Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Cứu doanh nghiệp?

Cứu doanh nghiệp?


DN càng lớn vốn vay càng cao, trong khi chưa hướng được dòng vốn ngân hàng đến hệ thống DNNVV vì không có tài sản thế chấp.

“25.000 doanh nghiệp (DN) đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2013 đã khiến hàng triệu người lao động mất việc làm. Điều này cho thấy không chỉ DN ngày càng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh mà còn gây ra nhiều hệ lụy xấu trong xã hội” - TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, “châm ngòi” tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013 khi bàn cách gỡ khó, cứu DN.


DN đang suy kiệt


Trong cộng đồng DN Việt Nam, DN nhỏ và vừa (DNNVV) là loại hình chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế, đóng vai trò tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo…


Ngoài ra, DNNVV đã tạo ra 40% cơ hội cho mọi tầng lớp dân cư tham gia đầu tư, huy động các khoản tiền đang phân tán, để hình thành các khoản vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Nhưng thực tế, DNNVV lại ít được quan tâm và đang đối mặt với hàng loạt khó khăn thách thức.


Chính phủ đã triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ vốn cho các DNNVV như bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ tín dụng, song chỉ mới có một số lượng nhỏ các DN được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này.


Qua khảo sát của Viện Phát triển DN (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), cho thấy 55% DN trở ngại do thủ tục vay (hồ sơ vay vốn phức tạp - không đủ thủ tục vay vốn đơn giản cho các DNNVV); 50% trở ngại yêu cầu thế chấp (thiếu tài sản có giá trị cao để thế chấp, ngân hàng không đa dạng hóa tài sản thế chấp như hàng trong kho, các khoản thu…); 80% tỷ lệ lãi suất chưa phù hợp; các điều kiện vay vốn hiện nay chưa phù hợp với DNNVV.


Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tỏ ra lo ngại với tình trạng DN trong nước suy kiệt, với số DN giải thể, ngừng hoạt động tăng cao kỷ lục: 43.000 trong năm 2010, 53.000 năm 2011, hơn 54.000 năm 2012 và gần 29.000 DN trong hơn nửa đầu năm 2013.


Số DN bị “xóa sổ” trong 2 năm 2011-2012 bằng cả số ngừng hoạt động 12 năm trước cộng lại. Điều đó đòi hỏi DN phải điều chỉnh chiến lược cạnh tranh, tự vượt khó để tồn tại và thích ứng với những đòi hỏi mới. Trích số liệu của các bộ, ngành, bà Lan cho biết 69% DN báo cáo lỗ, số thuế DN nợ Nhà nước tăng cao.


Tổng cục Thuế báo cáo trong 6 tháng đầu năm nợ đọng thuế 64.632 tỷ đồng, tăng 32% so với cuối năm 2012 và tăng 30% so cùng kỳ. Điều đáng lo ngại là số DN còn hoạt động phải giảm mạnh công suất 30-50%. Điều này làm hàng triệu người mất việc làm.


Quá trình hội nhập quốc tế, rào cản với DN Việt Nam trước hết là độ vênh nhau rất lớn với DN quốc tế trong mặt bằng chung của thế giới. Họ đang phát triển trên nhiều nhân tố mới, trong khi đó chúng ta đang phát triển trên nền tảng của một nền kinh tế còn quá lạc hậu.



(Hình minh họa)


Đổi mới bằng cách nào?


Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đến đầu tháng 7-2013 có 167 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã xây dựng đề án tái cơ cấu trình Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành xem xét phê duyệt. Tuy nhiên, tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng đề án tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước mới thực hiện... trên giấy.


Ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, cho rằng: “Tập đoàn tôi hiện có 140.000 lao động, nếu tái cơ cấu có đến 40.000-50.000 lao động dôi ra. Vậy cần phải có tiền để đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho họ, tức là cần đến chính sách tổng thể của Nhà nước. Nếu cứ căn cứ vào con số thất nghiệp do bộ chức năng công bố (2,8-3%) thì không làm được cái gì hết”.


Ông Hòa tự hỏi đổi mới như thế nào, rồi tự trả lời: “Xin nói có những nghị định, quyết định của Chính phủ có từ lâu rồi, nhưng các bộ, ngành không có văn bản hướng dẫn, hoặc có nhưng sai lệch. Như vậy làm sao DN không khó khăn, suy kiệt được”.


Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, băn khoăn trước hai luồng quan điểm là tiếp tục duy trì tình trạng hiện tại “tăng tín dụng là tăng nợ xấu, tăng chi ngân sách là tăng lãng phí” và một bên là “nếu không tăng tổng cầu tín dụng DN sẽ tiếp tục suy kiệt, nền kinh tế có thể rơi vào một cực đoan khác”.


Và một giải pháp trung gian dù chưa được đồng thuận cao được đưa ra: Nếu nóng ruột tăng tổng cầu lúc này là xóa toàn bộ cái chúng ta đạt được, nhưng nếu không tăng tổng cầu tình trạng suy kiệt DN tiếp tục tăng.


Là người đầu tiên báo động về con số nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) của Việt Nam lên tới gần 100.000 tỷ đồng, TS. Trần Đình Thiên cho rằng chính nợ đọng XDCB sinh ra nợ xấu và gây khó khăn dây chuyền cho cả Nhà nước và DN. Rất nhiều DN đang “chờ chết” vì chưa thu được khoản nợ này. Ông nhận định, bản chất nợ đọng XDCB là “nợ đồng lần”.


Nghĩa là Nhà nước nợ DN, DN lại nợ DN, rồi các DN lại nợ tiền lương người lao động, tiền vay vốn ngân hàng... Tóm lại một vòng tròn luẩn quẩn và... không ai nợ ai cả. Ông Thiên đề nghị Trung ương phải nhanh chóng trả nợ DN.


Để cứu DN, nhiều đại biểu cho rằng cần giám sát thực hiện các chính sách phát triển và hỗ trợ DN, nhất là DNNVV. Tiếp tục hạ lãi suất cho vay và nới lỏng các điều kiện vay, đặc biệt là nguồn tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ; các ngân hàng thực hiện việc khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay để DN duy trì hoạt động và trả nợ thay vì phá sản; đẩy nhanh tiến độ thành lập Quỹ phát triển DNNVV...


Theo Văn Thắng


Sài gòn Đầu tư tài chính




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á