Bắt đầu từ 6/6/2014, Thông tư số 47/2014/TT-BTC (TT 47) của Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện một số nội dung Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg (QĐ 03) của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho DNNVV vay vốn tại NHTM có hiệu lực thi hành.
Theo quy định tại Thông tư này, để được VDB bảo lãnh vay vốn, các DNNVV cần có đủ 3 điều kiện. Thứ nhất, dự án đầu tư có văn bản chấp thuận cho vay của NHTM và được VDB thẩm định, xác định là dự án có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay. Thứ hai, DN phải thuộc đối tượng quy định tại Điều 3 Quy chế bảo lãnh. Thứ ba, DN phải có vốn chủ sở hữu tham gia tối thiểu 15% tổng mức đầu tư của dự án và được đầu tư toàn bộ vào tài sản cố định, nguồn vốn này được phản ánh trên báo cáo tài chính tháng hoặc quý gần nhất với thời gian nộp hồ sơ đề nghị bảo lãnh và cam kết sử dụng dự án.
Một số ý kiến cho rằng, với yêu cầu dự án đầu tư của DN phải có văn bản chấp thuận cho vay của NHTM, dường như VDB đang đá “quả bóng” trách nhiệm thẩm định tính khả thi và hiệu quả của dự án xin vay vốn sang phía các NHTM. Trong khi các NHTM đang cần VDB như một “bệ đỡ” cho những DN không đủ điều kiện vay thương mại mới phải tìm đến nguồn vốn từ VDB. Tuy nhiên, xem xét một cách cụ thể, việc đảo ngược trình tự và thủ tục bảo lãnh vay vốn theo các quy định tại QĐ 03 và TT 47 chưa hẳn là việc làm “đá bóng trách nhiệm”, mà ngược lại có thể coi là một điểm đổi mới hợp lý của chính sách bảo lãnh vay vốn.
Bởi trước đây, theo những quy định của Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg, để được bảo lãnh tín dụng, DN phải gửi hồ sơ đến VDB. Ngân hàng này sẽ tiến hành thẩm định và có văn bản thông báo chấp thuận bảo lãnh vay vốn nếu đủ điều kiện. Từ hồ sơ chấp thuận bảo lãnh của VDB, DN mới có thể đến NHTM làm thủ tục vay vốn.
Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ vay tại các NHTM, theo nguyên tắc các ngân hàng này tiếp tục thực hiện lại quy trình thẩm định phương án vay một lần nữa. Việc làm này khiến cho cả DN và NHTM bị thiệt hại về thời gian và chi phí. Chưa kể rằng, có thể NHTM sẽ không chấp thuận dự án sản xuất kinh doanh của DN và từ chối cho vay, kể cả với trường hợp DN đã được VDB chấp thuận bảo lãnh.
Nhưng hiện nay, với những quy định tại QĐ 03, DNNVV khi có nhu cầu vay vốn có bảo lãnh sẽ làm việc trực tiếp với NHTM. Sau khi NHTM tiến hành thẩm định và chấp nhận cho vay thì DN mới nộp hồ sơ xin bảo lãnh tại VDB.
Việc đảo ngược quy trình này, đứng về phía DN đi vay sẽ có lợi vì chính các NHTM là đơn vị sẽ trực tiếp thẩm định dự án và giải ngân vốn vay. Khi họ đã chấp thuận hồ sơ vay thì gần như việc tiếp cận vốn của DN đã cơ bản đạt được, chỉ chờ VDB xem xét lại và chấp nhận bảo lãnh trên cơ sở tài sản hình thành trong tương lai của dự án.
Trong khi đó, đứng về phía các NHTM, việc “gánh” lấy trách nhiệm thẩm định dự án sản xuất kinh doanh của DN giúp cho NHTM nắm rõ được khách hàng của mình. Ngay cả khi khách hàng đang có dư nợ quá hạn tại thời điểm cần vốn, nếu các NHTM trực tiếp thẩm định, vẫn có thể linh hoạt xem xét chấp thuận cho vay và đề nghị VDB bảo lãnh để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Như vậy, có thể thấy rằng, điểm mới của QĐ 03 và TT 47 chính là ở chỗ để cho các NHTM chủ động thẩm định dự án sản xuất kinh doanh của các DN và quyết định cho vay, VDB chỉ đứng vai trò làm trung gian bảo lãnh.
Việc đảo ngược trình tự thủ tục bảo lãnh, tuy khiến cho VDB “mang tiếng” đẩy trách nhiệm cho NHTM nhưng lại giúp hoạt động bảo lãnh cho vay trở nên hiệu quả. Bởi khi NHTM trực tiếp thẩm định thì chỉ có những DN khỏe mạnh nhưng hết tài sản thế chấp, hoặc thiếu một phần vốn mới được giới thiệu tới VDB bảo lãnh. Thời gian tới có thể lượng DN được VDB chấp thuận bảo lãnh sẽ ít hơn, tổng nguồn vốn bảo lãnh cũng sẽ ít hơn, nhưng chắc chắn tỷ lệ các DN phục hồi sản xuất, kinh doanh sau khi được VDB bảo lãnh sẽ cao hơn trước. Song song đó, nguy cơ phát sinh nợ xấu trong nhóm DNNVV cũng sẽ giảm hơn so với trước đây.
Theo Thời báo ngân hàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét