Bộ phận kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thường nhạy cảm vì hoạt động liên quan trực tiếp với sự biến động của các đồng tiền trên thị trường tài chính quốc tế. Bảng tỷ giá niêm yết của các ngân hàng, do đó, thay đổi liên tục vài chục lần/ngày. Để phòng chống rủi ro, kinh doanh ngoại hối mua và bán ngay trong ngày. Khi bán ra cho một khách hàng, thí dụ cá nhân du học, du lịch hay doanh nghiệp cần thanh toán nhập khẩu, từ 3.000-5.000 đến hàng triệu đô la Mỹ, họ phải cân đối nguồn mua ngay lập tức. Hai, ba năm nay tỷ giá ổn định, mua/bán ngoại tệ chỉ chênh nhau vài đồng/đô la Mỹ, kinh doanh ngoại hối không kiếm được nhiều tiền.
Gập ghềnh tìm lợi nhuận
Tỷ giá ổn định đã dẫn đường cho hoạt động “carry trade” gia tăng. Ngoại tệ chảy vào Việt Nam để hưởng chênh lệch của lãi suất tiền đồng - đô la Mỹ. Những tuyên bố được lặp lại nhiều lần của NHNN cuối năm tỷ giá, nếu có điều chỉnh, không quá 2% (tuyên bố gần đây là 1,43%/năm) và có thể cả năm sau cũng sẽ tương tự, là sự đảm bảo cho carry trade không vội rút ra.
Khi đô la Mỹ được bán nhiều, dĩ nhiên, giá của nó so với tiền đồng sẽ giảm. Các ngân hàng theo đó, cũng giảm trạng thái ngoại hối, bán đô la Mỹ lấy tiền Việt kinh doanh. Quá trình này như dòng suối cứ róc rách chảy nếu lãi suất tiền đồng được neo giữ ở một mức độ nhất định.
Giữa tháng 8-2014 lãi suất tiền đồng có dấu hiệu hụt hơi. Thanh khoản các ngân hàng ứ ngập. Lợi tức trái phiếu chính phủ thấp chưa từng có, đã thế kế hoạch phát hành trái phiếu cả năm của Kho bạc lại đang tiến về đích quá nhanh. Đã mười tuần nay lãi suất trúng thầu trái phiếu bất kể kỳ hạn dài ngắn, rớt như sung rụng. NHNN bán ròng tín phiếu hàng ngày và đẩy lượng tín phiếu hiện trong lưu thông lên mức kỷ lục của mọi thời đại 226.000 tỉ đồng. Cứ đà trên, con đường xuống dốc của lãi suất rộng mở.
Trong tháng 9 nhập siêu đi lên, nhu cầu ngoại tệ cho thanh toán có chút phục hồi. Nhưng nguyên nhân này chẳng có mấy sức nặng, không thể đủ sức tạo cầu cho ngoại tệ. Sự xuống thang của lãi suất tiền đồng mới là yếu tố đáng ngại cho kinh doanh ngoại hối. Việc kinh doanh tiền đồng từ nguồn ngoại tệ chuyển qua không còn mang lại lợi nhuận tối thiểu để bù đắp chi phí, nó sẽ từ từ dừng lại.
Lãi suất đang đứng trước thử thách phải giảm thêm, trong khi đô la Mỹ được hậu thuẫn bởi sự tăng giá trên bình diện quốc tế, nhà điều hành liệu có đang cheo leo trên bờ “cái bẫy” do mình xây nên? |
Ở một chiều hướng khác là sự lên giá quá mạnh của đồng đô la Mỹ so với tất cả các ngoại tệ mạnh. Hơn thế, xu hướng thế giới chỉ ra đồng đô la Mỹ mới chỉ bắt đầu chu kỳ tăng giá và triển vọng đi lên của nó trong năm tới là không thể phủ định. Đây là tiếng chuông cảnh báo ngầm cho kinh doanh ngoại hối. Họ không thể làm ngơ khi đồng yen và euro mất điểm từng ngày so với đô la Mỹ.
Vấn đề bây giờ là sự ổn định của tỷ giá đô la - tiền đồng sẽ ở mức nào? Sự ổn định được khẳng định, song nó có ổn định như trước hay ít hơn trước? Khi câu hỏi còn đang ở thế lưỡng nan, tốt nhất là tạm ngưng short (bán ra) đồng đồng đô la Mỹ và nâng tỷ giá bán ra đô la Mỹ chuyển khoản để đề phòng. Điều này đang thể hiện trên bảng tỷ giá hàng ngày của các ngân hàng.
Yếu tố không nên nói ra
Không phải ngẫu nhiên, khi trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình lại đưa ra con số 1,43% về việc điều chỉnh tỷ giá trong năm nay. 1,43% chứ không phải tối đa 2% như chính ông vẫn tuyên bố bấy lâu nay. NHNN muốn thả vào thị trường một ít thông tin để đo lường phản ứng.
Việc đo lường phản ứng vô cùng cần thiết vì chín tháng đầu năm tổng phương tiện thanh toán đã tăng 10,73% so với cuối năm ngoái trong khi tín dụng mới tăng 7,26%. Mức chênh lệch giữa hai con số đang và sẽ làm thanh khoản thị trường “ngập lụt” hơn - sự “ngập lụt” có chủ định!
Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ trên cương vị người đứng đầu ngành ngân hàng, ông Nguyễn Văn Bình đã xác định tỷ giá là một trong những trụ cột chính của chính sách tiền tệ khi tuyên bố tạo dựng và bảo vệ giá trị đồng nội tệ. “Chống lưng” cho tỷ giá là quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Phải tạo cho tiền đồng một cục nam châm sức hút để người dân và doanh nghiệp nắm giữ, qua đó gián tiếp tạo sự “ghẻ lạnh” với ngoại tệ. Đòn bẩy lãi suất đã được sử dụng triệt để cho mục đích đó.
Theo quy luật cung cầu, tiền ra nhiều, giá giảm. Lãi suất đang đứng trước thử thách phải giảm thêm, trong khi đô la Mỹ được hậu thuẫn bởi sự tăng giá trên bình diện quốc tế, nhà điều hành liệu có đang cheo leo trên bờ “cái bẫy” do mình xây nên?
Có thể không, vì những lý do sau.
Thứ nhất sự khao khát vốn của doanh nghiệp rất lớn. Những năm qua đòn bẩy tài chính của cả nền kinh tế đã bị hạ xuống mạnh. Doanh nghiệp co cụm trong làm ăn, xoay xở trả nợ ngân hàng, tín dụng không ra được. Co cụm làm nhu cầu vay vốn hạ, sức sản xuất yếu đi, tất cả chờ nền kinh tế phục hồi. Nay kinh tế có tín hiệu đi lên, doanh nghiệp sẽ kinh doanh trở lại, và với “căn bệnh” muôn thuở thiếu vốn, họ không còn cách nào khác là vay ngân hàng. Tín dụng trước sau cũng sẽ phải chạy, đặc biệt có khả năng chạy nhanh khi lãi suất đang thấp nhất trong vòng hai thập kỷ.
Thứ hai “đặt cược” vào tín dụng, NHNN có thể sẽ “ca” tiếp bài “tỷ giá là một đường thẳng”, bồi thêm một cú vào sự thiếu tin tưởng của người dân vào đồng đồng đô la Mỹ. Các nhà xuất khẩu sẽ khó khăn, tuy nhiên khi kinh tế hồi phục, nhập khẩu sẽ tăng nhanh và mạnh. Trong thời gian đầu này, ủng hộ nhập khẩu có hạn định về thời gian không phải là phương án tồi.
Thứ ba chuyển động vốn FDI có chiều hướng thuận lợi và kênh kiều hối tương đối ổn định sẽ hỗ trợ nguồn cung ngoại tệ. Cán cân tổng thể đang thặng dư. Sức ép lên tỷ giá không phải đã được gỡ bỏ hoàn toàn, song nó đang yếu về quy mô và NHNN xem ra đủ sức cầm cương điều khiển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét