Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Gian nan xử lý nợ xấu

Gian nan xử lý nợ xấu


Trong khi nợ xấu không ngừng tăng thì tốc độ xử lý nợ xấu khó có thể cải thiện nhanh, do thủ tục phát mãi quá phức tạp, hầu hết doanh nghiệp không muốn hợp tác với ngân hàng để trả nợ.


Bà Trương Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Vietcombank Chi nhánh TP.HCM cho rằng, việc doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn vay hiện nay chủ yếu do chính doanh nghiệp, vì thực tế cho thấy, ngân hàng cần doanh nghiệp hơn doanh nghiệp cần ngân hàng. Ngân hàng dư vốn, nhưng không dễ cho vay, vì không chỉ phải chạy đua tìm kiếm khách hàng tốt, mà còn phải kiểm soát rủi ro nợ xấu. Do đó, ngân hàng phải xem xét kỹ doanh nghiệp trước khi cho vay.


Theo bà Nga, nếu không kiểm soát kỹ, khi nợ xấu phát sinh sẽ rất khó đòi và bản thân ngân hàng phải gánh chịu đầu tiên. “Trong quá trình xử lý nợ xấu hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng có tinh thần hợp tác cùng ngân hàng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn chạy trốn, bất hợp tác trong việc xử lý nợ xấu. Đó là chưa kể, thủ tục phát mãi tài sản thu hồi nợ khá phức tạp”, bà Nga nói.


Đồng quan điểm, lãnh đạo VietinBank Chi nhánh TP.HCM cũng cho rằng, trong lúc này, ngân hàng cần doanh nghiệp nhiều hơn. Vì thế, theo đại diện VietinBank, việc doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn là do chưa am hiểu pháp luật về ngân hàng một cách thấu đáo. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn giữ thói quen làm theo kiểu gia đình.


“Nhiều doanh nghiệp có tài sản thế chấp, nhưng không đề cập việc sử dụng vốn vay ra sao, nên phía ngân hàng rất ngại cho vay, nhất là trước tình hình nợ xấu tăng hiện nay”, vị đại diện trên nói và kiến nghị rằng, cần tháo gỡ vướng mắc trong phát mãi tài sản để tiến trình xử lý nợ xấu có thể nhanh hơn, từ đó giúp khơi thông dòng chảy tín dụng. Bởi theo ông này, trong hợp đồng tín dụng có điều khoản quy định: khi khoản nợ rơi vào nợ xấu, ngân hàng sẽ được phát mãi tài sản đảm bảo, nhưng trên thực tế, thực hiện việc này rất khó. Ngân hàng không thể đơn phương xử lý tài sản đảm bảo, cho dù đã có cam kết trước đó.


“Vướng mắc nhất là xử lý tài sản nợ vay. Thủ tục khởi kiện ra tòa, xét xử nhiêu khê rồi chờ thi hành án mất rất nhiều thời gian nữa… Nhiều vụ việc tại ngân hàng cách đây hơn chục năm (chẳng hạn như vụ EPCO Minh Phụng) đã rất lâu và có tài sản, nhưng chưa xử lý xong. Vì thế, cần đẩy nhanh tốc độ xét xử, thi hành án”, vị đại diện trên nói thêm.


Agribank Chi nhánh Sài Gòn cũng cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay của Ngân hàng là xử lý và thu hồi nợ. Theo đại diện nhà băng này, tài sản thế chấp của khách hàng chủ yếu là bất động sản, nhưng hiện các chủ đầu tư không còn đủ lực để trả lãi suất, nên không dễ kỳ vọng thu hồi được nợ.


Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc DongA Bank cho biết, do áp dụng các quy định phân loại nợ mới, nên nợ xấu của ngân hàng có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Đến cuối tháng 9/2014, nợ xấu của DongA Bank đã lên đến 6,8%. Vì thế, yêu cầu trước hết đối với nhà băng này là tập trung xử lý nợ xấu, chứ không phải là đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng (dư nợ tín dụng DongA Bank chỉ tăng 6,5% trong 9 tháng đầu năm, thấp hơn tỷ lệ nợ xấu đến thời điểm này).


Theo bà Xuyến, trong các biện pháp đang được áp dụng để xử lý nợ xấu thì trích dự phòng và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được xem là nhanh nhất. Vì thế, từ đầu năm đến nay, DongA Bank đã đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC, với con số đã bán được lên đến gần 1.900 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2014. DongA Bank sẽ rà soát để bán tiếp nợ xấu cho VAMC trong thời gian còn lại của năm.


Tuy nhiên, theo bà Xuyến, bán nợ cho VAMC rất phức tạo và khó khăn. Thực tế, VAMC chỉ mua những khoản nợ xấu có giá trị tài sản đảm bảo tốt và giá trị trên 1,5 tỷ đồng. Từ thực tế đó, bà Xuyến đề nghị, cần có cơ chế xử lý nợ linh hoạt hơn để giải quyết nhanh hơn việc bán nợ xấu.


Nợ xấu của VietCapital Bank cũng tăng lên 3,61% và nhà băng này đã tích cực rà soát để bán nợ xấu cho VAMC trong 9 tháng qua. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Duy Hưng, VAMC cũng cần xem xét mua cả các khoản nợ xấu của ngân hàng có giá trị thấp hơn 1,5 tỷ đồng. Lý do là, các ngân hàng có quy mô còn kiêm tốn, như VietCapital Bank, thì các khoản nợ cũng thường có giá trị vừa phải.


“Chúng tôi đã sử dụng nhiều biện pháp xử lý nợ, song không thể đẩy nhanh được, vì việc xử lý nợ xấu hiện nay chủ yếu là trích dự phòng rủi ro”, ông Hưng nói.


Thực tế cho thấy, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại 9 tháng đầu năm nay chủ yếu là cơ cấu lại, trích dự phòng rủi ro và bán nợ xấu cho VAMC. Tuy nhiên, do nợ xấu tăng nhanh, trong khi các giải pháp trên chưa xử lý được triệt để nợ xấu, nên gánh nặng dự phòng rủi ro tăng lên với ngân hàng, ngay cả khi bán nợ cho VAMC.


Theo Baodautu




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á