Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Còn nguy cơ thao túng hoạt động ngân hàng

Còn nguy cơ thao túng hoạt động ngân hàng


Báo cáo giám sát tái cơ cấu nền kinh tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa công bố cho thấy, về tái cơ cấu ngân hàng, còn rất nhiều điểm đáng lo.


Sở hữu chéo, đầu tư chéo là vấn đề nhức nhối trong hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam


Ngân hàng yếu vẫn huy động vốn tốt


Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phê duyệt 18 phương án tái cơ cấu ngân hàng (đã nhận 24/25 phương án tái cơ cấu lại). Đối với khối tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, đánh giá xác định một số trường hợp mà chi phí cơ cấu lại quá lớn so với lợi ích của việc duy trì hoạt động để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý thông qua giải thể, phá sản. Hiện có 9/11 phương án của tổ chức tín dụng phi ngân hàng được phê duyệt


Dù hệ thống ngân hàng đang phải tái cơ cấu, song huy động vốn và dư nợ tín dụng tiếp tục tăng, trong đó đáng lưu ý là một số ngân hàng yếu kém và hầu hết các ngân hàng thuộc diện cơ cấu lại vẫn có tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động khá so với mức trung bình của hệ thống.


Từ năm 2012 đến hết tháng 8/2014, toàn hệ thống đã xử lý được 214.000 tỷ đồng nợ xấu. Theo báo cáo của Chính phủ, nợ xấu đến tháng 8/2014 là 3,9%. Trong 8 tháng đầu năm 2014, tổng nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro là 11.200 tỷ đồng. Ngoài số nợ xấu được các tổ chức tín dụng báo cáo, đến cuối tháng 8/2014, có 316.200 tỷ đồng dư nợ đã được giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN và Thông tư số 09/2014/TT-NHNN. Tính đến ngày 30/9/2014, VAMC đã mua 5.053 khoản nợ của 35 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc là 82.800 tỷ đồng, giá mua 68.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng, bán được hơn 1.400 tỷ đồng nợ xấu.


Chưa có sự thay đổi về chất


Mặc dù ghi nhận sự chuyển biến của hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu, song báo cáo giám sát của Quốc hội cũng chỉ rõ, còn rất nhiều vấn đề đáng lo về hệ thống ngân hàng hiện nay cũng như tính hiệu quả của các giải pháp tái cơ cấu thời gian qua.


Theo báo cáo của đoàn giám sát, đến nay, năng lực cạnh tranh và quản trị, điều hành của nhiều tổ chức tín dụng chưa cải thiện đáng kể, nhất là áp dụng chuẩn mực và thông lệ quốc tế.


Đoàn giám sát cũng cho rằng, một số giải pháp áp dụng trong quá trình tái cơ cấu thời gian qua còn mang tính tình thế. Việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong tái cơ cấu rất quan trọng nhưng còn thiếu quyền hạn xử lý, hiệu quả còn hạn chế.


Các giải pháp được triển khai trong thời gian qua chủ yếu là tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu, đã làm giảm mức độ năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh của TCTD trong ngắn hạn. Nếu các biện pháp tự xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng và cơ cấu lại nợ không được hỗ trợ tích cực bởi sự phục hồi kinh tế, thực thi có hiệu quả các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, xử lý nợ tồn đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản chậm, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì nợ xấu vẫn tiềm ẩn rất lớn, xử lý khó khăn hơn và có nguy cơ tăng mạnh.


Việc xử lý nợ xấu chậm do vướng mắc cả về thể chế và mô hình. Mặt khác, cơ sở pháp lý cho mua bán nợ xấu chưa rõ ràng; thiếu cơ chế, nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu. Trong khi các bên liên quan thiếu động cơ để đẩy mạnh tiến trình xử lý nợ xấu thì bản thân VAMC không đủ nguồn lực để thực hiện theo phương thức "mua đứt bán đoạn".


Với tình trạng hiện nay của hệ thống ngân hàng, đoàn giám sát cho rằng, các giải pháp tái cơ cấu ngân hàng thời gian qua mới giải quyết được những vấn đề trước mắt, chưa có sự thay đổi lớn về chất.


Còn sở hữu chéo, còn nguy cơ thao túng hoạt động ngân hàng


Một trong những hạn chế lớn nhất của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua, theo báo cáo của Quốc hội là vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo.


Báo cáo cho rằng, đầu tư chéo, sở hữu chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam vẫn thiếu minh bạch. Vốn điều lệ ở một số ngân hàng thương mại cổ phần không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng nói riêng cũng như toàn hệ thống tổ chức tín dụng nói chung, gây cản trở đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.


Thêm vào đó, năng lực thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với thị trường tài chính còn hạn chế, sự phối hợp chưa thực sự tốt, chưa có cơ quan giám sát toàn bộ thị trường tài chính nên có những thời điểm chưa phát hiện kịp thời những sai phạm của những cá nhân, tổ chức hoạt động thị trường trong điều kiện sở hữu chéo phổ biến đối với các chủ sở hữu lớn, cổ đông lớn.


Chưa kể, việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian với nhiều thủ tục, quy định. Tuy nhiên, thời gian qua, cả phía doanh nghiệp lẫn một số ngân hàgn cũng chưa chủ động tái cơ cấu và tích cực xử lý nợ xấu, bán nợ xấu cho VAMC, đồng thời chưa minh bạch chất lượng tín dụng và nợ xấu.


Trước tình hình hiện nay, báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nghị, cần xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% tổng dư nợ. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế hoạt động cho VAMC. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với tổ chức tín dụng, giám sát chặt chẽ, thực chất sở hữu chéo, đầu tư chéo để xử lý kịp thời các vi phạm và ngăn chặn rủi ro phát sinh.


Đoàn giám sát cũng đề nghị, cần nghiên cứu xây dựng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là Ngân hàng Trung ương hiện đại theo mô hình chung các nước trên thế giới.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á