Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Giá hàng hóa thấp nhất 12 năm khi World Bank hạ dự báo tăng trưởng

Giá hàng hóa thấp nhất 12 năm khi World Bank hạ dự báo tăng trưởng


Giá hàng hóa toàn cầu chịu áp lực lớn khi giá dầu lao dốc và World Bank hạ dự báo tăng trưởng do triển vọng thất vọng tại eurozone và châu Á.


Chỉ số Hàng hóa Bloomberg theo dõi 22 mặt hàng năng lượng, nông nghiệp và kim loại hôm 14/1 giảm 1,1% xuống 100,1988 điểm, thấp nhất kể từ tháng 8/2002, sau khi giảm 17% trong năm 2014.


Giá dầu tiếp tục bắt đáy mới khi giá dầu Brent, chuẩn toàn cầu, giảm gần 60% so với mức đỉnh hồi tháng 6/2014 trong khi giá đồng, thường được sử dụng làm phong vũ biểu cho nhu cầu công nghiệp, giảm hơn 6% xuống dưới 5.500 USD/tấn, thấp nhất kể từ 2009.


Trên thị trường than đá, các hợp đồng tại châu Âu giảm ¼ giá trị trong 8 tuần qua xuống 57,7 USD/tấn do dư cung trong khi nhu cầu ảm đạm.


Giá hàng hóa tiếp tục giảm khi World Bank hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu do triển vọng kinh tế đáng thất vọng tại eurozone, châu Á và một số nền kinh tế mới nổi – xua tan mọi lợi ích do dầu mất giá mang lại.


Báo cáo của World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 đạt 3%, thấp hơn so với 3,4% dự báo trước đó; năm 2016 tăng trưởng 3,3%, giảm so với 3,5% dự báo trước đó.


Tuy giá hàng hóa giảm là tin vui đối với hộ gia đình và các ngành công nghiệp khi chi phí năng lượng và nguyên liệu thô giảm, song lại gây ra áp lực giảm phát tại nhiều nền kinh tế.


CPI tại khu vực ASEAN đã giảm xuống ngưỡng giảm phát do giá dầu tuột dốc, Morgan Stanley cho biết hôm thứ Tư 14/1. Morgan Stanley ước tính khi giá dầu giảm 10%, CPI giảm 24 điểm cơ bản.


Giá năng lượng đang giảm mạnh do dư thừa công suất. Dầu thô, nhiên liệu quan trọng nhất đối với ngành vận tải, liên tục giảm giá trước tình trạng dư cung do bùng nổ dầu đá phiến ở Bắc Mỹ cùng với sản lượng tăng tại nhiều nước sản xuất dầu như Nga và OPEC.


Sản lượng than đá, nhiên liệu được sử dụng chủ yếu trong ngành phát điện, cũng tăng trong 5 năm qua khi nhu cầu tại các thị trường chính như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc chậm lại do sử dụng các nguồn nhiên liệu thay thế như khí đốt tự nhiên và các nguồn năng lượng có khả năng tái tạo.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á