Chỉ số tiêu dùng CPI tăng tốc trở lại được nhận định sẽ là nỗi lo mới của giới đầu tư.
Về lý thuyết, giá cả biến động nhiều, ổn định và thanh khoản dồi dào là cơ hội để giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, các thông tin nhạy cảm về Biển Đông, vụ xét xử "bầu Kiên" và đại án Dương Chí Dũng vẫn còn có thể có những tác động khó lường đến thị trường.
Hơn nữa, chính sách tiền tệ dù được đại diện Ngân hàng Nhà nước trấn an đảm bảo giữ ổn định nhưng những biểu hiện trên thị trường lại diễn biến ngược lại. Cụ thể, trong tháng 5, thị trường liên ngân hàng đã chứng kiến sự tăng mạnh của các mức lãi suất, đơn cử như lãi suất qua đêm của ngày 29/4 đóng cửa ở mức 1,69% đã tăng lên 3,29% vào ngày 5/5 và ngày 20/5 thì mức lãi suất này vẫn giữ ở mức cao 3,55%.
Như vậy, đây là đợt tăng mạnh của mặt bằng lãi suất tiền đồng kể từ đợt tăng tháng 1 nhằm phục vụ thanh khoản trước dịp Tết. Bên cạnh đó, hoạt động trên thị trường mở sau một thời gian yên ắng đã trở lại giao dịch với việc Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 549 tỷ đồng trong tuần gần nhất (12-16/5/2014).
Các chuyên gia cho rằng, có thể bởi 2 lý do: (1) tâm lý bất ổn xuất phát từ căng thẳng chính trị khiến cho hệ thống ngân hàng phải hành động nhằm dự phòng rủi ro thanh khoản có thể xảy ra; (2) tăng trưởng tín dụng tiếp tục có khả năng được cải thiện dù vẫn còn thấp và còn nhiều khó khăn mà khả năng đạt được mục tiêu cả năm còn rất xa.
Một điểm đáng lưu ý tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư là những thông tin về kinh tế và xã hội 5 tháng đầu năm được Tổng cục Thống kê công bố. Có thể các chỉ tiêu vẫn thể hiện khía cạnh tích cực của nền kinh tế bởi những căng thẳng chính trị gần đây nếu có ảnh hưởng vẫn cần có thêm độ trễ để bổ sung.
Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư có phần dè chừng trong việc mua bán. Và trên thực tế, thị trường trong ngắn hạn đã chịu tác động bởi việc chỉ số CPI tháng 5/2014 tăng trở lại so với tháng 4/2014. Nguyên nhân xuất phát từ Chỉ thị 1095/CT-TCĐBVN về kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ.
Chỉ thị này do Bộ Giao thông Vận tải ban hành hồi cuối tháng 3/2014, có hiệu lực từ ngày 1/4. Mục tiêu trước mắt là giảm dần, tiến tới chấm dứt tình trạng xe quá tải, quá khổ. Sau khi chỉ thị có hiệu lực, giá cước vận tải đường bộ đã tăng đột biến với mức 40 - 100%. Cước phí vận tải chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí bán hàng của nhiều ngành hàng.
Do đó, việc tăng giá cước sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá nhóm hàng giao thông mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến chỉ số giá của hầu hết các nhóm hàng khác trong rổ CPI như nhóm hàng ăn uống, nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, và đồ dùng gia đình... Trong tháng 5/2014, giá bán gas cũng tăng 8.000 đồng/bình 12kg. Tuy nhiên, so với tổng mức giảm khoảng 93.000 đồng/bình 12kg trong bốn tháng đầu năm, mức tăng này không lớn nên sẽ không gây áp lực lên chỉ số chung.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với mức tăng 0,2%, lạm phát 5 tháng đầu năm 2014 sẽ vào khoảng 1,38% và lạm phát năm vào khoảng 5,03%.
"So với mức tăng khá mạnh của giai đoạn trước năm 2013, mức tăng CPI như dự báo trên là không đáng quan ngại. Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ giá USD/VND và giá vàng đang có nhiều biến động bất thường do ảnh hưởng của sự kiện ngoài tầm kiểm soát, lạm phát năm 2014 đang bắt đầu xu hướng tăng trở lại, có thể gây tâm lý lo lắng trong ngắn hạn", VDSC dự báo.
Với diễn biến hiện tại, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng, xu thế tăng sẽ còn tiếp diễn với kịch bản VN-Index sẽ lên đến khu vực 550 điểm.
Tuy nhiên, một số yếu tố kìm hãm động lực tăng giá của thị trường trong nhịp hồi phục này cũng được FPTS nêu ra như thanh khoản yếu, áp lực cung hàng có thể sẽ mạnh hơn trong các phiên tới do hầu hết lượng cổ phiếu bắt đáy đã có mức sinh lời nhất định, tình hình Biển Đông vẫn căng thẳng... "Cần ưu tiên nắm giữ những cổ phiếu cơ bản tốt với triển vọng lạc quan trung - dài hạn, còn lướt sóng nên thận trọng", FPTS khuyến cáo.
Trong khi đó, theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán BVSC, trong ngắn hạn, thị trường khó có thể nhận được sự hỗ trợ nào về mặt thông tin đủ tích cực để có thể tăng điểm mạnh ngay trở lại. Kịch bản giằng co đi ngang có thể sẽ tiếp diễn và nhà đầu tư sau khi rút tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn (dưới 30%) nên tạm thời "đứng ngoài quan sát" cho đến khi có tín hiệu mới.
Rõ ràng, các chuyên gia đều giữ nguyên quan điểm nên duy trì tỷ trọng tiền mặt ở mức cao, hạn chế sử dụng đòn bẩy và nhất thiết không nên mua đuổi ở những phiên tăng nóng.
Do rủi ro vẫn còn cao nên danh mục đầu tư cần có sự chuẩn bị sẵn đối với những biến động khó lường trong ngắn hạn như tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ, tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp (khoảng 30%) và hạn chế sử dụng margin. Ở hướng ngược lại, nhà đầu tư dài hạn vẫn có thời gian để lựa chọn cổ phiếu để đầu tư giá trị và tranh thủ tích lũy những cổ phiếu "không thể chờ" ở những nhịp giảm sâu của thị trường.
Theo doanhnhansaigon.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét