Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Kinh tế 2014 vẫn khó khăn

Kinh tế 2014 vẫn khó khăn


Tình hình Biển Đông ảnh hưởng đến hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội.


Khai mạc phiên họp thứ 28, sáng 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2014.


Môi trường đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng


Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đến nay tình hình kinh tế - xã hội và thu chi NSNN có khá hơn, song nền kinh tế đang gặp khó khăn mới do ảnh hưởng của việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng đề nghị, Chính phủ có đánh giá bổ sung về tác động của tình hình Biển Đông hiện nay đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014. Bởi theo ông, tình hình Biển Đông vừa xảy ra hết sức phức tạp, các NĐT nước ngoài có e ngại nhất định khi tình hình vẫn căng thẳng. Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh của một số DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn do công nhân đình công, đập phá nhà xưởng, cùng với các phong trào tự phát trong toàn dân tẩy chay hàng hóa Trung Quốc mới nảy sinh, gây ảnh hưởng tới quan hệ thương mại hai chiều.


Thừa nhận tình trạng khó khăn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết: Đến nay tình hình kích động, xúi giục có nguy cơ lan rộng, các hiệp hội, đại diện thương mại và các sứ quán đã có công hàm gửi Bộ trưởng Bộ KH&ĐT yêu cầu Chính phủ bảo vệ. Ông Vinh cũng cho rằng, với hành động biểu tình gây rối quá khích, hình ảnh về môi trường đầu tư và kinh doanh mà Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và bảo vệ suốt 20 năm qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo ông Vinh, nếu chúng ta không mạnh mẽ để ngăn chặn, tình trạng này sẽ mang lại hậu quả rất xấu về kinh tế.


Đề nghị thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách


Liên quan đến phương án xử lý cân đối NSNN năm 2013, Chính phủ trình phương án cân đối NSNN năm 2013 với mức bội chi NSNN cả năm là 190.250 tỷ đồng, tương đương 5,15% GDP ước thực hiện.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (TCNS) - ông Phùng Quốc Hiển đề nghị thực hiện đúng theo Nghị quyết số 54/2013/QH13 của Quốc hội, đảm bảo đúng quy định của Hiến pháp. Theo đó, Quốc hội chỉ cho phép điều chỉnh tăng mức bội chi NSNN “căn cứ số hụt thu thực tế của ngân sách trung ương năm 2013”, nhưng không quá 195.500 tỷ đồng (tương đương 5,3% GDP ước thực hiện). Để có căn cứ pháp lý thực hiện, Ủy ban TCNS đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về vấn đề này.


Riêng về phân bổ và giao dự toán NSNN năm 2014, Ủy ban TCNS cho biết, việc triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành năm 2014 đã tích cực hơn các năm trước, bảo đảm đúng thời hạn, về cơ bản đã giao đủ và phân bổ hết kinh phí cho các đơn vị theo quy định. Tuy nhiên, còn tình trạng chấp hành chưa nghiêm Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vẫn còn tình trạng bố trí vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục, chưa có quyết định đầu tư, chưa phê duyệt tổng dự toán. Việc bố trí vốn để thu hồi nợ ứng trước, giảm nợ XDCB chưa đáp ứng yêu cầu, nợ XDCB còn cao ở một số địa phương.


Để đảm bảo cân đối NSNN, ông Hiển đề nghị cần giữ nghiêm kỷ luật tài chính, các sai phạm trong quản lý thu, chi NSNN phải được xử lý kiên quyết. Hạn chế tối đa việc ứng vốn đầu tư cho các công trình, dự án; yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần bố trí trả đủ các khoản huy động đầu tư theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Luật NSNN đến hạn phải trả trong năm 2014.


Ủy ban TCNS cũng đề nghị Chính phủ cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện kịp thời gian lận về thuế để truy thu vào NSNN, xử phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Tập trung theo các chuyên đề thanh tra, kiểm tra về chuyển giá, lĩnh vực khai thác khoáng sản... là những lĩnh vực tồn tại nhiều gian lận, trốn thuế. Đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, giảm tối đa tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% số thực hiện thu (ước số nợ đọng thuế đến cuối năm 2013 khoảng 8-9% tổng thu) để tăng thu kịp thời cho NSNN, đồng thời bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp, cá nhân nộp thuế.









Chiều 15/5, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã có văn bản gửi các Đại sứ quán, các Tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam và các địa phương, khẳng định các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang sớm ổn định tình hình, bảo vệ hoạt động hợp pháp của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Bộ KH&ĐT khẳng định, các cơ quan Nhà nước các cấp của Việt Nam đã có các biện pháp kiên quyết ngăn chặn, không để sự việc tiếp tục diễn biến và lan rộng. Nhiều đối tượng cầm đầu, kích động đã bị điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.


Xuất phát từ sự bức xúc trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người dân và người lao động ở một số địa phương đã tự phát biểu tình phản đối các hành động vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của phía Trung Quốc. Nhưng việc này đã bị kẻ xấu trà trộn xúi giục, giả danh công nhân gây kích động dẫn tới nhiều hành vi manh động, bột phát, gây ra những tổn thất về tài sản cho một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam.



Theo Thời Báo Ngân Hàng




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á