Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Sóng giảm kéo dài đến đâu?

Sóng giảm kéo dài đến đâu?


Ít nhiều những căng thẳng về tình hình Biển Đông khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có những phiên giảm điểm kéo dài.


Liên tưởng tháng 8


Càng về cuối quý I, các cổ phiếu đầu ngành vốn hóa lớn đã chững lại đà tăng và báo hiệu xu hướng chậm lại của thị trường. Đặc biệt, các phiên giảm điểm gần đây dường như nằm ngoài dự báo của giới phân tích về một tháng 5 giảm điểm nhẹ và thanh khoản thấp. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu liên tưởng đến phiên giảm điểm mạnh vào ngày 21/8/2012 và chuỗi sóng tăng giảm hình sin của VN-Index một thời gian dài sau đó.


Mặc dù bản chất của yếu tố tác động là khác nhau, nhưng điểm chung là đa số nhà đầu tư không hình dung và đo lường được những rủi ro tiềm ẩn mà yếu tố tiêu cực này mang lại. Nói như các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán VDSC, một khi chưa có thêm nhiều thông tin, những lời trấn an sẽ khó giúp ổn định thị trường.


Quả thật, từ đầu tháng 5 đến nay, cơ hội tăng điểm mạnh của thị trường như quý I không còn nhiều. Bởi lẽ, nền kinh tế chưa cho thấy sự bứt phá hay nghiêng nhiều về kịch bản thị trường dao động trong biên độ hẹp và đi ngang tích lũy để xây dựng mặt bằng giá mới.


Nếu như quý I, thị trường nhận được sự hỗ trợ mạnh từ khối ngoại, thì quý II, thường khối này không hoạt động mạnh mà chủ yếu duy trì dưới dạng cơ cấu lại danh mục. Theo các chuyên gia, đây cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến sự chững lại của hai chỉ số.


Nhiều nhà đầu tư bắt đầu tỏ ra hoang mang với những câu hỏi như: Vậy sóng giảm này sẽ đưa thị trường về đâu? Điều này không lạ mà xuất phát từ diễn biến thực tế của nền kinh tế, có thể là điểm tựa để thị trường không giảm quá sâu nhưng sẽ không tạo động lực cho một sự phục hồi sớm.


Điểm sáng của nền kinh tế duy nhất chỉ được nhận thấy trong tháng 4 là chỉ số PMI đã đạt mức cao, hoạt động thương mại nhìn chung khá tích cực và dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục. Bên cạnh đó là việc Chính phủ công bố điều chỉnh dự báo lạm phát cho năm 2014 về mức 6%, thấp hơn mục tiêu 7% đề ra vào đầu năm.


Trên cơ sở so sánh với các kênh đầu tư khác như vàng, gửi tiết kiệm, kinh doanh ngoại hối, bất động sản... bà Quách Thùy Linh, Trưởng Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán VCBS đánh giá nhà đầu tư không nên quá bi quan với kênh đầu tư chứng khoán lúc này. Bởi lẽ, từ khi Ngân hàng Nhà nước tham gia điều tiết giá vàng, thị trường vàng đã ổn định trở lại với biên độ dao động giá không cao và do đó, cơ hội kiếm lời từ vàng đã thu hẹp.


Trong khi đó, trần lãi suất huy động cũng như mức lãi suất huy động thực tế tại các ngân hàng đã giảm khoảng 1% nhằm tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay các doanh nghiệp trong bối cảnh cầu yếu. Vì vậy kênh gửi tiết kiệm đã kém phần hấp dẫn khi chỉ còn khoảng 6%/năm.


Nói về tỷ giá, rõ ràng trong quý II, tỷ giá luôn được dự báo không có đột biến, có thể đẩy lùi tâm lý đầu cơ, tích trữ ngoại tệ. Thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên nhưng nhìn chung vẫn chưa nhiều biến chuyển và mới chỉ kích thích đến bộ phận có nhu cầu ở thật.


Tìm điểm cân bằng mới


Từ những so sánh trên, dễ thấy cổ phiếu chứng khoán vẫn có thể duy trì sức hấp dẫn. Cũng theo bà Linh, trong quý II, với kỳ vọng vào thị trường có nhiều khả năng sẽ đi vào giai đoạn để tích lũy xây dựng mặt bằng giá mới, kèm theo sự sụt giảm của thanh khoản. Ngành chứng khoán vì vậy có thể sẽ không còn giữ được ưu thế như trong quý I.


"Tôi cho rằng, tâm điểm của thị trường cũng như dòng tiền trong thời gian tới sẽ tập trung tại các nhóm ngành được kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh tốt và triển vọng sáng, không chỉ trong quý II mà còn cả năm 2014. Theo tôi, đó là dầu khí, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, xuất khẩu và kho vận", bà Linh nhận định.


Trên thực tế, có nhiều cơ sở cho dự báo trên vì nền kinh tế tuy được kỳ vọng vẫn sẽ phục hồi dần, nhưng sự bứt phá còn chưa đến và các doanh nghiệp (DN)còn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, những ngành kể trên được đánh giá là có yếu tố phòng thủ nhất định, ít chịu ảnh hưởng bởi cầu trong nước còn yếu và từ đó sẽ nổi trội hơn các ngành khác.


Ngoài ra, ngành xuất khẩu và xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được kỳ vọng sẽ là đầu tàu dẫn dắt cho sự phục hồi chung của nền kinh tế trong năm 2014. Ngoài ra, các cổ phiếu blue chips được kỳ vọng sẽ là trụ cột vững cho thị trường, khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định, các DN lớn và đầu ngành với khả năng trường vốn và kinh nghiệm lâu năm sẽ dễ dàng nắm bắt cơ hội kinh doanh hơn DN nhỏ cùng ngành nghề...


Với những diễn biến vừa qua, giới phân tích VDSC thừa nhận, mặc dù hơi vượt xa mong đợi, nhưng hầu hết các cổ phiếu trong danh sách khuyến nghị cơ bản của công ty này đều rớt về vùng giá có thể mua.


Tuy vậy, những tác động thuộc về yếu tố chính trị thường có ảnh hưởng kéo dài đến tâm lý nhà đầu tư nên việc mua vào lúc này là không gấp, đặc biệt là đối với các tài khoản hiện đang có tỷ lệ chứng khoán cao hoặc đang sử dụng margin.


Hơn nữa, nếu thị trường điều chỉnh trở lại, không thể loại trừ khả năng sẽ có những biến động mạnh trước khi tìm điểm cân bằng mới. Như vậy, nếu nền kinh tế trong nước vẫn tiếp tục duy trì sự ổn định và phục hồi dần kỳ vọng thì các diễn biến mới trên thế giới lại đang tiềm ẩn những rủi ro nhất định, có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Việt Nam.


Theo đó, các chuyên gia khuyên nên theo dõi chặt chẽ và sát sao yếu tố này, đặc biệt là căng thẳng chính trị ở các nước và những dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Và rõ ràng, việc tìm kiếm mã cổ phiếu trong quý II gặp nhiều khó khăn hơn so với quý I. Nếu lướt sóng, lợi nhuận hứa hẹn sẽ không nhiều trong khi rủi ro lại cao


Theo Vũ Hoàng - Doanh nhân Sài Gòn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á