Trưởng Phòng phân tích CTCK MBKE khẳng định, dược phẩm là một trong những lĩnh vực hiếm hoi có tỷ trọng lợi nhuận khá đồng đều, đi ngược với xu thế những ngành khác trong giai đoạn suy thoái kinh tế.
Thống kê mới đây của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), doanh thu của các DN trong ngành dược 6 tháng cuối năm tăng lần lượt 14,99% (2012) và 13,07% (2013) so với 6 tháng đầu năm 2014. Dự báo dựa trên cơ sở kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay khá khả quan của những mã: DCL, DHG, IMP.
Những thông tin tích cực trong lĩnh vực kinh doanh dược cũng đang thu hút sự quan tâm của NĐT trong giai đoạn này. Chẳng hạn, ngành dược được dự báo có tiềm năng tăng trưởng tốt với tốc độ trung bình hàng năm là 16-17%, hay Luật Đấu thầu mới kỳ vọng giảm hiện tượng chấm thầu chỉ căn cứ vào giá bỏ thầu thấp.
Điểm sáng nổi lên trong ngành dược hiện nay như CTCP Dược Hậu Giang (DHG): từ đầu năm đến nay mức tăng giá khoảng 68%. Theo báo cáo tài chính, doanh thu 6 tháng đầu năm của DHG đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 6 tháng vào khoảng 272 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Cùng với việc đưa vào hoạt động hai nhà máy mới Non Betalactam và Betalactam, năng lực sản xuất của DHG sẽ được nâng lên đến 9,5 tỷ đơn vị sản phẩm/năm, gấp đôi so với năng lực hiện tại. Trong khi nhà máy Non Betalactam, công suất 4 tỷ đơn vị sản phẩm/năm, bắt đầu khai thác từ tháng 4/2014 thì nhà máy Betalactam có công suất 1 tỷ đơn vị sản phẩm/năm hiện vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và sẽ hoàn thành trong năm 2015.
Theo chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN, mức thuế 0% sẽ được áp dụng cho hai nhà máy trong bốn năm đầu tiên và tăng lên 5% trong 9 năm tiếp theo, hai năm còn lại là 10%. Tận dụng ưu thế thuế này, 80% công suất nhà máy cũ sẽ được chuyển giao cho nhà máy mới. Do đó, tỷ suất sinh lợi ròng sẽ được cải thiện đáng kể.
Ngoài ra, điểm nhấn quan trọng trong 6 tháng đầu năm nay là nhóm sản phẩm được mang thương hiệu của DHG có tốc độ tăng trưởng doanh thu ở mức cao, khoảng 16%. Trong đó, Naturenz sản phẩm giải độc gan có nguồn gốc từ thiên nhiên rất đáng chú ý, trong khi năm ngoái, dòng sản phẩm này đóng góp khoảng 3% tổng doanh thu.
Dựa vào các triển vọng nhu cầu dược phẩm dự báo tiếp tục gia tăng khoảng hơn 16% từ 2013-2018, năng lực sản xuất tăng gấp đôi, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, ưu đãi thuế thu nhập DN 0% từ hai nhà máy mới, nỗ lực marketing và tái cấu trúc hệ thống bán hàng và kế hoạch phát triển mảng sản phẩm mới, nhóm dược phẩm được đầu tư, nghiên cứu theo công nghệ mới, nhóm nghiên cứu của VDSC đánh giá khá cao về khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu 3.880 tỷ đồng, tăng 10 % và lợi nhuận 686 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ của công ty.
Sự thăng hoa của DHG cũng là biểu hiện của CTCP Dược phẩm Cửu Long (DCL). DN này cũng có doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng 8,4% và 28,4%, đạt lần lượt 350,9 và 23,1 tỷ đồng, hoàn thành 46,8% và 60,8% kế hoạch 2014. Đáng chú ý, cơ cấu doanh thu 6 tháng đầu năm nay của DCL đã thay đổi theo hướng tích cực hơn với doanh thu hàng sản xuất chiếm 93% tổng doanh thu, so với mức 89% cùng kỳ năm trước.
Các công ty dược phẩm khác niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức hoặc phi chính thức cũng đang thể hiện được năng lực vượt trội. Đó là Dược phẩm Traphaco (TRA), Dược phẩm Imexpharm, Cổ phần S.P.M... Như vậy, so với các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ khác đang có mức lỗ cao, rõ ràng các đơn vị dược phẩm y tế gần như báo lãi toàn bộ trong báo cáo tài chính bán niên 2014.
Trưởng Phòng phân tích CTCK MBKE khẳng định, dược phẩm là một trong những lĩnh vực hiếm hoi có tỷ trọng lợi nhuận khá đồng đều, đi ngược với xu thế những ngành khác trong giai đoạn suy thoái kinh tế. Thực tế, ở thời kỳ nào, ngành dược là ngành ít chịu ảnh hưởng khi nền kinh tế đi xuống, đồng thời lại có cơ hội tăng trưởng mạnh khi kinh tế đi lên. Hiện tại, thị trường dược Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng khi mức chi tiêu tiền thuốc bình quân đầu người hàng năm vẫn còn ở mức rất thấp.
Theo báo cáo của VDSC, do đặc tính hấp dẫn của ngành, các cổ phiếu dược phẩm luôn có giá và P/E tương đối cao. Chẳng hạn, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của DCL đã bắt đầu chậm lại trong quý II/2014. Nhưng xét về biểu giá, cổ phiếu DCL đã tăng gần 40% tính từ đầu năm và sát với giá mục tiêu. P/E của DCL cũng được dự phòng 8 lần, tương đương với chỉ số chung của ngành.
Trên sàn chứng khoán, hiện cổ phiếu ngành dược cũng được giới đầu tư đánh giá là mã chất lượng tốt, an toàn. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đưa ra lời khuyên là bản chất dòng tiền vào ngành này không đủ mạnh để lướt sóng. Do vậy, NĐT khi đầu tư cổ phiếu này chỉ hợp với NĐT ưa thích chiến lược dài hạn.
Theo Stockbiz
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét