lại SRC, đại diện của Công ty chia sẻ. Công ty chưa nhận được đề nghị chính thức nào về việc mua thêm cổ phần từ VHG. Cổ đông lớn nhất của Công ty là Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (năm giữ 51% cổ phần) cũng chưa có chủ trương chính thức bán bớt vốn tại SRC.
So với hai công ty cùng sản xuất xăm lốp thuộc tập đoàn hóa chất là CSM và DRC, SRC vẫn tập trung vào sản phẩm lốp mành chéo truyền thống và chưa đầu tư vào sản phẩm lốp radial. Chúng tôi không đánh giá cao SRC về điểm này.
Chúng tôi dự phóng lợi nhuận của SRC sẽ đạt mức 80 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương đương mức EPS đạt mức 4000 VNĐ/cp.
FMC: Khuyến nghị mua vào
CTCP MayBank KimEng (MBKE)
FMC công bố KQKD 9 tháng đầu năm 2014 hết sức khả quan khi cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, lần lượt đạt 2.150 tỷ đồng và 39,6 tỷ đồng, tương ứng tăng 43% và 7,6x so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số trong 9 tháng đầu năm 2014 tăng mạnh nhờ sản lượng tôm xuất khẩu tăng khoảng 25,5% và giá bán tôm xuất khẩu bình quân tăng 17,5%. Trong bối cảnh hội chứng dịch bệnh tôm chết sớm (EMS) lan ra trên diện tích tôm nuôi trồng ở các nước xuất khẩu tôm hàng đầu như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc và Mexico từ 2013 đã khiến nguồn cung tôm sụt giảm mạnh trong khi nhu cầu vẫn tăng. Trong 2014, do chưa khống chế được dịch bệnh nên áp lực bất cân đối cung cầu tiếp tục đẩy giá tôm tăng cao.
Lợi nhuận gộp trong 9 tháng tăng mạnh 87% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 128 tỷ đồng, cao hơn mức tăng của doanh thu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện 1 điểm phần trăm. Mặc dù FMC chỉ tự chủ khoảng 6% nguồn nguyên liệu, còn lại chủ yếu mua từ các hộ nuôi trong nước và nhập khẩu, nhưng nhờ trữ được hơn 1.000 tấn hàng tồn kho giá rẻ từ Ấn Độ trong tháng 4 với giá mua trung bình thấp hơn trong nước khoàng 10% nên biên lợi nhuận gộp trung bình tăng so với cùng kỳ.
Cùng với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu giảm 0,8 điểm phần trăm xuống mức 3,5%, lợi nhuận sau thuế tăng 7,6x so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 3/10 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo 3 bị đơn bắt buộc cho lần xem xét lần thứ 9 vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) tôm Việt Nam POR9 là Minh Phú (MPC), Sao Ta (FMC) và Thuận Phước. Chúng tôi cho rằng khả năng thuế CBPG POR9 sẽ không thấp hơn so với POR8 do chính sách bảo hộ của cho công ty sản xuất tôm nội địa tại thị trường Mỹ, quốc gia chiếm 49% thị phần xuất khẩu của FMC.
Nhắc lại, POR8 của FMC ở mức 6,37% cao hơn nhiều so với mức 0% của POR7, sẽ tạo áp lực giảm thị phần tại Mỹ. Đây cũng là rủi ro đáng lo ngại trong hoạt động của FMC. Theo đó, FMC sẽ phải đẩy mạnh các thị trường khác trong năm tới để bù đắp cho sự sụt giảm này.
Theo yếu tố mùa vụ, sản lượng tôm xuất khẩu trong quý IV thường cao hơn so với các quý đầu năm. Theo đó, chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2014 của FMC lần lượt đạt 2.875 tỷ, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái và 57,4 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. EPS 2014 vào khoảng 4.052 đồng/cp, tương đương PE 2014 là 5,7x thấp hơn trung bình ngành khoảng 8,5x. Tiếp tục khuyến nghị MUA với FMC.
Theo ĐTCK
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét