Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Các ngân hàng cần thận trọng khi chạy tăng trưởng tín dụng

Các ngân hàng cần thận trọng khi chạy tăng trưởng tín dụng


Ngay từ đầu quý III/2013, các ngân hàng bắt đầu cuộc đua nước rút nhằm kéo tăng trưởng tín dụng những tháng còn lại của năm đảm bảo đạt lợi nhuận theo kế hoạch cho các ngân hàng và phù hợp với “room” tăng trưởng tín dụng đã được ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Tăng trưởng tín dụng hiện còn thấp


Vụ Chính sách Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến hết tháng 8/2013, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng (NH) đạt 6,45% so với cuối năm 2012. Điều này cho thấy những đợt điều chỉnh trần lãi suất huy động của NHNN trong các quý trước đã phát huy tác dụng. Trước đó, số liệu của NHNN cho thấy, tính đến ngày 30/7, tăng trưởng tín dụng cả hệ thống chỉ đạt 5,15% làm dấy lên lo ngại mục tiêu tăng trưởng tín dụng có thể không đạt được trong năm nay.


Vì vậy, ngay từ đầu quý III/2013, các NH bắt đầu cuộc đua nước rút nhằm kéo tăng trưởng tín dụng những tháng còn lại của năm đảm bảo đạt lợi nhuận theo kế hoạch cho các NH và phù hợp với “room” tăng trưởng tín dụng đã được NHNN phê duyệt. Thông thường, thời điểm cuối năm tín dụng có thể tăng mạnh do các doanh nghiệp có nhu cầu vốn phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa dịp tết và nhu cầu vay mua nhà, mua xe hay tiêu dùng vào dịp cuối năm của người dân cũng tăng mạnh.


Để có thêm điều kiện đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ từ nay đến cuối năm, nhiều NH đã tính phương án xin nới room tăng trưởng tín dụng. VIB đã xin điều chỉnh lên mức 20%, NH Nam Á đã xin nới tăng trưởng tín dụng lên 3,3 lần từ chỉ tiêu 9% hồi đầu năm lên mức 30%, NH Hợp tác xã xin điều chỉnh lên 15%...


Thực tế, từ đầu quý III/2013, tín dụng của hầu hết các NH đều có sự tăng trưởng đáng kể. Thống kê của TP Hà Nội cho biết tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 9 năm 2013 tăng 3,5% so với cuối năm 2012. Tại TP Hồ Chí Minh, dư nợ riêng cho vay VND ước tính đến 31/8 khoảng 743.665 tỉ đồng, tăng 11,55% so với cuối năm 2012, tuy nhiên, tính chung thì dư nợ chỉ tăng 4,82% so với cuối năm 2012.


Trong đó, một số NH có dư nợ lớn đã tăng trưởng trở lại như Agribank tăng 4,2% (tính đến 6/2013), Vietcombank tăng 2,8% (tính đến 8/2013) sau nhiều tháng tăng trưởng âm. Một số NH nhỏ hơn có mức tăng trưởng khá mạnh như VIB đến hết tháng 9/2013 dự kiến tăng trưởng tín dụng đạt 6%. Các NH khác như VietCapitalBank, HDBank, NamABank dự tính đều có mức tăng trưởng khoảng 10%.


Bên cạnh đó, một số NH vẫn còn tăng trưởng âm như NH Nam Việt giảm 15,4%, NH Phương Đông giảm 5,8%, NH Phương Nam giảm 1,6%… tuy nhiên, sự sụt giảm này chủ yếu do khả năng đáp ứng các điều kiện cho vay như tài sản bảo đảm hay phương án kinh doanh của người vay kém đi do bối cảnh kinh tế khó khăn nên các NH không thể đẩy mạnh cho vay.


Một trong những nguyên nhân chính giúp tín dụng tăng trưởng trở lại trong vài tháng qua là tác động từ việc giảm mặt bằng lãi suất. Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 9-12%/năm so với thời điểm giữa năm 2011 và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006, thấp hơn năm 2007.


Mặt khác, từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều hành chính sách lãi suất bám sát thị trường, đặc biệt theo sát diễn biến lạm phát. Lãi suất tiền gửi dù có điều chỉnh giảm nhưng vẫn luôn đảm bảo thực dương cho người gửi tiền. Đặc biệt, nếu như trước đây, lãi suất cho vay thường giảm chậm hơn so với lãi suất huy động, nhưng hiện nay các NH chủ động giảm lãi suất các khoản vay cũ.


Ngoài ra, việc thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng là một yếu tố tích cực giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. VAMC đi vào hoạt động sẽ giúp quá trình cơ cấu các khoản nợ của hệ thống NH được nhanh hơn. Dự kiến, trong đợt 1 năm 2013, VAMC sẽ xử lý khoảng 10.000 tỉ đồng nợ xấu của các NH Navibank, SCB, Agribank, SHB. Khi VAMC mua bớt một phần nợ xấu thì gánh nặng của các NH sẽ giảm xuống, từ đó có thể đẩy tín dụng ra nhiều hơn.


Có nhất thiết phải đạt tăng trưởng 12%?


Mặc dù mức tăng trưởng đã cải thiện hơn, nhưng vẫn khá chậm và thấp so với kế hoạch đề ra cho cả năm, trong khi thời gian còn lại của năm nay không còn nhiều. Nếu đà tăng trưởng trong vài tháng qua không được tiếp tục duy trì thì khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 12% vào cuối năm khó có thể thực hiện được. Điều này đã khiến nhiều NH phải đua nhau giảm lãi suất cho vay tiêu dùng xuống thấp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thậm chí có NH còn đưa lãi suất xuống còn 0%/năm.


Hiện nhiều mức lãi suất cho vay hấp dẫn được tung ra như: OceanBank áp dụng mức lãi suất chỉ còn 5,91% cho khách hàng vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng. HDBank đang triển khai gói tín dụng 1.000 tỉ đồng ưu đãi cho vay tiêu dùng lãi suất 0%/năm cho tháng đầu tiên; SHB áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng mua ôtô lãi suất chỉ 5,88%/năm trong 3 tháng đầu kể từ ngày giải ngân…


Đánh giá về động thái giảm mạnh lãi suất cho vay tại một số NH, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ quốc gia cho biết, việc một số NH hạ sâu lãi suất cho vay là rất tốt. Sở dĩ các NH này có thể hạ lãi vay thấp hơn cả trần lãi suất huy động là do họ có thể huy động được nguồn vốn rẻ, điều đó sẽ giúp người vay tiền có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn vay thúc đẩy tiêu dùng cũng như sản xuất kinh doanh.


Tuy vậy, theo chuyên gia tài chính ngân hàng Cao Sỹ Kiêm, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, NH càng phải chú trọng tới việc đưa nguồn vốn tới đúng địa chỉ, tránh chệch hướng, vốn có thể không được đưa vào sản xuất, kinh doanh. Bởi, quan trọng là tạo ra sức mua cho nền kinh tế, từ đó mới có thể kích thích sản xuất.


Lo ngại này là có cơ sở vì theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến trong tháng 8 cũng tăng trở lại sau khi giảm liên tiếp trong những tháng đầu năm cho thấy, việc sản xuất của các doanh nghiệp và giải phóng hàng tồn kho vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, theo một số ý kiến chủ quan cho rằng, tín dụng tăng nhanh vừa qua có thể do các NH cơ cấu lại nợ và nhu cầu đảo nợ của doanh nghiệp hoặc đơn thuần chỉ là cho vay tiêu dùng các loại hàng hóa thương mại, nhập khẩu mà vốn vẫn chưa chảy trực tiếp vào sản xuất.


Vấn đề đặt ra là trong hơn 3 tháng nữa bắt buộc toàn hệ thống phải đạt tăng trưởng ít nhất 5,55% để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 12%, trong khi 9 tháng vừa qua mức tăng trưởng cũng không khả quan hơn là bao nhiêu. Vì vậy, nếu áp lực tăng trưởng bằng mọi giá liệu các NH có vội vàng bỏ qua các quy định chặt chẽ để cho vay dễ dàng hay tập trung tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nhằm kéo tỷ lệ tăng trưởng lên? Bài học cho thấy, tín dụng tiêu dùng là một trong những lĩnh vực dễ phát sinh nợ xấu cho các NH trong thời gian qua vẫn còn nguyên giá trị. Khi đó, lượng tăng nhưng chất giảm - nợ xấu tăng trở lại thì mục tiêu ổn định kinh tế, giảm nợ xấu sẽ không đạt được.


Do đó, ngoài việc NH tập trung tăng trưởng tín dụng thì rất cần quản lý nguồn vốn, hạn chế tập trung vốn vào những lĩnh vực có rủi ro cao, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, mang lại ổn định cho hệ thống NH và nền kinh tế. Đó mới là mục tiêu chính hiện nay chứ hoàn toàn không nên chạy đua tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá.


Theo Thành Trung/petrotimes




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á