Đánh giá về động thái Vinashin hoán đổi nợ của 18 tổ chức tín dụng sang Cty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), các chuyên gia cho rằng, đây chưa phải là giải pháp đột biến. Tuy nhiên, điều này cũng khiến “tảng đá” nợ xấu Vinashin dịch chuyển, “máu đông” nợ xấu có khả năng đang tan...
Chuyển nợ khỏi Vinashin
Cuối tuần qua, tại trụ sở Vinashin diễn ra lễ bàn giao trái phiếu giữa Cty DATC hoán đổi nợ của Vinashin với 18 tổ chức tín dụng. Tổng giá trị hoán đổi đợt này là 11.900 tỷ đồng. Động thái này được hiểu là số nợ của Vinashin với 18 ngân hàng, tổ chức tín dụng đã được chuyển sang cho DATC (DATC phát hành trái phiếu cho tổ chức tín dụng này).
Đây là một trong những giải pháp đạt được sau rất nhiều cuộc họp giữa các bên liên quan, trong đó có cuộc họp giữa Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vào 18/9 vừa qua. Việc hoán nợ này dự kiến sẽ tiếp tục được triển khai đợt 2 trong năm nay.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, sự kiện này không làm thay đổi nhiều về bản chất số nợ của Vinashin. Nợ của Vinashin vẫn còn đó và được chuyển sang cho DATC. Thay vì chủ nợ là Vinashin thì nay lại là DATC. Các tổ chức tín dụng đáng lẽ cầm hợp đồng cho vay, nay thành trái phiếu.
“Tuy nhiên, đây là động thái tích cực. Nếu trước đây tảng đá nợ nần của Vinashin đứng yên. Sau động thái trên, nó đã nhúc nhích, tạo cơ hội cho tập đoàn này xoay sở” – TS Doanh nói. Theo TS Doanh, bên mua nợ của Vinashin là DATC - một đơn vị lâu năm, có vốn lớn cũng là một ưu ái.
Báo cáo của Chủ tịch HĐQT Vinashin Nguyễn Ngọc Sự tại buổi lễ nói trên cho thấy, đến nay, tổng số nợ của Vinashin khoảng 86.000 tỷ, tương đương hơn 4 tỷ USD. Ngoài phương án đã được thực hiện với 18 tổ chức tín dụng trong nước như trên, khoản 600 triệu USD vay nước ngoài, Vinashin sẽ phối hợp với DATC phát hành trái phiếu để xử lý.
Đối với các khoản vay của Chính phủ, Vinashin sẽ được khoanh nợ, giãn nợ 10 năm. Hơn 200 triệu USD của các ngân hàng nước ngoài, theo ông Sự, đến thời điểm này cũng xử lý cơ bản xong.
(Hình minh họa)
“Chỉ nên cứu những gì còn hy vọng”
Những diễn biến liên tục trong quá trình tái cơ cấu Vinashin diễn ra mới đây giống như chuẩn bị kết thúc vai trò tập đoàn để lập tổng công ty; thanh lọc các đơn vị kinh doanh ngoài ngành, tái cơ cấu nhân sự... Điều này cho thấy “con tàu” Vinashin đang nỗ lực để hoạt động trở lại giữa muôn trùng nợ nần bủa vây.
Vinashin tới đây chỉ còn 8 nhà máy đóng tầu (chiếm 70% năng lực đóng tàu của cả nước). Lãnh đạo Vinashin đang nỗ lực mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện với đối tác nước ngoài để người lao động có việc làm, sản phẩm có đầu ra. Ông Sự cho biết, hiện 3/8 doanh nghiệp đã hợp tác với Tập đoàn Damen (Hà Lan); các đơn vị còn lại cũng sẽ có cơ hội và khả năng để hợp tác với tập đoàn này và các đối tác nước ngoài khác.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico (chuyên về ngân hàng, chứng khoán, đầu tư) cho rằng, việc DATC mua lại nợ của Vinashin cho thấy nỗ lực cũng như kỳ vọng của Chính phủ với tập đoàn này. Tuy không dùng “tiền tươi thóc thật” để trả nợ cho Vinashin, nhưng việc phát hành trái phiếu có bảo đảm là một sự hỗ trợ đáng kể. Động thái này cũng làm cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng đỡ thấp thỏm hơn về khoản nợ của Vinashin.
Tuy nhiên, để tránh vòng tròn luẩn quẩn trong tái cơ cấu Vinashin, luật sư Đức cho rằng, cần phải kiên quyết thực hiện giải pháp thanh lọc. Doanh nghiệp nào yếu kém, không thể vực được dậy thì nên cho phá sản. “Nếu chúng ta không đủ tiềm lực, thông minh để cứu thì nên để phá sản. Như thế sẽ giúp tập trung nguồn lực và minh bạch thị trường. Chỉ nên cứu những gì còn hy vọng. Phải nói rằng, trong khi thị trường tàu biển đang xấu như hiện nay, việc vực dậy là rất khó khăn” - ông Đức nói.
Luật sư Đức và TS Lê Đăng Doanh đều cùng đề cập đến một giải pháp được nói đến nhiều trong thời gian qua là cần tạo hành lang pháp lý để các tổ chức nước ngoài vào giải quyết nợ xấu (trong đó có nợ xấu của Vinashin).
Theo Sỹ Lực (Tiền Phong)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét