Có hai tình huống mà NĐT cá nhân ít kinh nghiệm khi rơi vào nên đứng ngoài và nghỉ ngơi một thời gian: đó là ngay sau khi “chốt lời” và ngay sau khi “cắt lỗ” toàn bộ tài khoản.
Men say chiến thắng sau khi chốt lời thường khiến ta tự kiêu và hoang tưởng về khả năng của bản thân, từ đó dẫn đến hành vi mua bán cổ phiếu vội vàng, ít tính toán. Nguy hiểm hơn là cảm giác của bên thắng cuộc sẽ nhấn chìm mọi ý nghĩ cắt lỗ khi cổ phiếu biến động không theo dự đoán ban đầu. Bi kịch từ trường hợp này người viết đã gặp rất nhiều và mới đây thôi, nhiều người sau khi ăn trọn sóng tăng của dòng chứng khoán lại quyết định nhảy vào tiếp đợt 2 khi thị trường đang hừng hực, hậu quả là kẹp cổ phiếu từ trên đỉnh 608 đến tận bây giờ và mất hết thành quả từ đầu năm (“bỗng chốc cơ đồ hóa tay không!”).
Ngược lại, sau khi cắt lỗ toàn bộ tài khoản, tâm lý của NĐT cá nhân thường là tiếc nuối, tự kỷ và mong muốn… lấy lại nhanh số lỗ vừa mất. Ở thái cực tâm lý tiêu cực này, các quyết định cũng thường được đưa ra trong vội vàng. Nhất là khi NĐT mới cắt đúng đáy thì tâm lý “phải lấy lại bằng mọi giá” càng mãnh liệt, nó thôi thúc mua mua bán bán rất ghê gớm. Kết quả trong 10 trường hợp thì có lẽ đến 8 là tiếp tục phải cắt lỗ hoặc trở thành “NĐT chiến lược” gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Ở hai tình huống này, NĐT cá nhân rất dễ để cảm xúc thái quá chi phối, các quyết định đưa ra thường thiếu đi sự sáng suốt và hậu quả thì hầu như ai cũng phải trả qua một vài lần. Giai đoạn hiện tại, có nhiều NĐT cá nhân rơi vào tình huống số 2 và rất khó để họ kiềm chế bản thân, không tham gia vào giai đoạn mà “sóng sánh” thị trường mạnh như hiện nay.
Thị trường trong tuần – như nhảy sạp!
Điều dễ nhận thấy trong giai đoạn hiện nay là biến động của VN-Index rất thất thường, những phiên tăng giảm đan xen liên tiếp nhau với biên độ rộng hàng chục điểm một phiên. Sau biến cố bất ngờ trên biển Đông; dù khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng, các chuyên gia, các quan chức Ủy ban liên tiếp lên báo chí trấn an, nhưng rõ ràng chưa thể làm tâm lý thị trường ổn định trở lại. Có thể thấy hình ảnh thu nhỏ của TTCK giai đoạn này là ở phiên 15/05: cả sáng thị trường xanh điểm khá tốt, nhưng ngay sát thời điểm đóng cửa phiên sáng, nhất là 2 phút ngay sau khi mở cửa phiên chiều thì lực cung ồ ạt tháo chạy. Lực cung mạnh được đẩy vào dứt khoát trong khoảng thời gian quá ngắn, vào thời điểm mà tâm lý thị trường thường trầm lắng (sát giờ đóng cửa phiên sáng và ngay khi mở cửa phiên chiều) ắt hẳn không xuất phát từ NĐT cá nhân.
Phiên 15/05 có lẽ sẽ được nói thêm nhiều bởi nó cảnh báo nỗ lực phục hồi từ vùng đáy 508 của thị trường đang gặp trở ngại mạnh từ lượng cung còn kẹp, nhất là lượng hàng từ NĐT tổ chức. NĐT tổ chức - với tính kỷ luật cao – họ sẽ đẩy ra quyết liệt để giảm rủi ro nếu danh mục đến ngưỡng cắt lỗ, mà yếu tố này chúng ta không đo lường được.
SSI – phải mất thời gian lâu để những mã thị trường hút dòng tiền lớn quay trở lại! (nguồn dữ liệu: VietstockUpdater)
Người viết cho rằng, đà tăng giá ngay của thị trường gặp quá nhiều trở ngại, kịch bản tích cực nhất của thị trường đoạn này có lẽ chỉ là lập vùng đáy ở đây (500-525), điểm số sideway chán chê vài tháng trước khi bứt hẳn lên. Giai đoạn tích lũy vùng đáy ấy sẽ là lúc thị trường tiêu hóa hết và dần miễn nhiễm với tin tức trên biển đông (nếu căng thẳng 2 bên vẫn duy trì ở mức… phun vòi rồng) – giống như hiện nay thị trường đã miễn nhiễm với tin về lãi suất, lạm phát…. Còn kịch bản tiêu cực là thị trường lập đáy chữ V hồi lên vài chục điểm rồi… rơi tiếp. Thông thường, đáy chữ V chỉ là những bull-trap kinh điển bởi cổ phiếu (thị trường) tăng giá mà không dựa trên một nền tảng giá chặt chẽ thì thường không đi được xa.
Dù sao, với biến động thất thường trong một xu thế giảm theo tháng rõ nét (đã thiết lập đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước) như vậy, cơ hội “kiếm ăn” trên thị trường đoạn này rõ ràng quá mờ mịt, chỉ dành cho “tay to” nhập hàng hoặc “dân” trading chuyên nghiệp. Người viết (vừa ở trạng thái mới cắt lỗ, vừa chưa tìm được mã cổ phiếu nào ưng ý) tiếp tục đứng ngoài thị trường để quan sát và nhìn lại những bài học đầu tư trong năm nay.
Đoàn Xuân Thạo
Congly
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét