Vốn thấp, lãi cao
Trong phương án bán vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại CTCP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (TSC), vừa được SCIC công bố, có một chi tiết gây chú ý là giá khởi điểm cổ phần đưa ra chào bán lên tới 108.000 đồng/CP, cao gấp hơn 10 lần so với mệnh giá.
Theo đại diện đơn vị tham gia tư vấn bán vốn cho SCIC tại TSC, sở dĩ mức giá cổ phần chào bán cao như vậy chủ yếu là bởi TSC có vốn điều lệ thấp, nhưng lợi nhuận hàng năm cao gấp 2 - 6 lần vốn điều lệ. Cụ thể, hiện TSC có vốn điều lệ 9,96 tỷ đồng, nhưng năm 2011 đạt lợi nhuận sau thuế tới 27,5 tỷ đồng, trong năm 2012 là 53,1 tỷ đồng, năm 2013 là 19,5 tỷ đồng… Trong nhiều năm qua, TSC liên tiếp trả cổ tức rất cao, năm 2010: 50%, 2011: 100%, 2012: 300%... Chia cổ tức "khủng" như vậy, nhưng cuối năm 2013, TSC còn khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 19,2 tỷ đồng. Ngoài ra, lợi thế kinh doanh trong ngành giống cây trồng cũng là lý do khiến cổ phần TSC được định giá cao.
Một yếu tố khác tạo khoảng cách lớn giữa mệnh giá cổ phần và giá khởi điểm chào bán cổ phần của TSC là Công ty đã điều chỉnh mệnh giá cổ phần từ 100.000 đồng/CP xuống 10.000 đồng/CP. Nếu cũng điều chỉnh theo phương thức này, thì rất nhiều doanh nghiệp mà SCIC đang tiến hành bán vốn, cũng sẽ tạo ra mức chênh lệch giữa giá cổ phần chào bán với mệnh giá cổ phần lên đến cả chục lần như TSC. Cụ thể như CTCP Sách và Thiết bị trường học Quảng Nam, có vốn điều lệ 2,5 tỷ đồng, được chào bán với giá 136.000 đồng/CP, hay CTCP Xe khách Hà Giang, có vốn điều lệ 1,4 tỷ đồng, được chào bán với giá khởi điểm là 129.000 đồng/CP. Một khi các doanh nghiệp này điều chỉnh mệnh giá cổ phần từ 100.000 đồng/CP hiện tại xuống 10.000 đồng/CP như TSC, thì mức giá khởi điểm chào bán cổ phần của hai doanh nghiệp này cũng cao hơn mệnh giá cả chục lần.
Lợi nhuận tăng nhanh, trong khi vốn điều lệ nhỏ và không tăng, càng làm cho giá trị nhiều doanh nghiệp tăng lên nhanh chóng. Đặc thù này khiến cổ phần đưa ra chào bán có mức giá cao ấn tượng. Là đầu mối tổ chức bán vốn cho SCIC từ nhiều năm nay, Giám đốc tư vấn tài chính doanh nghiệp một CTCK nhìn nhận, tuy mức giá cổ phần chào bán cao, nhưng đa phần là phản ánh sát giá trị doanh nghiệp, chứ không phải giá… trên trời.
Tuy nhiên, đó là dưới góc nhìn của nhà tư vấn, còn ở góc nhìn của nhà đầu tư, do thông tin về hoạt động của nhiều doanh nghiệp, cũng như phương án xác định giá trị doanh nghiệp còn thiếu minh bạch, nên nhà đầu tư thường nghi ngờ tính hợp lý của mức giá khởi điểm chào bán cổ phần. Bởi vậy, mức giá khởi điểm chào bán này có hợp lý như khẳng định của doanh nghiệp bán vốn, cũng như các đơn vị tư vấn hay không, chỉ có thể được kiểm chứng khi được thị trường định giá thông qua kết quả bán vốn.
Không dễ bán vốn?
Với mức giá cổ phần chào bán cao, trong khi khá nhiều doanh nghiệp trong danh mục bán vốn của SCIC không phải là công ty đại chúng, nên theo Tổng giám đốc một CTCK đang niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội, việc bán vốn không dễ thành công. Mặt khác, thực tế cho thấy, để đảm bảo lộ trình thoái vốn theo kế hoạch, SCIC thường ưu tiên bán cả gói. Điều này càng kén nhà đầu tư tham gia các đợt bán vốn của SCIC.
Với đặc thù trên, cộng với e ngại yếu tố thanh khoản thấp, nên nhà đầu tư nhỏ lẻ thường không mấy quan tâm đến các đợt bán vốn của SCIC. Tuy nhiên, các thương vụ bán vốn này khá thu hút các doanh nghiệp cùng ngành hoạt động, có mục tiêu mở rộng mạng lưới kinh doanh, hoặc các nhà đầu tư chiến lược muốn đầu tư lâu dài, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Dẫu vậy, tình trạng "bội cung" do đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN, cũng như việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang được thúc đẩy, nên việc triển khai các phương án bán vốn với mức giá cổ phần chào bán cao là thách thức không nhỏ cho SCIC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét