Toàn ngành ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 51.44 tỷ trong khi cùng kỳ lãi 135.4 tỷ đồng do mất đi nguồn thu “khủng” từ bán tài sản của Gemadept và Vipco.
Cụ thể, theo thống kê của Vietstock, trong số 17 doanh nghiệp niêm yết thuộc lĩnh vực Vận tải thủy, chỉ có 5 công ty báo lỗ trong quý 1/2014, giảm so với con số 8 công ty trong cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, mức lỗ của các công ty này là 186.5 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ gần 4% so với mức lỗ của quý 1/2013. Trong khi đó, số công ty báo lãi quý 1/2014 là 11 công ty với tổng mức lãi là 135 tỷ đồng, giảm mạnh 59% so với tổng mức lãi của 9 công ty báo lãi trong quý 1/2013.
"Án tử" gọi tên
Hoạt động kém hiệu quả nhất trong ngành Vận tải thủy niêm yết thuộc về Vận tải Vinaconex (VCV). Trong quý 1/2014, VCV thậm chí còn không có doanh thu, trong khi đó các chi phí không giảm. Đặc biệt, hoạt động khác làm đơn vị này lỗ gần 90 tỷ đồng. Đây là những nguyên nhân khiến lợi nhuận của VCV âm gần 95 tỷ đồng, con số lỗ này đã tăng hơn 1.5 lần so với quý 1/2013.
VCV có lỗ lũy kế tính đến 31/03/2014 lên đến 196 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ 110 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong các năm 2011, 2012 và 2013 VCV đều có kết quả lợi nhuận sau thuế âm nên đã chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 20/05/2014.
Xếp hàng yếu kém thứ hai là Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (HOSE: VST), kết thúc quý 1/2014, VST lỗ gần 38 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên gần 338 tỷ đồng. Tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2014 vừa qua, VST chỉ đề ra kế hoạch bớt lỗ chứ chưa thể mang lại lợi nhuận.
Cụ thể, năm 2014 VST đặt kế hoạch doanh thu 1,305.8 tỷ đồng và lợi nhuận tiếp tục âm 179 tỷ đồng (năm 2013, VST lỗ gần 224 tỷ đồng). Ngoài tàu Viễn Đông 3 đã được lên kế hoạch bán từ năm 2013, VST sẽ bán thêm tàu VTC Sky. Nếu bán được cả hai tàu này, VST sẽ cắt bớt lỗ khoảng 17 tỷ đồng.
Trước đó, kết quả kinh doanh năm 2012 và 2013 của VST đã kém khả quan khi lỗ lần lượt 125 tỷ đồng và 224 tỷ đồng. Nếu năm 2014 thực hiện đúng như kế hoạch đề ra, VST sẽ theo chân VCV hủy niêm yết trong năm 2015.
Bên cạnh VST, một số công ty khác như VOS, VNA, SSG và ILC cũng có khả năng bị hủy niêm yết trong năm 2015 nếu kết quả kinh doanh 2014 không được cải thiện.
Trong số này, VOS và VNA có lợi nhuận quý 1/2014 lỗ lần lượt hơn 29 tỷ đồng và gần 10 tỷ đồng. SSG với báo cáo tài chính quý 1/2014 chỉ ghi nhận doanh thu thuần hơn 22 tỷ đồng và không có lợi nhuận. ILC là đơn vị khả quan nhất với con số lãi hơn 1.8 tỷ đồng trong quý 1/2014.
"Ông lớn" sa sút
Ở một khía cạnh khác, nhóm các công ty có lãi cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh. Tổng lợi nhuận của 11 công ty có lãi trong quý 1/2014 chỉ ở mức hơn 135 tỷ đồng, bằng gần 41% so với mức lãi của 9 công ty ở quý 1/2013. Nguyên nhân chủ yếu do các ông lớn trong ngành sụt giảm mạnh, thậm chí là lỗ trong quý 1/2014.
Gemadept (HOSE: GMD) là đơn vị đứng đầu về mức lợi nhuận quý 1/2013 của ngành với hơn 146.5 tỷ đồng nhưng qua quý 1/2014 chỉ còn lại hơn 39.5 tỷ đồng, giảm đến 73%. Trong quý 1/2014, doanh thu tài chính của GMD giảm mạnh 79% về chỉ còn 40 tỷ đồng, lợi nhuận khác cũng giảm 25% về còn 5.5 tỷ đồng.
Bên cạnh GMD, quý 1/2014 cũng đánh dấu quý đầu tiên báo lỗ của Vận tải xăng dầu Vipco (HOSE: VIP) kế từ năm 2010, công ty lỗ gần 15 tỷ đồng trong khi đó cùng kỳ năm ngoái đơn vị này lãi hơn 112 tỷ đồng. Việc lợi nhuận của GMD và VIP sụt giảm mạnh là một trong những nguyên nhân chính đưa tổng lợi nhuận của 17 công ty Vận tải thủy âm trong quý 1/2014.
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm lợi nhuận tại hai "ông lớn" là do năm 2013 đã ghi nhận những khoản lợi nhuận ngoài hoạt động kinh doanh chính. VIP đã thực hiện bán tài sản trên đất thuê tại cảng container Đình Vũ Hải Phòng; GMD giai đoạn này cũng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư với hai thương vụ bán vốn góp tại CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo (Vinhhao) và bán tòa nhà Gemadept Tower.
Tăng nhỏ giọt
Tuy nhiên, trong quý 1/2014 cũng đánh dấu sự "tiến bộ" của một số công ty lớn như PVT và VTO. PVT đạt 1,339.5 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hơn 50 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 14% so với quý 1/2013.
PVT cho biết, doanh thu và lợi nhuận tăng là do công ty đưa thêm tàu chở hàng và tàu chở dầu thô mới vào hoạt động, đồng thời lại không bị ảnh hưởng bởi những phát sinh chi phí chênh lệch tỷ giá (quý 1/2013 có ghi nhận phát sinh chi phí chênh lệch tỷ giá hạch toán phân bổ là 13 tỷ đồng).
Còn tại VTO, quý 1/2014 đơn vị này thu về gần 415 tỷ đồng, tăng 11% và lợi nhuận sau thuế đạt gần 3.8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 7.9 tỷ đồng.
Theo VTO, doanh thu và lợi nhuận của tăng là do hoạt động kinh doanh xăng dầu tăng hơn 68 tỷ đồng, trong khi đó, hoạt động kinh doanh vận tải giảm hơn 27 tỷ đồng do thay đổi cơ cấu kinh doanh khai thác đưa toàn bộ đội tàu vào thuê định hạn. Bên cạnh đó, công ty thay đổi hình thức khai thác tàu nên việc kiểm soát chi phí hiệu quả hơn, đồng thời công ty còn mở rộng thêm loại hình kinh doanh khác như quản lý tàu nên đã góp phần đem lại lợi nhuận.
Ngoài ra, một số công ty khác như GSP, MHC, HTV và TJC có kết quả kinh doanh khả quan hơn cùng kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét