Vấn đề nợ xấu hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức sắp xếp lại các khoản nợ và từng bước kiểm soát nợ trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), chứ chưa có một dòng tiền thực vào để mua các khoản nợ xấu.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), hiện nay việc xử lý nợ xấu mới chỉ dừng lại ở mức sắp xếp các khoản nợ và từng bước thống kê, kiểm soát nợ trong hệ thống NHTM chứ chưa thực sự có một dòng tiền thực vào để mua các khoản nợ xấu này, cắt bỏ nó khỏi toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Đánh giá chung của ông về tình hình phát triển của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) ở Việt Nam hiện nay?
Báo cáo tài chính của các NHTM cho thấy hệ số an toàn vốn của VN luôn cao hơn mức tối thiểu 8% được quy định theo chuẩn Basel, và thậm chí cao hơn mức quy định 9% của NHNN. Tuy nhiên chất lượng tài sản trong giai đoạn gần đây chưa được đảm bảo do vấn đề nợ xấu tồn đọng trong toàn bộ hệ thống. Các chỉ số đo lường thu nhập và lợi nhuận đã có sự suy giảm đáng kể. Và cuối cùng, sự suy giảm của hai chỉ số tài sản thanh khoản trên tổng tài sản và tài sản thanh khoản trên nguồn vốn ngắn hạn cho thấy các NHTM VN đang gặp phải những khó khăn trong khả năng thanh khoản của mình.
Theo thống kê, nợ xấu của các NHTM hiện vẫn ở mức khá cao. Ông nghĩ thế thế nào về tiến trình xử lý nợ xấu hiện tại? Và theo ông nó có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các NHTM?
Tôi cho rằng vấn đề nợ xấu hiện nay chúng ta mới chỉ tiến được một bước ban đầu là sắp xếp lại các khoản nợ và từng bước thống kê, kiểm soát nợ trong hệ thống NHTM. Các NHTM chưa có biện pháp cụ thể liên quan đến việc gây dựng một thị trường để giải quyết thực sự các món nợ này, cắt nó ra khỏi toàn bộ hệ thống để các NHTM và các DN có thể từng bước khởi đầu, tái tạo xây dựng lại một chu trình cho vay mới. Tức là chưa có 1 dòng tiền thực vào để mua các khoản nợ xấu để cắt bỏ nó đi hoặc là cơ chế để cho những người tham gia vào mua cả trong lẫn ngoài nước.
Hiện nay, lãi suất cho vay của các NHTM đang có xu hướng giảm mạnh, và tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Theo ông, thực tế này nói lên điều gì?
Dòng tiền của các NHTM đang có sự chuyển biến mang tính bước ngoặt, từ chỗ luôn đối mặt với rủi ro, thanh khoản, dư thừa thanh khoản. Việc lãi suất cho vay giảm mạnh, tăng trưởng tín dụng đứng ở mức thấp cho thấy đã có sự chuyển dịch về ràng buộc của nền kinh tế, từ phía cung sang phía cầu đầu tư. Mặc dù cung ứng vốn hiện tại chưa là ràng buộc chặt của nền kinh tế, nhưng khi nền kinh tế phục hồi, rất có thể cung ứng vốn sẽ trở thành ràng buộc trọng yếu.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn của ngân hàng và họ phải tìm kiếm nguồn vốn phi ngân hàng. Quan điểm của cá nhân ông thế nào?
Trong lúc khó khăn, các NHTM cũng phải cải tổ lại phương thức cho vay và các quy định nên việc này cũng không trách được họ. Tuy nhiên, các NHTM cũng cần mở rộng cơ chế cho vay, cách xác định giá trị tài sản đảm bảo để cứu mình và cứu cả DN trong khốn khó.
Nếu các NHTM quá chặt chẽ với các DN, họ tất yếu chuyển nhiều sang nguồn vốn phi ngân hàng hoặc các nguồn vốn mà không thông qua thị trường tài chính chính thức thì đó là dấu hiệu cho thấy sự thất bại của hệ thống ngân hàng và các tổ chức trung gian tài chính.
Tiếp cận các quỹ tài chính của DN Việt Nam là rất khó và phải có kế hoạch đáp ứng các tiêu chuẩn của tổ chức thế giới, đây là điều ít ngân hàng làm được. Còn nếu tiếp cận được nguồn vốn rẻ như: vốn từ các hội, hiệp hội riêng thì đó là cái lợi cho DN, nhưng đây là nguồn vốn không nhiều và không nhiều hội có được. Về khía cạnh vốn tín dụng đen, nếu DN tiếp cận loại hình vốn này sẽ rất rủi ro. Những rủi ro đến từ hệ số an toàn của vốn vay, lãi suất cao và các DN.
Seatimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét