Trải qua bao biến cố cuộc đời trong mất mát, tủi cực, giờ đây người chồng-người cha nghèo khó, bất hạnh ấy vẫn đang đặt trên vai quá nhiều gánh nặng mà không biết bám víu vào đâu.
Hai số phận
Chạy loanh quanh trên đường Lê Đức Thọ (P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM) một lúc, tôi cũng tìm được khu trọ nhỏ trong hẻm 239. Ông Thái nhảy lò cò ra cửa đón tôi cùng một nụ cười không giấu được cái vẻ héo hon, hốc hác trên mặt. Bà Nguyễn Thị Hậu (SN 1962, vợ anh Thái) nằm co ro trong góc giường. Thấy khách đến, cô gượng ngồi dậy nhưng chỉ một lúc lại khó thở và lả đi.
Ông Thái lăn xe đi bán vé số kiếm tiền chạy chữa căn bệnh ung thư cho vợ
Bà Hậu khẽ thở dài: “Từ ngày phát bệnh đến nay, tôi thấy mình bất lực lắm, làm khổ chồng con trăm bề. Cũng chẳng còn cách nào khác ngoài việc tự mình cố gắng vượt qua”. Nói rồi, bà lặng lẽ khóc. Ông Thái ngồi bệt dưới sàn nhà, tay mân mê tờ giấy hẹn ngày xạ trị của vợ, gương mặt lộ rõ vẻ lo âu. Câu chuyện về những mất mát, tủi cực, tình yêu và nghị lực của vợ chồng ông thật nhiều trúc trắc.
Ông Thái sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở Vĩnh Long, có đến 5 anh em nên đường học vấn của ông sớm dở dang. Ở nhà, ông cuốc đất, gieo mạ để phụ cha mẹ. Năm 1985, trong một lần làm việc ngoài vườn, ông cuốc phải mìn. Tại nạn bất ngờ đó khiến ông bị mất một chân trái.
Ông nhớ lại: “Hồi ấy, tôi còn rất trẻ, sau nhiều ngày nằm mê man trong bệnh viện, khi tỉnh dậy và biết chân trái của mình bị cưa bỏ, tôi hoang mang và suy sụp. Suốt nhiều tháng sau đó, tôi không làm được gì. Học hành dở dang, công việc không có, lại thêm cảnh bị cụt mất một chân, tôi xem như không còn hy vọng. Thế nhưng, mẹ tôi nói rằng, dù có thế nào cũng phải sống, đối diện và thích nghi với hoàn cảnh mới. Thật lòng mà nói, sâu trong tiềm thức mình, tôi chưa bao giờ hết hoang mang và sợ hãi, hụt hẫng và thất vọng. Nhưng như mẹ tôi nói, còn sống là còn hy vọng. Tôi bắt đầu chập chững tập đi trở lại bằng nạng”.
Ông Thái bảo mình đã bị té không biết bao nhiêu lần, chân phải tứa máu, bàn tay sưng vù và cả cơ thể đều ê ẩm trong nhiều ngày. Thế nhưng, “có công mài sắt có ngày nên kim”, cuối cùng ông Thái cũng chống nạng đi được dù khập khiễng.
Bà Hậu cũng là người Vĩnh Long. Khi tôi hỏi chuyện học hành, ánh mắt bà buồn buồn. Ông Thái nói đỡ cho vợ: “Chỉ biết dăm ba chữ thôi. Con gái nhà nghèo, kiếm cái ăn vốn đã quá khó rồi nói chi đến chuyện học. Vợ tôi khổ từ bé, nhưng cô ấy rất chăm chỉ và hiền lành”. Khi gặp nhau, ông Thái đã bị mất một chân. Bởi vậy, tình yêu của hai người trẻ thời đó gặp sự cản ngăn của gia đình.
Bản thân ông Thái thừa nhận mình đã lo lắng và bất an về nhiều chuyện. Ông bộc bạch: “Tôi tật nguyền, nghề nghiệp không có nên cứ trằn trọc mãi. Vợ tôi khi ấy cũng không có việc gì ổn định. Tôi lo mình sẽ không nuôi nổi vợ, rồi cô ấy khổ. Cuối cùng, vượt qua hết mọi định kiến, mặc cảm và sợ hãi, chúng tôi cưới nhau với hai bàn tay trắng. Tất cả có lẽ là duyên phận cả…”.
Nên duyên chồng vợ, ông Thái, bà Hậu chọn nghề bán vé số để sinh nhai. Ngày ngày, ông chống nạng lê lết khắp hang cùng ngõ hẻm của xã, huyện và các khu chợ chào mời từng tờ vé số. Bà Hậu cũng tất tả đi bán vé số bất kể mưa nắng. Thế rồi, hai đứa con (một trai, một gái) lần lượt chào đời. Những nỗi lo cơm áo lại đè nặng trên vai ông bà. Ông Thái bàn với vợ: “Nghe bảo Sài Gòn rộng lớn lắm. Ở nơi như thế hẳn là mình sẽ bán được nhiều vé số hơn. Hai vợ chồng cứ liều lên đó một phen, chứ ở quê hoài thế này sợ có ngày cả nhà chết đói, con cái dở dang đường học như cha mẹ hết”.
Ngẫm đi ngẫm lại, thấy lời chồng có lý nên bà Hậu đồng ý. Đầu năm 2010, hai người khăn gói lên Sài Gòn, để hai đứa con dại ở quê. Vừa tìm được căn phòng trọ nhỏ trên đường Lê Đức Thọ, hai vợ chồng đã dắt nhau đi bán vé số. Ông Thái bảo, thời gian là vàng, phải tận dụng từng phút một. Cứ ngỡ với cái tính chăm chỉ, chịu thương chịu khó của hai vợ chồng thì thể nào cuộc sống cũng sẽ khá hơn. Nào ngờ, chỉ sau bốn tháng bươn chải ngược xuôi trên Sài Gòn, bà Hậu ngã bệnh.
Ban đầu chỉ là các triệu chứng mệt mỏi, rụng tóc và mặt mày xanh tái. Thế rồi, ngày nọ, bà Hậu ngất xỉu ngay trên đường đi bán vé số. Không chần chừ, ông Thái đưa vợ vào bệnh viện khám và chết điếng khi bác sĩ thông báo bà bị ung thư vú. Bà Hậu tâm sự: “Đó là một ngày ảm đạm và mỏi mệt với chúng tôi. Tôi hoang mang, chồng tôi suy sụp. Mọi khó khăn dường như chỉ mới bắt đầu”.
Sâu nặng nghĩa tình
Người lao động ở khu trọ nghèo này không ai không thương vợ chồng ông Thái. Hôm tôi ghé thăm, vừa nhắc đến tên ông, bà Nguyễn Minh Hà (sống cùng khu trọ) khẽ thở dài: “Khổ lắm cháu ạ. Hai vợ chồng nhà ấy tính tình hiền lành, sống thân thiện, hòa đồng với mọi người xưa giờ. Từ ngày vợ bệnh, hai vợ chồng có khi chẳng còn gạo mà ăn.
Chúng tôi trọ ở đây, ai cũng nghèo, chẳng giúp được tiền bạc, chỉ có thể chia sẻ với vợ chồng anh Thái con cá, mớ rau, cái bánh. Anh Thái bị cụt chân, người xanh xao vì thiếu ăn thiếu ngủ vậy mà chăm làm lắm. Thấy anh ngày ngày lăn xe đi bán vé số bất kể nắng mưa, chúng tôi xót lắm nhưng chẳng còn cách nào khác”. Từ năm 2010 đến nay, bà Hậu đã trải qua giai đoạn hóa trị, chuẩn bị chuyển sang xạ trị và phẫu thuật. Trong suốt thời gian đó, ông Thái vừa cắm cúi kiếm tiền, vừa kề cận chăm sóc vợ.
“Những đợt vô hóa chất, tóc vợ tôi rụng hết, ăn cái gì cũng ói ra và thậm chí không tự vệ sinh cá nhân được. Từ một người khỏe mạnh bỗng chốc như thế, tôi biết vợ mình rất đau lòng. Với tôi, một ngày vợ chồng đã nên nghĩa trăm năm. Huống chi, chúng tôi đã gắn bó mười mấy năm ròng, có với nhau hai mặt con. Bởi vậy, cực khổ mấy tôi cũng chịu đựng được chỉ mong có phép mầu giúp vợ tôi khoẻ mạnh trở lại”.
Vợ chồng ông Thái, bà Hậu.
Nghe chồng nói, nước mắt bà Hậu lại ứa ra. Bà bảo, do cái nếp nghĩ mộc mạc mà chân thành đó của ông nên bà càng không cho phép mình gục ngã. Bà cứ hy vọng rồi lại hy vọng về một ngày mình hoàn toàn khỏe lại, cùng chồng bán vé số hoặc làm thuê làm mướn nuôi con.
Sau khi bà Hậu phát bệnh, cô con gái lớn dưới quê buộc phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền lo cho đứa em trai đang học lớp 6. Chân đau, thêm bệnh gai cột sống cổ nhưng chưa ngày nào ông Thái dám nghỉ bán vé số, trừ ngày vợ nhập viện vô hoá chất. Người đàn ông gầy gò, khắc khổ ấy ngay cả uống thuốc giảm đau cũng tiết kiệm.
Ông bộc bạch: “Tôi đau lâu rồi mà không dám đi khám, khi đau chịu không thấu tôi mới dám vào bệnh viện. Hay tin mình bị gai cột sống cổ, tôi lo. Tôi cần có sức khoẻ, không thể gục xuống lúc này vì tôi phải làm chỗ dựa cho vợ, con. Hồi còn ở quê, tôi chống nạng lết đi bán vé số, lên Sài Gòn, tôi được một người hảo tâm cho chiếc xe lăn. Có xe nên việc bán vé số thuận tiện hơn. Tuy nhiên, không như trước, vé số giờ bán khó lắm. Vả lại, người bán cũng đông, tôi lại di chuyển chậm và khó nên lượng vé số bán được ngày càng giảm”.
Sáng sáng, anh Thái dậy từ sớm để chuẩn bị cơm nước cho bà Hậu. Chừng 3- 4 giờ chiều thì ông về tắm giặt, chuẩn bị cơm tối cho vợ rồi lại đi. Tôi hỏi ra ngoài suốt như vậy thì bác ăn uống thế nào?
Ông Thái thiệt tình: “Tôi thì ăn gì rồi cũng qua bữa, chỉ lo cho vợ tôi thôi. Thật ra, buổi trưa xem như tôi nhịn, sáng thì ăn qua loa gì đó và tối cũng vậy thôi. Vợ tôi cần có chất để bồi bổ mới đủ sức khỏe mà trị bệnh. Có gì ngon, tôi nhường vợ hết. Nhiều đêm tận 11-12 giờ, thậm chí 1 giờ sáng tôi còn ráng lăn xe qua mấy khu bờ kè, quán nhậu bán vì ở đó đông người. Sắp tới đây, vợ tôi sẽ bắt đầu được xạ trị. Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, có sổ BHYT nên xem như đỡ được phần nào. Dù vậy, việc điều trị kéo dài khiến chúng tôi hoàn toàn khánh kiệt. Tôi rất lo nhưng không thể ngưng điều trị cho vợ. Còn nước còn tát mà”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét