Tòa án nhân dân tối cao vừa tiến hành xét xử phúc thẩm vụ đại án xảy ra tại Tổng Công ty tàu thủy Việt Nam (Vinalines) và giữ nguyên mức án cao nhất đối với nguyên chủ tịch HĐQT và nguyên tổng giám đốc của doanh nghiệp này.
Mặc dù nhân sự chủ chốt đã được thay thế nhưng hiện thời Vinalines giống như con tàu cũ nát, không những không ngoi lên được mà còn tiếp tục… chìm sâu.
Những năm gần đây, hiệu quả hoạt động của Vinalines liên tục bị âm. Từ 2011 đến nay, "con tàu” Vinalines càng bị chìm sâu bởi khoản tiền thua lỗ liên tục tăng lên đến mức khủng, riêng 2013 thua lỗ hơn 3.100 tỉ đồng (gấp hơn 3 lần so với 2012). Là một trong những đơn vị cỡ bự thuộc hệ thống doanh nghiệp nhà nước, Vinalines rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: không hoạt động và đồng nghĩa với đóng cửa tự kết liễu, nếu tiếp tục làm ăn như hiện nay thì mức thua lỗ càng ngày càng phình to hơn. Nhằm cứu vãn tình thế nguy kịch này, Vinalines lựa chọn giải pháp tái cơ cấu bằng cách thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên với điều kiện tài chính như hiện nay, phương án cổ phần hóa của doanh nghiệp này trở nên bất khả kháng.
Tái cơ cấu bằng cách cổ phần hóa là giải pháp đúng về mặt lí thuyết. Áp vào điều kiện cụ thể của Vinalines thì cách giải "bài toán” này gần như là… vô nghiệm. Muốn cổ phần hóa thành công, nhất thiết phải "làm sạch” các khoản nợ, chí ít phải có giải pháp trả nợ được các chủ nợ chấp nhận. Yêu cầu này trở thành đường hầm không lối thoát của Vinalines.
Chỉ tính riêng các tổ chức tín dụng, Vinalines hiện đang là con nợ của 24 ngân hàng thương mại kể cả trong nước và nước ngoài, tổng số nợ lên đến hơn 11 ngàn tỉ đồng. Trong tổng số 24 ngân hàng thương mại là chủ nợ của Vinalines, hơn 50% là ngân hàng trong nước, còn lại là ngân hàng nước ngoài. Viettinbank và Natixis là 2 chủ nợ lớn nhất, Vinalines hiện còn nợ 2 ngân hàng này hơn 3.200 tỉ đồng.
Đứng trước "núi nợ” do chủ quan gây ra, Vinalines đưa ra kiến nghị xin được khoanh nợ và xóa tiền lãi vay. Các chủ nợ đều nói "Không” với đề xuất này của Vinalines. Gần như các cửa thoát hiểm đều bị khép chặt, Vinalines đưa ra "sáng kiến” vay ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) 100 triệu USD để có nguồn trả nợ, nhằm góp phần "làm sạch” sổ sách kế toán trước khi cổ phần hóa. Nhưng câu trả lời của ADB trở thành gáo nước lạnh dội vào Vinalines khi ngân hàng này thẳng thừng từ chối cho vay. Với thực trạng ê chề của doanh nghiệp này, ngay cả công tử Bạc Liêu (nếu còn) cũng không dám ném vốn vào Vinalines.
Vụ đại án xảy ra tại Vinalines đã khép lại. Hậu quả tại doanh nghiệp này sẽ còn tiếp tục "di căn” trong những năm tiếp theo và gây ra nhiều hệ lụy nặng nề. Nguyên nhân gây ra "đại họa” cho Vinalines thuộc về chủ quan, một phần do nội tại doanh nghiệp, một phần do cấp trên của doanh nghiệp.
Bá Tân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét