Tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 28-9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đào Quang Thu đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch năm 2014, trong đó Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tăng mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 lên 5,3% để có tiền đầu tư.
Ông Đào Quang Thu cho biết đánh giá tổng quan tình hình kinh tế năm 2013 cho thấy tình hình kinh tế - xã hội có những bước tích cực, nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,4% (thấp hơn kế hoạch 5,5% nhưng cao hơn năm 2012), bội chi ngân sách không quá 4,8% và tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%.
Trong chín tháng đầu năm số doanh nghiệp thành lập mới tăng 10,8% so với cùng kỳ 2012, có khoảng 11.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay lại hoạt động. “Nhưng nhìn chung doanh nghiệp còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vốn nhưng vẫn chưa tiếp cận được vốn. Hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tháo gỡ khó khăn, giảm hàng tồn kho còn nhiều hạn chế” - ông Thu nói.
TS Trần Du Lịch - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - bình luận: “Tôi cho rằng năm 2013 kinh tế trong giai đoạn còn trì trệ chứ không phải là suy thoái hay khủng hoảng như cách gọi của một số người. Điểm sáng có thể thấy được là tốc độ tăng trưởng (GDP) 5,4% là hợp lý, tức là với mức này thì không làm tăng tỉ lệ thất nghiệp. Mỗi năm chúng ta phải tiếp nhận khoảng 1 triệu lao động mới, 200.000-300.000 lao động từ nông nghiệp chuyển sang, nếu không tăng trưởng cỡ đó thì sẽ làm tăng số lao động thất nghiệp. Nền kinh tế cũng đã xuất hiện những dấu hiệu ổn định kinh tế vĩ mô rõ hơn nhiều năm trước: kiềm chế lạm phát, ổn định tỉ giá, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định thị trường”.
Theo TS Cao Sỹ Kiêm - chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, bên cạnh những điểm sáng, tình hình kinh tế năm 2013 có những điểm tối rất đáng lo. “Ba chỉ tiêu không đạt lại là ba chỉ tiêu huyết mạch: đó là tăng trưởng không đạt, tổng mức đầu tư không đạt và giải quyết việc làm không đạt. Doanh nghiệp vẫn lao đao, phá sản vẫn nhiều và nhìn tương lai chưa tươi sáng lắm. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp chậm lại” - ông Kiêm phân tích. Ông cho rằng trong những nguyên nhân của khó khăn thì có vấn đề ở việc thực hiện giải pháp rất chậm. Ví dụ như việc giải quyết nợ xấu và gói 30.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, vấn đề nhìn thấy rất sớm, ý tưởng sớm nhưng thực hiện quá chậm.
Vấn đề nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội chính là đề nghị nâng mức bội chi ngân sách lên 5,3%. TS Lịch đồng tình với mức này. Ông phân tích: “Về chính sách tài khóa, tôi đề nghị có thể tăng bội chi. Trong lúc tín dụng đang nghẽn thì tăng bội chi để kích thích thị trường. Về chính sách tiền tệ, tôi cho rằng cần phải linh hoạt về tỉ giá, làm sao chính sách tỉ giá thúc đẩy được nội địa hóa sản phẩm. Chính sách tín dụng nên khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước cố gắng làm sao tháo gỡ điểm nghẽn, đưa vốn đúng chỗ và cố gắng tăng trưởng tín dụng phải 15% thì nền kinh tế mới ấm lên được. Hiện nay lãi suất trung hạn vẫn rất cao nên khó thúc đẩy tái cơ cấu”.
TS Kiêm cũng đồng tình nhưng “với điều kiện phải phân tích kỹ các nguồn chi, nêu địa chỉ các nguồn chi và đánh giá rõ hiệu quả thì tôi mới tán thành mức bội chi 5,3%. Bởi nếu chúng ta chi không khéo thì nó lại làm mồi cho lạm phát. Tất cả phần bội chi chỉ được dành cho đầu tư phát triển, giúp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp”.
Khác với các ý kiến trên, ông Ngô Văn Minh - ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật - nói: “Đặc biệt lo ngại trước đề nghị tăng mức bội chi ngân sách. Bởi thực tế cho thấy cứ năm nào đẩy bội chi lên cao thì lại làm tăng lạm phát, đó là chưa kể tới đây lại đề nghị phát hành thêm trái phiếu chính phủ”.
Theo LÊ KIÊN
Tuoitre
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét