Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Samsung và những con số biết nói tại Việt Nam

Samsung và những con số biết nói tại Việt Nam
Lòng tin về chính sách nhất quán và ổn định chính trị

Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà Samsung đầu tư tới 2 nhà máy gồm nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) có trụ sở tại Yên Phong, Bắc Ninh và nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) tại Phổ Yên, Thái Nguyên. Cả 2 nhà máy đều sản xuất và lắp ráp điện thoại di động, máy tính bảng và linh kiện điện thoại. Sản phẩm chủ yếu dùng cho xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia & vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.


Trong số này, nhà máy tại Bắc Ninh đã hoạt động ổn định và Samsung cam kết nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, cải tiến quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm. Nhà máy tại Thái Nguyên mới hoạt động do vậy nhiệm vụ trước mắt là ổn định sản xuất và mở rộng sản xuất tại đây.


Trong tương lai gần, Samsung sẽ tiếp tục phát triển quy mô nhà máy tại Thái Nguyên bằng việc tăng số lượng dây chuyền sản xuất, hoàn thiện cơ sở vật chất. Ngoài ra, tập đoàn này đang xem xét để đầu tư các lĩnh vực khác nhau: Sân bay, hạ tầng viễn thông, xây dựng…


Ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Khu tổ hợp Samsung (Samsung Complex) chia sẻ rằng: “Mọi người nói rằng, Samsung chỉ lắp ráp tại Việt Nam, nhưng thực tế không phải như vậy. Chúng tôi đang sản xuất cả linh kiện ở Việt Nam và đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vệ tinh đến Việt Nam”.


Thực tế, trên diện tích 110 ha của Samsung Complex (Bắc Ninh), Samsung có tới 8 nhà máy tại đây. Trong đó, ngoài 2 nhà máy lắp ráp điện thoại di động, còn có 1 nhà máy sản xuất máy hút bụi, 1 nhà máy sản xuất pin điện thoại và 4 nhà máy chuyên sản xuất các loại linh kiện như màn hình LCD, camera, vỏ máy… cho điện thoại di động.


Chia sẻ về lý do tại sao Samsung chọn Việt Nam để đầu tư xây dựng những cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới của mình, đại diện Samsung cho biết, trước tiên là bởi sự ổn định và nhất quán về chính trị của Chính phủ Việt Nam.


Bên cạnh đó, nguồn lao động dồi dào và đầy tiềm năng của Việt Nam cũng là nhân tố rất quan trọng để Samsung lựa chọn Việt Nam là điểm đến.


Hiện nay, có khoảng 54.000 lao động làm việc tại 2 nhà máy này. Lao động của Samsung không chỉ đến từ Bắc Ninh, Thái Nguyên mà còn từ nhiều tỉnh thành từ miền Trung trở ra.


“Nguyên lý kinh doanh của chúng tôi là sự bền vững và ổn định, chính vì vậy khi quyết định đầu tư tại bất kỳ quốc gia nào, Samsung luôn đặt mục tiêu lâu dài. Đó chính là lý do tại sao mà ngoài Việt Nam…”, đại diện Samsung nhấn mạnh.


Những con số biết nói


Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Samsung Vina Electronics cho biết: Hiện nay, tùy sản phẩm, mức độ tỉ lệ nội địa hóa đạt từ 30-33%. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Samsung đạt 23,9 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tỉ lệ tiêu thụ các sản phẩm của Samsung tại Việt Nam không đáng kể (2-5%), bởi sản phẩm của Samsung chủ yếu được dành cho xuất khẩu và thời gian tới tỉ lệ này sẽ giảm chứ không tăng, bởi sản lượng sản xuất sản phẩm của 2 nhà máy sẽ tăng nhanh, lượng tiêu thụ trong nước tuy có tăng nhưng khó có thể tương ứng với tốc độ tăng nhanh của sản xuất và xuất khẩu.


Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Đạo, với hơn 54 ngàn công nhân hiện nay, mỗi ngày Samsung tiêu thụ tới 9 tấn gạo, 20 ngàn quả dưa và khoảng hơn 10 ngàn quả trứng. Trong thời gian tới, khi nhà máy ở Thái Nguyên đi vào ổn định và số lượng công nhân sẽ tăng thêm khoảng 15 – 17 ngàn người, thì những con số trên sẽ tăng thêm đáng kể hơn...


Còn về hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam, hiện nay Samsung vẫn đang dẫn đầu thị trường về mảng điện thoại thông minh (gồm cả máy tính bảng) với 30,2% thị phần về giá trị.


Trong thời gian tới Samsung vẫn hướng vào các nhóm ngành hàng chủ yếu gồm: Smartphone, máy tính bảng, note và bút S-pen. Ở từng ngành hàng này, tập đoàn sẽ đưa ra các dòng sản phẩm khác nhau…


Ông Nguyễn Văn Đạo cho biết, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm trong năm nay, với mục tiêu tổng sản lượng thiết bị di động của Samsung Việt Nam sẽ chiếm 50% thiết bị di động trên toàn cầu. Điều đó cũng có nghĩa rằng, cứ 10 sản phẩm di động của Samsung bán ra trên thế giới sẽ có 5 sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.


Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến 20/5/2014, cả nước có 500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 3,7 tỷ USD. Cộng với số vốn đăng ký tăng thêm, Việt Nam thu hút được 5,5 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, Hàn Quốc hiện dẫn đầu trong 38 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam khi chiếm gần một phần tư tổng vốn thu hút từ đầu năm đến nay (1,3 tỷ USD)...


Có thể thấy rằng, với sự đầu tư lớn, chiến lược cam kết phát triển lâu dài tại Việt Nam, Tập đoàn Samsung đã và đang tạo ra những con số ý nghĩa, góp sức làm lan tỏa mạnh mẽ trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á