Đà giảm của chứng khoán đã bắt đầu chững lại trong những phiên gần đây. Tuy nhiên, giao dịch thị trường vẫn chưa thoát khỏi trạng thái nhàm chán, lình xình đi ngang là chủ đạo.
Nhà đầu tư đang mong chờ tín hiệu nào để nhập cuộc trở lại?
(1) Đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. Vấn đề xử lý nợ xấu của các ngân hàng thông qua VAMC vẫn đang là đề tài được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất trong giai đoạn hiện nay. Việc hiện thực hoá hoạt động mua bán nợ xấu có thể sẽ giúp giới đầu tư cảm nhận rõ hơn về nỗ lực giải quyết nợ xấu của NHNN. Đây sẽ là liều thuốc tinh thần hữu hiệu cho thị trường chứng khoán trong giai đoạn sắp tới.
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2013, VAMC sẽ phát hành 35 ngàn tỷ đồng Trái phiếu đặc biệt (TPĐB) và chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ 21/9 đến 30/10, VAMC sẽ phát hành 10 ngàn tỷ đồng TPĐB; trong khi đợt 2 bắt đầu từ 1/11 đến hết năm, công ty này dự kiến phát hành 20 – 25 ngàn tỷ đồng TPĐB.
(2) Gói QE3 vẫn được Mỹ duy trì. Khối ngoại gần đây đã bán ròng khá mạnh từ ngày 23/05/2013 đến hết tháng 08 với tổng giá trị bán ròng lên tới 2,993 tỷ đồng trên HOSE. Đây được coi là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm sâu trong thời gian qua, vì lực bán ra của khối ngoại tập trung ở các cổ phiếu bluechip dẫn dắt.
Dòng vốn khối ngoại không chỉ tháo chạy khỏi thị trường Việt Nam mà còn ở các nước mới nổi khác khiến đồng nội tệ, chứng khoán của hàng loạt nước châu Á lao dốc. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có ý định cắt giảm dần gói nới lỏng định lượng QE3 là nguyên nhân chính khiến dòng vốn tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi.
Tính đến thời điểm hiện tại, tương lai của gói QE3 vẫn chưa thực sự rõ ràng khi các quan chức của Fed có những nhận định trái chiều. Nếu gói QE3 tiếp tục được duy trì thì nhiều khả năng sẽ mang lại động lực cho dòng tiền đổ mạnh trở lại thị trường.
Tín hiệu đáng mừng là khối ngoại đã trở lại mua ròng trên TTCK Việt Nam liên tục từ đầu tháng 09 tới đây, với tổng giá trị đạt 407 tỷ đồng trên HOSE và 205 tỷ đồng trên HNX. Mặc dù lực mua không quá mạnh, nhưng đây là tín hiệu khá tích cực hỗ trợ cho tâm lý giới đầu tư trong bối cảnh thị trường thiếu vắng thông tin đủ mạnh.
(3) Lạm phát theo tháng cần giảm nhiệt. Lạm phát đã không còn là mối quan tâm hàng đầu của giới đầu tư trong thời gian dài. Tuy nhiên, việc tốc độ tăng của CPI theo tháng liên tục nới rộng trong những tháng gần đây đang khiến giới đầu tư e ngại nhiều hơn.
CPI cả nước tháng 09/2013 đã tiếp tục tăng 1.06% so với tháng trước, tức tăng 4.63% so với tháng 12 năm 2012 và tăng 6.3% so với tháng 9 năm trước.
Chỉ số CPI tăng nhanh trở lại đang là một bất lợi không nhỏ đối với công tác kiểm soát lạm phát mục tiêu cả năm 2013 ở mức 7%, và gây cản trở đến chính sách nới lỏng tiền tệ đang áp dụng.
(4) Tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện. Số liệu của NHNN cho thấy đến cuối tháng 8/2013, vốn ngân hàng bơm cho nền kinh tế đã tăng 6.45% so với cuối năm 2012. Đây là tín hiệu đáng mừng nếu so với diễn biến trong năm 2012; tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp so với mục tiêu 12% đặt ra cho cả năm 2013.
Đây là điều có thể hiểu được khi môi trường kinh doanh vẫn còn khó khăn và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.
Hiện các doanh nghiệp đang bước vào mùa vụ sản xuất kinh doanh cao điểm cuối năm. Do đó, việc gia tăng sử dụng nợ vay, trong bối cảnh lãi suất đang được kéo giảm, có thể là một tín hiệu tích cực cho kết quả kinh doanh quý 4.
Theo Duy Nam/vietstock
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét